BS bệnh viện Phụ sản TW giải đáp chi tiết và phân biệt các cách giảm đau cho phụ nữ khi sinh con
Có nhiều phương pháp giảm đau để ca sinh nở của người mẹ trở nên nhẹ nhàng và an toàn hơn.
1. Tại sao khi chuyển dạ mẹ thường đau đớn?
Bác sĩ Phan Chí Thành – BS nội trú chuyên ngành Sản Phụ khoa, hiện là Chánh VP TT Đào tạo - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "Đau khi chuyển dạ được gây ra bởi sự co thắt cơ tử cung và áp lực đè lên cổ tử cung. Cơn đau này có thể được cảm nhận như những cơn co thắt mạnh ở bụng, háng, và lưng, cũng như cảm giác đau nhức. Các nguyên nhân khác gây đau trong quá trình chuyển dạ bao gồm áp lực lên bàng quang và vùng tầng sinh môn do đầu của thai nhi, và do đường sinh dục cũng như âm đạo bị kéo căng.
Cơn đau chuyển dạ thường gây ám ảnh với sản phụ. Bởi nó được coi là cơn đau đớn nhất mà 1 người mẹ phải trải qua. Theo số liệu khoa học, cơ thể con người chịu đựng được tối đa 45 đơn vị đau (del unit). Nhưng khi phụ nữ đẻ thường, người mẹ phải chịu đựng tới 57 đơn vị đau, nó tương đương với việc bị gãy 20 cái xương cùng 1 lúc.
Cơn đau này rất khác nhau ở mỗi lần sinh nở khác nhau. Và mỗi mẹ bầu sẽ có những trải nghiệm khác nhau về cơn đau chuyển dạ. Với một số chị em, cơn đau khi chuyển dạ có thể giống như đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng với một vài chị em khác, cơn đau có thể tương đương với việc chịu một áp lực nặng nề, hoặc những cơn co thắt rất mạnh như đau bụng khi bị tiêu chảy.
Thêm 1 yếu tố nữa khiến chị em sợ hãi cơn đau chuyển dạ đó là những cơn co thắt này lặp đi lặp lại liên tục và càng lúc thời gian nghỉ giữa các cơn co càng trở nên ngắn hơn. Do đó, làm sao để giảm đau khi sinh, nhanh chóng hồi phục sức khỏe luôn là điều mà các mẹ bầu quan tâm".
2. Những cách giảm đau khi sinh
Để giảm đau trong quá trình chuyển dạ, đây là một số phương pháp các chị em có thể áp dụng trước hoặc trong quá trình mang thai:
Các phương pháp giảm đau không dùng thuốc
Với các phương pháp giảm đau tự nhiên, khi có các cơn đau trong quá trình chuyển dạ, mẹ bầu nên di chuyển và đi lại nhẹ nhàng. Một bí quyết khá hay là mẹ có thể ngồi trên một quả bóng hơi lớn để giúp giảm đau, quá trình này cần có người bên cạnh để tránh bị té ngã. Việc di chuyển hay vận động nhẹ nhàng trong thời gian này không chỉ giúp mẹ vơi đi cơn đau mà còn giúp thai nhi lọt đúng vào khung chậu của mẹ, giúp cho quá trình sinh nở được diễn ra dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, massage nhẹ nhàng ở lưng, chân tay cũng là một phương pháp giúp mẹ bầu giảm đau khi có cơn chuyển dạ, bớt căng thẳng, lo lắng. Ngoài ra, các chị em có thể chườm ấm hoặc đặt một túi nước đá ở vùng thắt lưng hoặc đáy chậu để làm dịu cơn đau.
Không chỉ có vậy, các bà mẹ còn có thể tắm bằng nước ấm khi cơn đau chuyển dạ kéo đến. Khi có các cơn đau chuyển dạ, các cơ trong cơ thể sẽ bị kéo căng ra làm gia tăng áp lực, gây đau và khó chịu cho mẹ, việc tắm bằng nước ấm sẽ giúp việc giảm đau rõ rệt và mẹ thoải mái hơn.
Việc thư giãn và tập hít thở đúng cách cũng là một điều rất quan trọng trong quá trình chuyển dạ. Các mẹ có thể thả lỏng người, tập trung vào hơi thở của mình, hít thật sâu bằng mũi và thở chậm bằng đường miệng.
Các phương pháp giảm đau bằng thuốc
+ Mặt nạ khí N2O
Đây là một phương pháp đã được chứng minh là có tác dụng giảm đau cho các chị em phụ nữ trong quá trình chuyển dạ. Khí N2O sẽ được cung cấp qua mặt nạ hoặc ống ngậm dành cho thai phụ và mất khoảng 15-20 giây để bắt đầu hoạt động. Do đó, mẹ bầu cần hít vào ngay khi cơn co thắt bắt đầu và hít thở thật chậm và sâu để phương pháp đạt hiệu quả tối đa. Phương pháp giảm đau này an toàn cho cả mẹ và bé nên các chị em phụ nữ có thể yên tâm khi sử dụng. Tuy nhiên có thể có một số tác dụng phụ như buồn nôn, buồn ngủ. Trong trường hợp vẫn cảm thấy đau, mẹ bầu có thể kết hợp thêm phương pháp giảm đau khác như tiêm thuốc.
