Bốn ngày nghẹt thở giải cứu 12 công nhân sập hầm Đạ Dâng qua ảnh
Lúc 16h35 ngày 19/12/2014 cả 12 công nhân bị kẹt trong hầm Đạ Dâng đã được đưa ra khỏi hầm an toàn. Những chiến sĩ bộ đội tham gia cứu hộ vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Công cuộc giải cứu các nạn nhân sập hầm Đạ Dâng kéo dài gần 4 ngày nghẹt thở đã kết thúc nhanh hơn dự kiến với nỗ lực không mệt mỏi của hơn 750 chiến sĩ cứu hộ.
Công trình thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo được khởi công xây dựng vào ngày 17/12/2003. Vào 7h ngày 16/12/2014, khi kíp trực đang đào đường hầm để đưa ống dẫn nước vào khu vực thủy điện thì xảy ra tai nạn sập hầm. Vào thời điểm xảy ra sự cố có 12 người là công nhân, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Sông Đà 505, trong đó có một phụ nữ - Ảnh: Tuổi Trẻ
Nhận được tin báo, công an tỉnh Lâm Đồng đã huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn, lực lượng y tế… tới hiện trường. Tuy nhiên, địa điểm bị sập cách cửa hầm khoảng từ 300 - 500m, diện tích hầm bị sập kéo dài khoảng 6m với hàng trăm mét khối đất.
Lúc 11h30 ngày 16/12, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Bùi Văn Sơn, Giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu nạn. Ông Sơn cho biết để đưa các nạn nhân ra khỏi vị trí gặp nạn, một ống sắt có đường kính khoảng 60 cm đã được đưa từ Đà Lạt vào hiện trường để hút đất đá ra, các nạn nhân sẽ chui qua đường ống này để ra ngoài.
19h45 ngày 16/12, mũi khoan dài 35m đã xuyên vào bên trong khu vực hầm sập. Dưỡng khí được bơm vào khu vực người bị nạn thông qua lỗ khoan.
21h ngày 16/12, các nạn nhân bị mắc kẹt bên trong đã trao đổi với đội cứu hộ và thông báo cả 12 người vẫn còn sống, sức khỏe ổn định và đang bị đói. Sữa đã được chuyển vào bên trong cho các nạn nhân. Những người ở bên ngoài sẽ bơm sữa, nước và cháo qua đường ống vào cho các nạn nhân 4 giờ/lần. Sữa được đổ vào bình 5 lít, đút ống nhựa vào rồi bơm bên trong đường ống dài hơn 30 mét.
Rạng sáng ngày 17/12, tin vui từ vị trí sập hầm thủy điện một thông báo như một tiếng reo từ 12 nạn nhân hiện vẫn còn đang kẹt trong đường hầm Thủy điện Đạ Dâng bị sập: "OK. Chúng tôi đã nhận được cháo gà rồi". Trong ảnh các nhân viên cứu hộ đang thổi cháo vào cho các công nhân.
15h ngày 17/12, đội cứu hộ hầm mỏ từ Quảng Ninh, đoàn xe của lực lượng chi viện từ TP.HCM cùng máy móc chuyên nghiệp lên đường tiếp cận hiện trường ứng cứu. Tổng cộng đã có gần 750 người tham gia đợt cứu hộ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi điện thoại chỉ đạo bằng mọi giá, mọi cách phải cứu được các nạn nhân.
Hệ thống dây điện, ống dẫn khí được đưa vào phục vụ tối đa cho công tác cứu nạn. Ông Đỗ Viết Phong - Đội phó Lữ đoàn công binh Quân khu 7 - cho biết hiện tại lực lượng cứu hộ dùng mọi phương tiện, con người để bơm nước từ trong hầm ra ngoài. "Vì nước mỗi ngày một dâng cao, đe dọa tính mạng 12 nạn nhân. Sau đó mới tính đến chuyện mở đường để vào tiếp cận các công nhân", ông Phong nói.
