Bộ Y tế dạy dân chọn thực phẩm tránh độc như thế nào?
Ngày 8/1, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra một số gợi ý giúp người dân chọn măng khô không chứa chất lưu huỳnh. Trước đó, Bộ này cũng đã đưa ra cách chọn một số thực phẩm khác để tránh thực phẩm độc hại, không an toàn.
Chọn măng
Theo Bộ Y tế, lưu huỳnh thường được sử dụng trong quá trình sấy khô măng để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp cho măng hơn hoặc ngâm hóa chất tẩy trắng để làm cho sản phẩm măng trắng hơn đánh lừa người tiêu dùng.
Tại Việt Nam lưu huỳnh được xác định là hóa chất độc hại không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm.
Bộ khuyến cáo, nếu người dân sử dụng thực phẩm có chứa lưu huỳnh có nồng độ cao và lâu ngày sẽ gây tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi; ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết, ảnh hưởng đến sự phát triển của não.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn cách chọn măng khô an toàn, măng có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày. Khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được.
Măng còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc. Chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong túi nylon có nhãn mác, có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Chọn gà, chọn vịt, chọn rau
Trước đó, Bộ cũng đưa ra một số gợi ý để chọn lựa thực phẩm sạch. Đối với thịt gà, ngan, vịt làm sẵn nên chọn loại có màu sắc tự nhiên (từ trắng ngà đến vàng tươi), mắt sáng. Da kín, lành lặn, không có vết bẩn, vết bầm, mốc meo hoặc vết lạ.
Thịt gia cầm hỏng có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục, nhắm nghiền. Với thịt chế biến sẵn như thịt quay thì chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh.
Không mua thịt ở các sạp, rổ, mẹt để sát đất vì dễ lây vi khuẩn nhiễm độc thịt. Nếu mua gà sống thì chọn con có bộ lông óng mượt, mắt tinh nhanh, mào đỏ tươi, chân bé, lườn căng.
Với các loại rau, quả không mua rau đã héo úa, dập nát hay có dấu hiệu bất thường như "quá mập", "quá phồng" hoặc dính các hạt bụi nhỏ. Khi sử dụng, cần nhặt riêng lá và cọng rau, ngâm trong nước sạch 15-20 phút, sau đó, rửa trôi 2-3 lần trước vòi nước chảy hoặc trong chậu nước đầy. Nếu là quả thì nên gọt bỏ vỏ, loại những quả dập, nát.
Đối với thịt lơn chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Thịt tươi, ngon phải có độ rắn chắc, đàn hồi cao, khi lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
Nhưng trên thực tế, các sản phẩm bị tẩm hóa chất độc hại tràn lan trên thị trường. Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hiện nay Việt Nam cho phép sử dụng 337 hóa chất làm phụ gia thực phẩm, với 90% phụ gia nhập khẩu, trong đó phụ gia nhập từ Trung Quốc chiếm 30%.
Còn nhiều thức ăn độc hại Bộ Y tế chưa hướng dẫn chọn
Nổi trội lên là trứng vịt Bắc Thảo ngâm hóa chất độc hại, số trứng này không được chế biến bằng phương pháp truyền thống mà được ngâm bằng hóa chất không rõ nguồn gốc.Theo chuyên gia vỏ trứng thuộc dạng dễ thẩm thấu, vì vậy nếu ngâm tẩm bất cứ hóa chất nào cũng sẽ ngấm sâu vào bên trong gây ảnh hưởng không tốt cho con người.
Ngày 10/8/2012, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường đã phát hiện nhiều sai phạm tại cơ sở chế biến nội tạng động vật và ghi nhận tại cơ sở này có khối lượng lớn nội tạng trâu bò có tẩm hóa chất làm trắng. Nội tạng tẩm hóa chất cũng đang tràn lan trên thị trường
Dư luận cũng từng rất bức xúc khi phát hiện giá đỗ tại TP. HCM có chứa hóa chất độc hại. Loại chất này khiến giá đỗ sinh trưởng mạnh, nhanh nảy mầm, mập mạp. Các chất kích thích này đều có hại nghiêm trọng cho sức khỏe của con người.
Người dân đang rất hoang mang về nhiều loại hoa quả Trung thuốc chứa chất cấm, được tuồn về Việt Nam với số lượng lớn. Các chất độc này, khi đi vào cơ thể sẽ rất có hại cho sức khỏe, nếu sử dụng nhiều có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.