Bộ Y tế giám sát tình hình bệnh bạch hầu tại Cao Bằng

Mai Hoa,
Chia sẻ

Bộ Y tế vừa thành lập đoàn công tác đến giám sát hỗ trợ, điều tra dịch tễ tình hình bệnh bạch hầu tại xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Bộ Y tế giám sát tình hình bệnh bạch hầu tại Cao Bằng - Ảnh 1.

Đoàn giám sát lấy mẫu bệnh phẩm người tiếp xúc gần với ca tử vong để xét nghiệm. Ảnh: CDC Cao Bằng

Tại buổi làm việc, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình dịch bệnh bạch hầu và các biện pháp đã triển khai tại xóm Khau Noong, xã Thạch Lâm. Theo đó, xóm Khau Noong gồm 100 hộ, 712 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hộ gia đình có ca bệnh tử vong nằm biệt lập trên một quả đồi cách xa các hộ gia đình khác; gia đình gồm 8 người sinh sống, hiện tại chưa ai có dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Tổng số trường hợp tiếp xúc gần bước đầu được xác định là 20 người (trong đó tại trường học 11 người, tại gia đình bệnh nhân là 8 người).

Thông tin về đặc thù địa bàn xã Thạch Lâm, chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó người dân tộc Mông chiếm 96% tổng số dân số, chủ yếu thu nhập bằng trồng trọt và chăn nuôi. Từ trung tâm xã đến các xóm giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa; phần lớn các xóm chưa được phủ sóng điện thoại; trình độ dân trí của người dân còn thấp, vẫn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, bất đồng ngôn ngữ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền về dịch bệnh.

Ngay sau khi nghi ngờ ca bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm đã báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; tiến hành xác minh và lập danh sách các đối tượng có nguy cơ cao do tiếp xúc gần; phối hợp triển khai phun khử khuẩn trong và xung quanh nhà, điểm trường mầm non và tiểu học bằng Cloramin B nơi bệnh nhân sinh sống, học tập và điều trị; trực tiếp giám sát tại thực địa, thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; cử đội đáp ứng nhanh xuống hỗ trợ Trạm Y tế xã Thạch Lâm thực hiện giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các ca nghi ngờ, hướng dẫn sử dụng kháng sinh dự phòng.

Bộ Y tế giám sát tình hình bệnh bạch hầu tại Cao Bằng - Ảnh 1.

Cho học sinh điểm Trường Tiểu học Khau Noong uống thuốc điều trị dự phòng. Ảnh: CDC Cao Bằng

Hiện tại chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh, vì vậy, địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn; việc điều trị dự phòng bằng kháng sinh còn gặp nhiều khó khăn do các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh đều ở các xóm vùng cao, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đi bộ; việc uống thuốc dự phòng yêu cầu phải cấp thuốc hằng ngày cho người dân, trong khi đó nhân lực y tế mỏng; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ năm 2024 trên địa bàn huyện mới đạt 38%, xã Thạch Lâm đạt 37,5%; tiêm vaccine DPT cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 43,6% do thiếu nguồn cung vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Đoàn giám sát hỗ trợ, điều tra dịch tễ, đã chỉ đạo lấy thêm 8 mẫu bệnh phẩm là người tiếp xúc gần với bệnh nhân gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm; trực tiếp cho học sinh uống thuốc điều trị dự phòng, đồng thời hướng dẫn giáo viên điểm trường mầm non, tiểu học Khau Noong cách cho học sinh uống thuốc; khuyến cáo giáo viên cách theo dõi sức khỏe học sinh, khi có biểu hiện bất thường cần báo cho trạm y tế xã.

Như vậy, tính đến chiều 25/11, cơ quan y tế đã lấy tổng số 16 mẫu bệnh phẩm đưa về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.

Đoàn công tác đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu ngay khi phát hiện ca bệnh của Sở Y tế Cao Bằng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm. Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan trên diện rộng, đoàn công tác đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh trên địa bàn có bệnh nhân mắc bệnh và tại cộng đồng; Tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý môi trường bằng hóa chất; điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân nếu xuất hiện các ca bệnh, hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc bệnh chuyển biến nặng, tử vong. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Thời gian tới, cần rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Trong ngày 25/11, Bệnh viện Nhi Trung ương đã hướng dẫn cho các cán bộ y tế huyện Bảo Lâm khám phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu. Qua đó, trang bị cho đội ngũ viên chức y tế làm công tác khám, chữa bệnh có đầy đủ kiến thức chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, nâng cao năng lực tổ chức khám sàng lọc, cách ly, thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định; nâng cao kỹ năng công tác dự phòng lây nhiễm, kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh; kỹ năng giám sát, phát hiện sớm bệnh bạch hầu tại cộng đồng, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện.

Chia sẻ