Bộ Y tế đề xuất cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới
Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, vì đây đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở giới trẻ. Thế nhưng, các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Ngoài ra, Việt Nam chưa có cơ sở kiểm nghiệm đủ năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn đối với thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử.
Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Việt Nam vẫn nằm trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng.
Sau 5 năm, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam đã tăng 36,5 lần đối với cả hai giới và tăng lần lượt trong hai nhóm nam giới và nữ giới là 22,75 và 46 lần. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, người trẻ tuổi
Theo nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam năm 2020, tỷ lệ thanh, thiếu niên 15-24 tuổi ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử trong năm 2020 là khá cao. Với tỷ lệ chung là 7,3%, tỷ lệ này ở nam giới là 9,1% và nữ giới là 4,6%; phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử nằm ở độ tuổi 18-24.
Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường.
Cũng theo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… Điều đáng nói, các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội được sử dụng phổ biến bởi giới trẻ như: Facebook, Instagram, Tiktok. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên internet, các trang mạng xã hội.
Loại thuốc lá này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh, thiếu niên, có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội. Thêm vào đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, các loại thuốc lá này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh, thiếu niên, có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội.
Hiện đã có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, có 7 quốc gia áp dụng quy định quản lý chặt chẽ như cấp phép dược phẩm nhưng chưa có bất kỳ sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn cấp phép lưu hành trên thị trường.
Tuy nhiên, tại nước ta, hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Việt Nam mới có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Bên cạnh đó, tại nước ta hiện chưa có thông tin về thành phần, các chất có trong thuốc lá mới (trên 18.000 chất và hương liệu), chưa đủ thông tin để xác định thành phần các chất cần kiểm soát trong quy chuẩn kỹ thuật. Việt Nam cũng chưa có cơ sở kiểm nghiệm đủ năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn đối với thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử.
Với quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, vì đây đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.