Bố vợ và con rể
Hai người đàn ông trong phòng nhưng người chăm chú xem tivi, người lại bấm điện tử, hay người lúi húi tỉa cây, kẻ vẩn vơ gần đó..., rất có thể đó là bố vợ và con rể.
Hồi mới cưới, chàng rể chẳng biết nói gì cho hết ngày ở nhà vợ. Ông bố vợ ăn xong lại đi nằm vì cũng không hiểu chàng rể có thích nói chuyện tổ hưu của ông không. Một năm, hai năm, mười năm sau, họ vẫn cứ gặp nhau trong vai trò chủ và khách.
Họ "cách lòng" như thế tất nhiên không phải vì "xa mặt". Họ vẫn gặp nhau thường xuyên vì chủ nhật nào anh con rể chẳng lấy xe chở vợ về ngoại.
Nhưng lần nào cũng như lần nào, mỗi khi nhà có việc, các bà mẹ vợ đều phải rỉ tai anh con rể: "Con làm cùng với bố nhé" phòng khi rể... quên, hoặc phải vừa làm vừa đóng vai hoạt náo viên để không khí giữa hai người đàn ông đỡ lặng lẽ.
Nhưng những nỗ lực của các bà mẹ chỉ là giải pháp tạm thời. Bố vợ - con rể luôn là Sao Hôm - Sao Mai bởi khá nhiều lý do.
Trước hết, ấy là tại cái tôn ti gia đình. Truyền thống kính trên nhường dưới của dân Việt đáng quý thật nhưng có khi đó cũng chính là rào cản ngăn con rể xích lại gần bố vợ. Với đàn ông thật dễ gắn bó thông qua chén rượu. Nói như thế không có nghĩa là họ không bao giờ uống với nhau. Có uống nhưng là uống thứ rượu cầm chừng. Sẽ chẳng bao giờ có thể "tới bến" với nhau bởi lẽ bố vợ không tự nhủ: "Đừng làm cho nó nhờn", "Say xỉn với nó thì còn gì là uy nữa", thì con rể cũng tỉnh táo: "Biết đâu bố vợ đang thử mình" hoặc "Say sưa rồi lỡ miệng thì khốn...".
Cũng vì cái sự nể nang ấy, vì vừa nói vừa sợ mất lòng nhau mà họ chẳng bao giờ bàn luận vấn đề gì cho nên hồn, cho ra ngô ra khoai. Bàn về chính trị bố bảo "thằng Mỹ" bóc lột sức lao động, con rể lại cho rằng có gì đâu, vậy nước nó mới giàu được chứ. Bố vợ bảo nước Nga hùng mạnh, con rể tặc lưỡi khủng hoảng đấy thôi. Bố vợ chê trách tình trạng cá lớn nuốt cá bé, con cười thầm đấy là quy luật phát triển tất yếu. Ông nhạc ra sức bảo tương lai thế giới nó thế này, con rể dự đoán nó theo xu thế khác. Nếu là chuyện bố đẻ với thằng con trai thì thế nào cũng... cãi nhau to. Đằng này ông ấy chả phải bố đẻ mình, nói đi nói lại thế nào cũng bị cho là con rể... láo.
Rồi bố vợ cả đời cống hiến không đòi hỏi, con rể mới ti toe chân trong chân ngoài làm ăn mà cứ mở mồm kêu là chính sách khó xoay sở, kiểu gì chả... dính đòn. Hai thế hệ, hai luồng tư tưởng, chuyện dung hòa để tìm những điểm chung xem ra khó như với sao trên trời.
Một lý do nữa có liên quan tới nhân vật rất nhạy cảm với cả hai người này, đó là vợ của anh con rể, tức là con gái của cụ nhạc. Vì người phụ nữ đó mà chàng rể ngại chê gái xấu, gái dở. Bởi cụ không chiêm nghiệm "tí tuổi mà đã khó tính" thì cũng nheo mắt soi lại xem thằng rể tử tế đến mức nào.
Tất nhiên cũng chẳng dám khen gái đẹp vì sợ cụ nhạc lại bán tín bán nghi "dạo này nó dửng mỡ hay sao" hoặc quy kết "lại định cạnh khóe con bé nhà mình đây" thì mệt lắm. Đấy chỉ là nói về đàn bà con gái khác thôi. Chứ còn với con gái cụ thì... bất khả luận bàn.
Nếu nhỡ rơi vào tình huống bắt buộc phải bàn, thì câu chuyện ấy cũng chỉ "không khen, ít chê, ngoài lề là chính". Thế là dù có ngồi với nhau cả ngày, hai người đàn ông vẫn cứ xem nhau như chủ với khách.
Lý do sau cùng có lẽ là tại những người... nghĩ ra câu "dâu con rể khách". Nhiều chàng rể quán triệt tư tưởng này đến mức chỉ đến chơi nhà bố vợ chứ nhất quyết không chịu ngủ lại dù vợ và em bé mới sinh đang tá túc lại đó. Vì là khách nên rể phải kín kẽ, kiệm lời, chọn giải pháp "im lặng là vàng".
Nếu anh con rể bỏ qua cái tâm niệm mình là khách, ông bố vợ coi chàng rể thực sự là một thằng con trai thì hai người đàn ông này chắc có khối thứ để ngồi cả ngày không hết chuyện ấy chứ nhỉ?