+ Thuốc giảm đau Pethidine
Pethidine là một thuốc giảm đau mạnh (liên quan đến morphine và heroin), thường được tiêm trực tiếp vào cơ mông hoặc tiêm tĩnh mạch. Mất khoảng 20 phút để phát huy tác dụng sau khi tiêm và tác dụng của pethidine có thể kéo dài từ 2 đến 4 giờ tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau. Do đó, phương pháp này không được khuyến khích nếu mẹ bầu đang tiến gần đến giai đoạn hai của cuộc chuyển dạ. Pethidine có thể làm cho mẹ bầu cảm thấy chóng mặt, buồn nôn. Nếu pethidine được dùng quá gần thời điểm chuyển dạ, thuốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp của em bé – trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc khác để đảo ngược tác dụng của thuốc.
+ Gây tê ngoài màng cứng
Đây là phương pháp giảm đau trong chuyển dạ an toàn và hiệu quả được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Gây tê ngoài màng cứng là một phương pháp gây tê cục bộ, làm tê liệt các dây thần kinh mang xung động đau đến não. Thuốc tê ngoài màng cứng được bác sĩ gây mê tiêm qua một catheter mỏng, dạng ống vào phần lưng dưới của sản phụ. Số lượng thuốc có thể tăng hoặc giảm theo nhu cầu. Lượng thuốc qua thai nhi là rất ít, nên phương pháp này hầu như không ảnh hưởng đến em bé. Trong hầu hết các trường hợp, gây tê ngoài màng cứng có thể giúp các chị em phụ nữ giảm đau hoàn toàn. Sau từ 10-20 phút được gây mê ngoài màng cứng, thuốc bắt đầu có tác dụng và sản phụ sẽ cảm thấy những cơn đau được giảm dần nhanh chóng. Đây cũng là một phương pháp đặc biệt hữu ích nếu mẹ bầu phải trải qua một cuộc chuyển dạ kéo dài hoặc có các cơn đau cường tính. Gây tê ngoài màng cứng có thể giúp mẹ bầu giảm đau rất tốt, nhưng không phải lúc nào phương pháp cũng hiệu quả 100% trong quá trình chuyển dạ. Hiệp hội Bác sĩ Gây mê Sản khoa ước tính rằng cứ 10 chị em phụ nữ thì có 1 người được gây tê ngoài màng cứng cần phải sử dụng thêm các phương pháp giảm đau khác khi chuyển dạ. Gây tê ngoài màng cứng cũng có một số nhược điểm - nó có thể kéo dài giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển dạ do làm giảm sức co cơ của người mẹ, gián tiếp làm tăng nguy cơ đẻ bằng forceps. Do gây tê nên các mẹ bầu có thể gặp tình trạng bí tiểu và cần phải đặt ống thông tiểu trong trường hợp này. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể khiến mẹ bầu bị hạ huyết áp, có thể điều trị bằng cách truyền nước muối sinh lý đường tĩnh mạch. Thống kê chỉ ra rằng có khoảng 1% chị em phụ nữ bị đau đầu và khoảng 30% chị em bị ngứa sau khi làm thủ thuật, lưng của các mẹ bầu cũng có thể bị đau trong một đến hai ngày, tuy nhiên đây là những vấn đề không đáng lo ngại.
+ Gây tê tủy sống
Gây tê tủy sống là phương pháp thường được các bác sĩ sử dụng khi sinh mổ lấy con. Phương pháp này còn được gọi là gây tê dưới màng cứng hay tê dưới màng nhện. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm một lượng thuốc tê thích hợp vào khoang dưới màng nhện, thuốc tê sẽ hòa chung vào dịch não tủy và sẽ tác dụng vào các rễ thần kinh gây mất cảm giác, liệt vận động, giúp sản phụ nằm yên, mất cảm giác hoàn toàn ở nửa thân dưới. Với phương pháp này, trong quá trình sinh mổ, sản phụ sẽ tỉnh táo hoàn toàn, có thể lắng nghe và cảm nhận được các thao tác của bác sĩ, nhưng sẽ không có cảm giác đau đớn nào. Điều này giúp cho việc thực hiện da kề da mẹ – con ngay tại phòng mổ. Sau cuộc mổ, khi thuốc tê hết tác dụng, sản phụ sẽ dần có cảm giác trở lại.
+ Phối hợp gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống
Đây là cách loại bỏ những bất lợi và tăng ưu thế của cả 2 phương pháp, có thể dùng cho giảm đau ngắn và dài hạn, nhất là khi mẹ bầu phải mổ lấy thai và hậu phẫu. Phối hợp hai phương pháp có thể giúp làm giảm đau nhanh, tuy nhiên có thể có một số nhược điểm như gây phong bế tủy sống hoàn toàn do luồn catheter xuyên màng cứng hoặc gây đau đầu, gây ngứa cho các bà mẹ.
Meta Content NỀN TẢNG HẠNH PHÚC là dự án đồng hành cùng các bậc cha mẹ Việt và toàn xã hội với mục đích tạo dựng môi trường hạnh phúc cho những đứa trẻ, góp phần tạo nên một thế hệ khoẻ mạnh và hạnh phúc. Một đứa trẻ nhận được đủ sự yêu thương và lớn lên trong môi trường hạnh phúc sẽ có khả năng xử lý cảm xúc, tư duy logic và đương đầu với khó khăn hơn là một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm.
Với dự án này, chúng tôi mong muốn được lan tỏa thông điệp "Đứa trẻ hạnh phúc là hạt nhân của một xã hội bền vững". Đây không chỉ là nhiệm vụ trực tiếp của bố mẹ mà cần sự đồng hành, chung tay của toàn xã hội.