Bới xác thối kiếm ăn: Bức ảnh khiến cả thế giới rơi lệ về một thảm kịch đang xảy ra ngay lúc này

J.D,
Chia sẻ

Người nghèo ở Brazil, họ lao mình vào chiếc xe tải chứa phế phẩm động vật - gồm xương và nội tạng - để kiếm ăn, trong cơn khủng hoảng đói khát đang ngày một nghiêm trọng hơn.

"Có những ngày, tôi thực sự chỉ muốn khóc," - José Divino Santos, tài xế xe tải tại Rio de Janeiro thốt lên. Ông khóc vì một thực tế đáng sợ đang xảy ra với Brazil, giống như những gì đang xảy ra trong bức ảnh dưới đây.

Bới xác thối kiếm ăn: Bức ảnh khiến cả thế giới rơi lệ về một thảm kịch đang xảy ra ngay lúc này - Ảnh 1.

Tấm hình trên là một phần của bộ ảnh được thực hiện bởi phóng viên ảnh Domingos Peixoto. Bộ hình cho thấy một nhóm người đang lục lọi trong thùng xe tải ông Santos lái. Chiếc xe ấy chở nội tạng và xương động vật đến một nhà máy để làm thức ăn cho vật nuôi và điều chế xà phòng. 

Họ bơi trong hàng đống xác nhớp nháp, tanh tưởi để tìm thứ gì có thể bỏ được vào bụng. Và đó là một phần của cơn khủng hoảng lương thực đang xảy ra ở Brazil - đất nước đông dân nhất khu vực Mỹ Latin, nơi hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo vì Covid-19 và lạm phát gia tăng.

"Trước kia người ta đến để xin vài mẩu xương cho chó. Còn gần đây, họ lạy lục xin xương về để nấu ăn," - Santos đau lòng nói thêm. Anh chính là người tìm cách phân phát các phế phẩm này cho người túng thiếu sau khi thu thập chúng từ các siêu thị. 

Denise da Silva (51 tuổi) là một người trong nhóm đến lục lọi. Người phụ nữ trung niên cho biết mình phải nuôi 5 đứa con và 12 đứa cháu, trong khi chồng bà mới qua đời. "Đã quá lâu rồi tôi chẳng thấy được mẩu thịt nào kể từ trước dịch bệnh, nên tôi rất biết ơn," - bà Silva nói.

Những tấm hình của Peixoto, một trong số đó đã lên trang nhất của tờ Extra với tựa đề "Brazil năm 2021: Nỗi đau của đói khát". Nó lập tức khiến thế giới phải bừng tỉnh, một sự chấn động đầy đau xót. 

Khủng hoảng lương thực - nỗi đau có thật

Khoảng 19 triệu người Brazil đã rơi vào tình trạng đói khát kể từ khi Covid-19 xuất hiện và giết chết 600.000 người của quốc gia này. Một số nơi trong khu vực Mỹ Latin, tình trạng thậm chí còn kinh khủng hơn. Theo số liệu từ một trường đại học hàng đầu của Venezuela trong tuần qua, khoảng 77% cư dân nước họ đang sống trong cảnh đói nghèo cùng cực, trong khi các hoạt động bị tê liệt vì khủng hoảng năng lượng. 

Hôm 2/10, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình tại Rio de Janeiro, để phản đối Tổng thống Jair Bolsonaro sau những nỗ lực chống dịch không hiệu quả. 

"Mọi thứ đang rất khó khăn. Có người phải ăn cả xương, số khác thì chẳng còn gì để bỏ vào mồm," - José Manuel Ferreira Barbosa, 63 tuổi, một thợ sửa nhà từ vùng ngoại ô của Rio chia sẻ.

"Thật đáng hổ thẹn," - bà Rosa Maria Xavier da Silva, 53 tuổi, người bán hàng rong trong thành phố tỏ ra đồng tình. Trong đại dịch, bà phải lo cho miệng ăn của 8 đứa cháu, chỉ với khoản trợ cấp khoảng 150 real mỗi tháng (tương đương hơn 600 ngàn đồng tiền Việt). 

Trong phiên điều trần về thảm họa Covid-19 tại Brazil, thượng nghị sĩ Humberto Costa cho rằng tấm ảnh của Peixoto đã phơi bày một thảm kịch xã hội đang xảy ra tại Brazil vào lúc này.

"Tỉ lệ thất nghiệp tăng. Bất bình đẳng tăng. Đói nghèo tăng. Nạn đói đang trở lại," - Costa bất bình.

Bản thân Peixoto, phóng viên ảnh 57 tuổi dù đã trải qua 3 thập kỷ thâm nhập và ghi lại các tệ nạn xã hội ở thành phố Rio, ông vẫn cảm thấy sốc vì những gì dân chúng đang trải qua lúc này. 

"Mọi người đang nấu ăn bằng củi đun, giữa thành phố này, mà không chỉ là nhóm vô gia cư. Chết tiệt thật, chúng ta phải tìm ra cách để lan tỏa câu chuyện này và tìm kiếm sự giúp đỡ," - ông nói.

Peixoto cho biết điều khiến ông ám ảnh nhất là cảnh tượng một người bới rác với khuôn miệng mỉm cười khi chiếc xe tải chạy tới. "Anh ta trông rạng rỡ lắm, vì biết chiếc xe mang tới thức ăn cho mình," - Peixoto bình luận. "Tôi không chụp tấm ảnh đó, nhưng đó là hình ảnh tôi nhớ nhất, được ghi lại bằng mắt và lưu trữ bằng cả trái tim."

Phóng viên De Souza thì nhớ lại mình đã từng ngăn cản một người phụ nữ đừng ăn những đồ như vậy. "Anh bạn trẻ à, hoặc ăn hoặc là chết đói thôi," - bà đáp lại.

"Đó là thực tế lúc này," - anh phóng viên mới 30 tuổi cho hay.

Nguồn: The Guardian
Chia sẻ