Bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS: Quan điểm của các nhà quản lý giáo dục
Các nhà quản lý cơ sở giáo dục ở bậc THCS nêu quan điểm, quy định bỏ xếp loại giỏi, khá, trung bình trong bằng tốt nghiệp bậc học này không khiến học sinh giảm động lực phấn đấu.
Bộ GD&ĐT vừa công bố Thông tư 31/2023 về việc xét công nhận tốt nghiệp THCS. Theo đó, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp THCS khi hoàn thành chương trình học tập và rèn luyện lớp 9, đồng thời không nghỉ học quá 45 buổi/năm. Bằng tốt nghiệp cũng không còn ghi xếp loại giỏi, khá, trung bình như hiện hành.
Không khiến học sinh giảm động lực phấn đấu
Trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, em Nguyễn Minh Ngọc, HS lớp 8A3 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (TP.HCM), bộc bạch: “Em và các bạn không đặt nặng việc bằng tốt nghiệp THCS xếp loại gì, mục tiêu em hướng tới là thi đậu lớp 10 một trường tốp đầu của TP với định hướng nghề nghiệp rõ ràng”.
Dưới góc độ phụ huynh, chị Cù Thị Phương (Hà Nội) cho hay vấn đề này giáo viên chủ nhiệm từng phổ biến khi họp phụ huynh.
“Bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS là hợp lý. Học sinh sẽ tránh được tâm lý tủi thân, áp lực, còn quá trình học tập ra sao đã có đầy đủ trong học bạ”, chị Phương nói.
Nêu quan điểm, cô Nghiêm Thị Hồng Phương, giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn (Hưng Yên) cho biết, bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS là rất hợp lý. Học sinh cần bằng để chứng minh đã hoàn thành chương trình THCS, trong quá trình học nếu đạt loại giỏi, điểm cao, nhà trường đã tuyên dương thành tích theo cách phù hợp.
“Sau khi bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THPT, động lực học tập của học sinh không thay đổi, các em vẫn phấn đấu và nỗ lực để đạt mục tiêu. Do vậy, việc bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS không giảm động lực của học sinh mà thể hiện sự đồng bộ giữa các cấp học” - cô Phương nhận xét.
Một giáo viên THCS tại Bắc Giang cũng cho rằng học sinh bị một áp lực vô hình khi bị lấy kết quả xếp loại để so sánh. Bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS vừa giảm áp lực cho học sinh, vừa giảm áp lực thành tích thi đua giữa các trường.
“Sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh sẽ có nhiều ngã rẽ. Thực tế, nếu học sinh xác định vào lớp 10 công lập, yếu tố quyết định là kết quả thi đầu vào. Nếu lựa chọn học nghề hoặc đi làm luôn học sinh cũng chỉ cần bằng tốt nghiệp, ít ai hỏi em tốt nghiệp cấp II loại gì”, giáo viên này nêu.
Không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học
Báo Tiền phong dẫn lời bà Nguyễn Ngọc Dung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, quy định mới có nhiều điểm tích cực, tác động đến từng đối tượng học sinh. Ngay từ khi vào THCS, nếu gia đình định hướng tốt, học sinh có năng lực và mục tiêu hoc tập sẽ phấn đấu để đạt mục tiêu. Đó là việc các em sẽ thi vào trường THPT công lập, tư thục nào, mức điểm bao nhiêu, từ đó có kế hoạch để cố gắng.
Với đối tượng học sinh này, việc bỏ quy định xếp loại trên bằng tốt nghiệp không tác động đến thái độ, tinh thần học tập của học sinh. Ngược lại, có tỉ lệ học sinh không xác định mục tiêu thi đỗ vào trường THPT mà chỉ xác định tốt nghiệp THCS để học nghề, ra đời lao động thì việc bỏ xếp loại trong bằng cấp lại giảm áp lực rất lớn cho các em. Khi đó, học sinh sẽ học tập với tâm lý thoải mái chỉ để tốt nghiệp THCS.
Vị lãnh đạo trường học cũng cho hay,lâu nay, vẫn có trường hợp học sinh “bị đúp” hay chưa đủ điều kiện để xét tốt nghiệp THCS, tuy nhiên tỉ lệ rất nhỏ. Điều này phụ thuộc vào trình độ năng lực và đánh giá đạo đức của học sinh trong quá trình học tập.
Những năm trước, quy định chỉ xét tốt nghiệp THCS một lần duy nhất khiến phụ huynh, học sinh áp lực. Với quy định mới, học sinh có thêm điều kiện, cơ hội để phấn đấu được đánh giá, xét tốt nghiệp lần 2 trong thời gian 3 tháng hè là rất thuận lợi.
Cùng nhận định, bà Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, với phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT như hiện nay, việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của thầy, trò.
Ở góc độ quản lý trường học, bà Hà thấy vui mừng vì quy định đã phần nào xóa bỏ được những vướng mắc lâu nay. Đó là, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, hằng năm, đâu đó một số phụ huynh có ý kiến về việc giáo viên, trường THCS tư vấn theo hướng “ép” học sinh không đăng ký thi tuyển sẽ được tạo điều kiện xét tốt nghiệp THCS. Ngược lại, học sinh cố tình thi, giáo viên sẽ đánh giá “thẳng tay”, và với năng lực thật sự, một số em sẽ trượt tốt nghiệp.
“Đây là cách hiểu sai, với cách đánh giá, xét tốt nghiệp một lần như trước, phụ huynh rất áp lực vì không đủ điều kiện tốt nghiệp phải chờ đến lứa học sinh năm sau mới được đăng ký học, kiểm tra. Tuy nhiên, thi tuyển lớp 10 THPT hay không là quyền của học sinh.
Ở bậc THCS, giáo viên, trường học có nhiệm vụ tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm, trong đó giới thiệu thêm các con đường như học nghề, kết hợp học nghề, học văn hóa bậc THPT… để các em và gia đình lựa chọn, nhà trường không có quyền can thiệp. Quy định xét tốt nghiệp lần 2 tạo tâm lý thoải mái, thuận lợi cho phụ huynh, học sinh hơn trước”, bà Hà nói.
Không ảnh hưởng gì đến thi lớp 10
Thông tin trên báo Thanh Niên, một chuyên gia về khảo thí bậc phổ thông khẳng định, việc bỏ xếp loại tốt nghiệp là phù hợp với luật Giáo dục cũng như thông lệ quốc tế. Điều 12 của luật Giáo dục chỉ rõ: "Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT…". Như vậy, bằng tốt nghiệp được cấp sau khi tốt nghiệp hoặc sau khi hoàn thành chương trình và trong luật không đề cập đến xếp loại.
Còn về góc độ chương trình giáo dục, vị chuyên gia về khảo thí trên so sánh, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là phát triển toàn diện, học sinh phải học hết tất cả các môn nên đánh giá, xếp loại tốt nghiệp là phù hợp. Nhưng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu là phát triển năng lực và phẩm chất nên việc bỏ xếp loại là hợp lý.
Đồng thời, chuyên gia này cũng khẳng định việc bãi bỏ xếp loại tốt nghiệp không ảnh hưởng đến kỳ thi lớp 10 đối với học sinh lớp 9 năm nay, tức lứa học sinh cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 hay với những học sinh của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì việc tuyển sinh lớp đầu cấp THPT là một kỳ thi dành cho học sinh hoàn thành bậc THCS.