Bỗng một ngày chồng thờ ơ với vợ
Một ngày đẹp trời, bỗng dưng bạn phát hiện chàng… thờ ơ với mình, cứ đi ra đi vào như một chiếc bóng, lầm lầm lũi lũi, chẳng đoái hoài gì tới vợ. Có điều gì xảy ra?
Điều gì đã xảy ra khiến chàng thay đổi? Bộ não của bạn bắt đầu hoạt động dữ dội, tập trung hàng trăm "dữ liệu" để đặt ra những "tình huống" xấu nhất có thể: Chàng có bồ? Chàng chán mình, hết yêu mình? Hay… Chàng chê mình già, mình xấu, mình nhăn nheo? v.v… _GG
Tình cảm con người không bao giờ ở trạng thái tĩnh. Nó luôn luôn thay đổi: Gần rồi lại xa, lên cao rồi lại xuống thấp. Đó gọi là quy luật dao động trong tình cảm con người. Trong khi phụ nữ lại luôn cần tình yêu, khao khát sự quan tâm, yêu thương và sẻ chia. Khi chồng đột ngột "trú đông", người vợ không tránh khỏi cảm giác bị tổn thương, bị bỏ rơi, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực gây ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng. Cũng dễ hiểu, vì mỗi lần như thế, vợ chồng không nói chuyện với nhau nhiều, cảm giác ăn chung mà ít nói chuyện, ngủ chung mà chẳng đầu gối tay ấp... đáng sợ lắm!
Thế nhưng, là phụ nữ, bạn cần hiểu rằng, nếu người đàn ông không có cơ hội để tách mình ra, anh ấy sẽ không bao giờ cảm nhận được sự khát khao muốn gần gũi bên người bạn đời. Nếu bạn cứ đòi hỏi duy trì sự thân mật liên tục, anh ấy sẽ… bỏ trốn! Bởi trên thực tế, người đàn ông luôn có sự dao động tự nhiên giữa tự do và thân mật. Và, một khi chàng muốn về với ốc đảo của mình, hãy để chàng yên tĩnh.
Có một người đàn ông đã chân thành chia sẻ thế này: "Điều mà cánh đàn ông chúng tôi sợ nhất chính là bộ mặt âu sầu đau khổ, những lời tra hỏi, những câu bóng gió bâng quơ, những cơn truy đuổi đến tận cùng của vợ khi chúng tôi muốn tìm một khoảng lặng cho riêng mình".
Nếu bạn muốn có một gia đình đầm ấm, hòa thuận, hương lửa luôn mặn nồng, hãy nhớ chu kỳ dao động này của chàng, nhớ những điều chàng "sợ", đừng "truy đuổi" gắt gao, không cấm vận, không trừng phạt, không dỗi hờn, đừng tỏ vẻ lạnh lùng xa cách. Hãy quan tâm chăm sóc chàng như chưa từng có chuyện gì xảy ra, đừng hỏi tại sao, đừng hoài nghi. Bởi vì, nếu ở những khoảng lặng ấy, chàng đã thờ ơ, bạn cũng hững hờ, cùng buông tay và cùng không nghĩ về cái chung thì chắc hẳn gia đình sẽ đứng trên bờ vực tan vỡ.
Như vậy, "lặng" không có nghĩa là hết yêu thương, hết quan tâm. "Lặng" là những khoảng thời gian "nghỉ ngơi" để thư giãn sau những bộn bề lo toan của cuộc sống, của cơm-áo-gạo-tiền, của trách nhiệm nặng nề với gia đình con cái. Và, "lặng" cũng là lúc để vợ chồng nhìn lại những gắn bó mà cả hai từng trải qua cùng nhau để hiểu và yêu nhau nhiều hơn.