Bột sắn dây với mật ong không gây đột tử
“Có cô con dâu bị người nhà kết tội giết” mẹ chồng vì bà bị đột tử ngay sau khi uống cốc sắn dây pha với mật ong của con dâu”, Chị Nguyễn Quỳnh Nga (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Chị Nga cho biết, cuối tuần vừa rồi chị về quê Hà Tây giỗ bố. Đi đến đâu mọi người cũng chia sẻ câu chuyện này, bởi nước sắn dây là món giải khát phổ biến ở vùng quê. “Nước sắn dây vốn mát, lành nhưng nếu pha với mật ong thì lại thành loại nước cực độc, có thể giết chết người”, nhiều người quả quyết.
ThS-Lương y Vũ Quốc Trung, nguyên Phó Giám đốc trung tâm khoa học công nghệ (Cục dự trữ quốc gia) khẳng định, uống nước sắn dây pha với mật ong gây đột tử chỉ là lời đồn đoán trong dân gian, còn tuyệt nhiên không có sự việc đó.
“Tôi thường xuyên uống nước sắn dây pha với mật ong, cả gia đình tôi cũng vậy, chẳng có điều gì bất thường xảy ra”, ông Trung khẳng định.
ThS-Lương y Vũ Quốc Trung tự pha sắn dây với mật ong...
Và uống để khẳng định dân gian nói sắn dây kết hợp mật ong tạo ra chất cực độc chỉ là lời đồn đoán.
“Thức ăn và thuốc đều có thể khắc chế lẫn nhau. Bởi mỗi loại thuốc, thực phẩm đều có các thành phần khác nhau nên có tính chất tác động khác nhau khi ăn uống. Y học cổ truyền cho đó là sự tương phản và có đề ra những cấm kỵ nếu dùng chung có thể gây phản ứng có hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, sắn dây và mật ong không nằm trong nhóm tương phản này nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe chứ đừng nói gì đến chuyện chết người”, lương y Trung nói.
Lương y giải thích: “Sắn dây được sản xuất theo công nghệ mài lọc qua nước, 100% bột sắn còn lại là tinh bột, khi ăn vào cơ thể chuyển hóa thành đường glucoza. Mật ong có thành phần hầu hết là đường glucoza + đường fructoza và một số vitamin, vi lượng + 1 số hoạt chất sinh học. Thực tế, mật ong là chất bổ dưỡng tốt, có tác dụng chữa bệnh về đường ruột và trong mật ong có chất kháng khuẩn vì vậy sử dụng là vô hại, chứ không thể có hại. Hơn nữa, mật ong tính bình, sắn dây tính mát kết hợp với nhau cũng không gây ra phản ứng.
Theo ThS-Lương y Trung kể cả trong trường hợp bột sắn dây được trộn hoặc được làm từ củ sắn (mì) hoặc bột dong thì công nghệ sản xuất sắn dây mài và ngâm lọc cũng loại bỏ hết độc tố trong sắn mì nên không thể gây phản ứng như đồn thổi. Đặc biệt, mật ong không có tính axit nên cũng không phân hủy chất xyanhydric trong đó ra chất độc hại được. Cũng có trường hợp mọi người cho rằng, sắn dây được trộn thạch cao - suflat canxi (CAS04) – thì khi vào cơ thể dưới tác động của axit clohydric (HCl) có trong dịch vị dạ dày thì thạch cao cũng tan ra chứ không kết tủa gây hại như một số người nói”.
Trường hợp nếu có dị ứng với mật ong (rất hãn hữu) thì cũng gây mẩn ngứa, nổi mề đay, dị ứng, đau bụng, tiêu chảy… chứ không thể gây chết tắc tử như vậy được. Theo ThS-Lương y Trung, các trường hợp chết đột ngột như kể trên thường do tai biến mạch máu não hoặc bị tim mạch.