Bốn chiến lược "thay máu" Hàn Quốc của tân tổng thống Yoon Suk-yeol

An Nhiên,
Chia sẻ

Được mệnh danh là người đấu tranh cho công lý, tân tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tự tin mở ra kỷ nguyên mới cho xứ sở kim chi với 4 quan điểm mấu chốt mà ông theo đuổi trong suốt quá trình vận động tranh cử của mình.

Với tỉ lệ phiếu bầu chênh lệch xấp xỉ 1%, ứng viên đảng PPP Yoon Suk-yeol, 61 tuổi, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống được đánh giá là kịch tính nhất Hàn Quốc trong nhiều năm trở lại đây, theo AP.

Trong suốt quá trình tranh cử, ông Yoon Suk-Yeol luôn nhấn mạnh bản thân mình là một người chưa có kinh nghiệm nhiều về chính trị, nhưng đã nghe theo tiếng gọi của người dân để tham gia cuộc chạy đua vào vị trí tổng thống nước này.

Nhiệm kỳ kéo dài 5 năm của tân tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ bắt đầu vào tháng 5, với những chính sách và chiến lược mà các chuyên gia cho rằng sẽ thay đổi sâu sắc cục diện và quan điểm của Hàn Quốc từ kinh tế đến đối ngoại. Đây là lúc, thế giới dồn sự quan tâm đến cách mà chính trị gia này cụ thể hóa các thông điệp tranh cử của mình.

Bốn chiến lược "thay máu" Hàn Quốc của tân tổng thống Yoon Suk-yeol - Ảnh 1.

Tân tổng thống Hàn Quốc nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri trẻ tuổi. Ảnh: NYT

Lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên

New York Times cho rằng, chiến thắng của ông Yoon Suk-yeol có thể ảnh hưởng lớn đến vai trò của Hàn Quốc ở Đông Bắc Á và quan hệ của nước này với Mỹ, chủ yếu dựa trên nỗ lực tăng cường cách tiếp cận với Trung Quốc và Triều Tiên.

Khác với tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in, người coi ngoại giao với Triều Tiên là trọng tâm trong chính sách đối ngoại, nhiệm kỳ của tân tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quan hệ liên Triều. Ông đã kêu gọi hợp tác nhiều hơn với Washington để đối đầu với mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Bình Nhưỡng.

Ông Yoon Suk-yeol cũng đề xuất việc phát triển công nghệ cho phép Hàn Quốc tấn công phủ đầu, trong trường hợp nguy cơ đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên xảy ra, đồng thời coi các lệnh trừng phạt quốc tế là cần thiết để gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, một lập trường cứng rắn hơn so với quan điểm là trung gian kết nối đàm phán Mỹ-Triều của người tiền nhiệm.

Đề cao quan hệ với Mỹ

Nhất quán với lập trường lâu nay của Đảng PPP, ông Yoon Suk-yeol thường xuyên nhấn mạnh việc xây dựng một liên minh Mỹ-Hàn mạnh mẽ hơn, nhất là trong các quan điểm về Triều Tiên.

Ông kêu gọi Hàn Quốc đóng vai trò lớn hơn trong mối quan hệ với Mỹ bằng cách mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới vốn là "quân bài chính" trong cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung, coi việc tăng cường mối quan hệ liên minh là trọng tâm chính sách đối ngoại.

“Ông Yoon thích duy trì trật tự thông qua sức mạnh quân sự trên cơ sở liên minh với Mỹ. Nhưng cách tiếp cận này có khả năng gia tăng bất ổn trong khu vực”, giáo sư Khoa học Chính trị Kim Yong Hyun, Đại học Donguk, cho biết.

Ngay khi Hàn Quốc tìm ra tổng thống mới, Mỹ đã ngay lập tức chúc mừng. Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết, Mỹ gửi chúc mừng tới tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol, hi vọng liên minh Mỹ - Hàn, nền kinh tế và người dân hai nước sẽ tiếp tục gắn bó với nhau.

Bốn chiến lược "thay máu" Hàn Quốc của tân tổng thống Yoon Suk-yeol - Ảnh 2.

Ông Yoon Suk-yeol được cho là sẽ thay đổi sâu sắc nhiều chiến lược của người tiền nhiệm. Ảnh: NYT

Trăn trở về phúc lợi xã hội vì người dân

New York Times cho biết, tân tổng thống Hàn Quốc ủng hộ các phương pháp tiếp cận dựa trên thị trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, coi mục tiêu hàng đầu của ông khi đắc cử là ổn định kinh tế sau đại dịch, tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân, ổn định nhà ở, và bổ sung quyền lợi cho phụ nữ trước và sau khi sinh con.

Đối diện với áp lực từ người dân về vấn nạn chi phí nhà ở tăng cao, tân tổng thống Hàn Quốc đã cam kết giảm thuế bất động sản và xây dựng 2,5 triệu ngôi nhà mới, bao gồm cả những ngôi nhà nhỏ mà những người ở độ tuổi 20 và 30 đủ khả năng chi trả, nhằm giảm giá nhà trên thị trường.

Ông cũng hứa hẹn về một xã hội công bằng mà trong đó, thanh niên được phát triển vì tương lai của chính họ. Chính sách này của ông đã thu hút được một số lượng lớn cử tri muốn thay đổi và tạo ra luồng gió mới cho xã hội Hàn Quốc, trong đó chú trọng đến thanh niên trong độ tuổi 20 và 30.

Trước đó hôm 8/2, ông Yoon từng cam kết sẽ đưa Hàn Quốc từ một quốc gia "rượt đuổi" về khoa học công nghệ trở thành một quốc gia đi đầu về công nghệ cao. Ông Yoon cũng cam kết lập ra Ủy ban khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy các ứng dụng tiên tiến, và xây dựng "dự án nghiên cứu dài hạn quốc gia" để duy trì đường lối chính sách khoa học công nghệ.

Bài toán bình đẳng giới

Các vấn đề về giới là một nội dung quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Yoon, đặc biệt là ở những người trẻ Hàn Quốc ở độ tuổi 20. Ông đã đề nghị bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới, trên cơ sở phụ nữ Hàn Quốc không bị “phân biệt đối xử về giới có hệ thống”.

Trong quá trình tranh cử, ông từng tuyên bố phụ nữ không phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử ở Hàn Quốc. Ông cũng từng ám chỉ nữ quyền là lý do khiến tỷ lệ sinh của đất nước thấp.Trên thực tế, trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc đứng thứ nhất về khoảng cách lương theo giới tính.

Với các điều tra chống lại hai cựu tổng thống bảo thủ và chính quyền đương nhiệm, ứng viên Yoon đã xây dựng trong mắt người ủng hộ hình ảnh một người ủng hộ công lý và công bằng. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của ông là sự thiếu kinh nghiệm trong nhánh hành pháp.

Chia sẻ