Bỏng da sau khi đi du lịch biển vài ngày, cô gái phát sốt phải cầu cứu chuyên gia
Sau 3 ngày đi biển về, vùng lưng trên và 2 vai chuyển sang đỏ rát. Vài ngày sau xuất hiện phồng rộp, sốt nên cô gái này liên hệ, nhờ chuyên gia tư vấn.
Cô gái 25 tuổi bị cháy nắng, biến chứng bỏng da sau khi đi biển phơi nắng
Dược sĩ (DS) Khuê Vũ (làm việc tại Hà Nội) chia sẻ, mới đây anh tiếp nhận một trường hợp đi biển về bị cháy da nặng, biến chứng bỏng da.
Đó là một bạn nữ làm văn phòng (25 tuổi, sống tại Hoàng Mai, Hà Nội), có thói quen chăm sóc da mặt rất cẩn thận, chỉn chu nhiều bước. Cô không bao giờ quên bôi kem chống nắng cho vùng mặt theo đủ lượng khuyến cáo, thời gian bôi lại (2-3 tiếng mỗi lần). Vậy nhưng cô gái này lại không bôi kem chống nắng cho vùng lưng - thường để hở do mặc áo váy 2 dây - để chụp ảnh sống ảo.
"Sau 3 ngày đi biển về, vùng lưng trên và 2 vai chuyển sang đỏ rát. Vài ngày sau xuất hiện phồng rộp, sốt nên cô gái này liên hệ, nhờ tư vấn", DS Khuê Vũ cho hay.
Tiếp nhận trường hợp, DS Khuê Vũ nhận định đây là một ca bệnh bị bỏng nắng, biến chứng do cháy nắng. Bác sĩ kê thuốc bôi, đồng thời tư vấn loạt biện pháp giúp phục hồi làn da ban đầu cho bệnh nhân. Sau 2 tháng, làn da đã lành lặn, khỏe mạnh và dần đồng màu so với màu da xung quanh tổn thương trước đó.
DS Khuê Vũ cảnh báo, bỏng nắng chỉ là một tình trạng cấp tính khi tiếp xúc sau khoảng thời gian với ánh nắng mặt trời. Ngoài bỏng nắng, tia UV còn gây nên các tình trạng sạm, nám, ung thư da... Chính vì vậy, mọi người cần quan tâm và bảo vệ làn da của mình đúng cách khi ra ngoài trời nắng.
"Mọi người cần chú ý bôi kem chống nắng đầy đủ, đúng cách. Khi đi biển, đừng quên chỉ bôi kem chống nắng vùng mặt mà nên bôi cả cơ thể. Bất cứ khu vực nào không được che chắn, không được bảo vệ bởi kem chống nắng đều dễ bị cháy nắng, bỏng nắng", chuyên gia cảnh báo.
Thời điểm hiện tại đang là mùa du lịch biển của nhiều người, nguy cơ bị cháy nắng, biến chứng bỏng nắng càng tăng cao sau kỳ nghỉ. Vào mùa hè, trời nắng nóng, nhiệt độ cao cũng là mùa có chỉ số tia UV cao nhất trong năm.
Khi đi du lịch, bạn thường xuyên ở ngoài trời tiếp xúc với tia UVA, UVB. Nếu không có các biện pháp phòng tránh thì chỉ cần từ vài chục phút đến vài tiếng đồng hồ cũng khiến làn da bị cháy nắng. Nếu da bị cháy nắng với các dấu hiệu như da đỏ rát, phồng rộp, phù nề, nặng hơn thì có bóng nước, sốt... thì nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Khuyến cáo việc cần làm ngay khi da bị bỏng nắng
Ngay khi xác định tình trạng da bị bỏng nắng, DS Khuê Vũ khuyên mọi người nên làm ngay những việc quan trọng để giảm rủi ro, biến chứng nặng hơn:
- Việc đầu tiên bạn cần làm là làm dịu da bằng cách dùng khăn chườm lạnh, tắm hoặc ngâm trong nước lạnh. Không nên dùng trực tiếp đá lạnh để chườm vì dễ phản tác dụng, gây kích ứng da.
- Sau đó bạn nên bôi các kem dưỡng ẩm phục hồi cho làn da có các thành phần như chiết xuất rau má, chiết xuất lô hội, chiết xuất yến mạch, hyaluronic acid, panthenol (B5), peptide, glycerin...
- Bạn cũng nên uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước.
- Dùng sữa tắm dịu nhẹ, tránh các hoạt chất như AHA, BHA, tránh kỳ mạnh gây tổn thương da.
- Bạn nên xin ý kiến dược sĩ, bác sĩ da liễu và được kê dùng thuốc bôi có thành phần corticoid như hydrocortisone phù hợp nếu cần thiết.
- Trường hợp bị phồng rộp to và nhiều, bạn nên đến bệnh viện gặp các bác sĩ để thăm khám và xử lý kịp thời.
- Thời gian này, bạn cũng nên hạn chế tối đa tiếp xúc với ánh nắng. Nếu phải ra ngoài thì cần bôi kem chống nắng, đội mũ, kính, áo chống nắng, che chắn kỹ càng.
DS Khuê Vũ khuyên, để tránh bị cháy nắng khi đi du lịch, chị em cần chú ý bôi kem chống nắng đủ lượng sau 2-3 giờ, bổ sung dùng thêm viên uống chống nắng. Khi đi bơi tắm biển thì nên sử dụng kem chống nắng có khả năng kháng nước để bảo vệ tốt hơn
Ngoài ra đừng quên dùng mũ, nón, ô, kính râm che chắn khi trong hành trình đi chơi. Hạn chế tắm vào giờ trưa từ 10-14 giờ vì thời gian này thường có chỉ số UV rất cao, dễ làm cho da bỏng, cháy.