21h00 ngày 18/12 tại vị trí lực lượng cứu nạn đang đào hầm cứu hộ, các nhân viên cứu nạn phải liên tục trấn an nạn nhân qua ống thép: “Các anh em cứ bình tĩnh! Đào gần đến rồi! Cứ bình tĩnh đi”. Tuy nhiên, lực lượng cứu nạn cho biết điều lo lắng nhất là tinh thần của các nạn nhân đang xuống rất rõ. Anh em cứu nạn ngoài việc thực hiện nhan việc đào hai hầm cứu nạn còn phải thường xuyên thay nhau trò chuyện, trả lời các câu hỏi của 12 nạn nhân - Ảnh: Tuổi Trẻ
22h00 ngày 18/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Văn Yên đã viết một lá thư gửi cho 12 nạn nhân đang mắc kẹt trong hầm. Lá thư được ông Yên viết rất nhanh ngay tại cửa hầm thủy điện Đạ Dâng. Sau đó, ông Yên gọi nhân viên đội cứu nạn đến trao thư và một cuộn dây nhựa cứng dài hơn 60m rồi hướng dẫn cách chuyển thư vào cho các nạn nhân. Ông Yên cho biết bức thư này được viết theo yêu cầu của Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng, nhằm động viên tinh thần của các nạn nhân, trong khi chờ đợi đội cứu nạn tiếp cứu thành công - Ảnh: Tuổi Trẻ
23h khuya 18/12, hàng trăm chiến sĩ cứu hộ vẫn túc trực tại hiện trường thực hiện công tác cứu hộ 24/24 giờ để nhanh chóng giải cứu các công nhân vẫn đang mắc kẹt trong hầm thủy điện Phía sâu trong hầm, hàng chục người vẫn đang miệt mài khoan tường, đào cát tiếp cận nơi công nhân đang chờ đợi từng giây từng phút được giải cứu.
Lực lượng cứu hộ cho biết, tại cửa hầm phía hạ lưu, mũi khoan 6 cm khá thuận lợi. Đến gần 0h ngày 19/12, mũi khoan ở đây đạt hơn 50m, chỉ còn khoảng 10m nữa sẽ đến nơi khác nạn nhân bị kẹt.
10h20 ngày 19/12, các chuyên gia kỹ thuật đã cho nổ mìn phá đá thành công tại nhánh hầm phụ bên phải đường hầm chính. Chướng ngại vật ở nhánh này đã được phá bỏ, công tác đào đang rất thuận lợi. "Phương án nổ mìn phá đá trong hầm đã được các chuyên gia tính toán tỉ mỉ và chính xác, đảm bảo an toàn tuyệt đối", một chuyên gia chia sẻ.
Khoảng 16h30 ngày 19/12, chỉ huy trưởng yêu cầu phía cứu hộ ngưng nổ mìn. Một lát sau, hai công binh khum người trong đường hầm đi ra, trên vai là một người đàn ông mặc áo mưa màu xanh. Chưa đầy 10 giây sau, một người đàn ông khác được cõng ra. Những người lính công binh vừa khiêng các nạn nhân ra ngoài vừa chảy nước mắt. Cuộc giải cứu nghẹt thở kéo dài hơn 3 ngày đã thành công - Ảnh: Zing
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã xác nhận thông tin cả 12 công nhân đã được giải cứu an toàn. Trong ảnh xe cấp cứu đầu tiên đưa các nạn nhân đi. Có thêm rất nhiều xe cấp cứu khác được huy động đến chứ không phải 6 xe như kế hoạch ban đầu.
Chị Đặng Thị Hồng Ngọc, 26 tuổi, nạn nhân nữ duy nhất trong vụ sập hầm được đưa ra ngoài an toàn.
Một người khi thấy con em mình ra ngoài liền quỵ xuống nhưng cố gọi điện thoại báo tin vui cho người thân - Ảnh: Zing
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vui mừng cho biết việc đưa được toàn bộ 12 nạn nhân ra khỏi hầm sớm hơn kế hoạch rất nhiều nằm ngoài dự kiến của Ban chỉ đạo cứu nạn. Càng vui mừng hơn nữa khi sức khỏe của cả 12 người đều đảm bảo, một số nạn nhân tự đi bộ ra ngoài được, vài người được đưa đến bệnh viện chăm sóc - Ảnh: Tuổi Trẻ
Một công nhân được đưa ra khỏi hầm bằng cáng - Ảnh: Tuổi Trẻ
Niềm hạnh phúc của người công nhân sau khi được cứu ra khỏi hầm tối. Ghi nhận tại hiện trường, có khoảng 3 người (trong đó có chị Ngọc) được đưa ra bằng cáng. Còn lại những công nhân khác đã tự đi ra khỏi hầm trong tình trạng sức khỏe ổn định. 3 nạn nhân khác bị mất nhiệt, được các bác sĩ sơ cứu, làm ấm ngay tại chỗ - Ảnh:Tuổi Trẻ
Một công nhân đã được đưa đến bệnh viện Lâm Đồng - Ảnh: Zing
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh công binh - cho biết lực lượng công binh thực hiện việc đào "hầm trong cát" nên việc giải cứu tiến triển nhanh hơn rất nhiều. Đường hầm dài khoảng đến 16m đã tiếp cận được vị trí các công nhân gặp nạn. Trong ảnh, lực lượng công binh vui mừng khi cuộc giải cứu 12 nạn nhân thành công - Ảnh: Zing