Bỏ việc lương 40 triệu/tháng để livestream bán hàng: Lời lãi chưa thấy đâu nhưng mệt hơn dân văn phòng

NGUYỄN QUỲNH TRANG,
Chia sẻ

Muốn theo đuổi nghề kinh doanh online phải chấp nhận hy sinh thời gian và bỏ công bỏ sức.

Kinh doanh online đang trở lại với rất nhiều hình thức thúc đẩy doanh số khác nhau. Không chỉ đơn giản là những bài viết chạy quảng cáo, review sản phẩm,... mà bây giờ còn có hoạt động livestream trên hầu hết các nền tảng mạng xã hội. Mới đây nhất là hình ảnh của các "chiến thần livestream" với doanh thu khổng lồ chỉ sau vài tiếng phát trực tiếp. Điều này cũng làm nhen nhóm lại giấc mơ kinh doanh của nhiều người.

Khoảng đầu năm 2018, Thu Quỳnh (26 tuổi, Hà Nam) đã có lúc thu về hàng trăm triệu tiền lời từ việc kinh doanh online. Thời điểm đó là lúc các sàn thương mại điện tử mới phát triển, chưa có quá nhiều đối thủ cạnh tranh nắm rõ quy luật vận hành. Mà Thu Quỳnh chớp đúng thời cơ, nên thu về những món lợi khá lớn. Nhưng rồi thị trường dần bão hòa vào khoảng năm 2020. Toàn bộ hàng tồn kho khi đó của Quỳnh không thể bán được, đành đẩy với giá cực thấp và thoát nghề. Vì Quỳnh cho biết: "Mình không tìm được lối đi mới cho shop quần áo. Không thể cứ tiếp tục gồng lỗ mãi được." Thời điểm phải thanh lý hàng tồn kho, Thu Quỳnh lỗ gần 100 triệu.

Lỗ 100 triệu vì kinh doanh online, đành quay lại làm công ăn lương hàng tháng để gỡ vốn

Kinh doanh cần dòng tiền rất mạnh để xoay vòng vốn. Mỗi lần nhập hàng, Thu Huyền thường phải bỏ ra từ 100-200 triệu: 

"Muốn giữ chân được khách hàng thì cần có sản phẩm sẵn. Mấy năm trước đây không có tiếp thị sản phẩm trung gian như bây giờ, nên số tiền vốn lưu động rơi vào vài trăm triệu/tháng. Đây cũng chính là số tiền sẽ giết chết những người bán hàng như bọn mình. Nếu không bán được hàng, số tiền vốn sẽ biến thành hàng tồn kho.

Bỏ việc lương 40 triệu/tháng để livestream bán hàng: Lời lãi chưa thấy đâu nhưng mệt hơn dân văn phòng - Ảnh 1.

Làm thuê để kiếm tiền bù lỗ từ việc kinh doanh online. (Ảnh minh họa Pinterest)

Bán hàng được khoảng 2 năm, mình buộc phải từ bỏ đam mê để kiếm việc mới, vì không có tiền. Lúc đó, mình xin vào làm quản lý của một thương hiệu thời trang. Với kinh nghiệm tích lũy được, mình thành công ứng tuyển. Mức lương cứng là 18 triệu + 1% tổng doanh thu của chi nhánh. Mỗi tháng, mức lương mình nhận về giao động từ 30-40 triệu tùy thời điểm. Đặc biệt là vào các tháng cao điểm như lễ, tết, mùa biển, hay chớm thu đông, thì thu nhập của mình còn cao hơn số đó.

Nhiều người hỏi mình có hài lòng với mức lương này không? Thì là không. So với trước đây, thu nhập giảm khá nhiều. Nhưng vì chưa thể tìm được hướng đi mới cho việc kinh doanh online, mình đành đi làm công ăn lương để cầm cự qua tháng. Trong đầu mình vẫn nhen nhóm ý định quay lại kinh doanh. Vì phi thương bất phú, phải bán hàng mới có cơ hội làm giàu!

Không chọn làm công ăn lương cả đời, vì thu nhập chỉ quanh quẩn một con số

So sánh giữa việc làm thuê và làm chủ, đương nhiên làm thuê sẽ nhàn hơn rất nhiều. Đầu tháng không cần lo chuyện vốn liếng, cuối tháng không cần thanh toán công nợ. Yếu điểm duy nhất, chỉ là thu nhập của bạn sẽ bị hạn chế. Lúc nào cũng sẽ quanh quẩn một mức cố định, dù có được thăng chức hay tăng lương, cũng chỉ chênh lệch khoảng 10-15%. Đây không phải mục tiêu Thu Quỳnh hướng đến. Vậy nên, làm thuê được 2 năm, cô nàng quyết định bỏ việc để quay lại công việc kinh doanh online.

Bỏ việc lương 40 triệu/tháng để livestream bán hàng: Lời lãi chưa thấy đâu nhưng mệt hơn dân văn phòng - Ảnh 2.

Dù chuẩn bị hành trang kỹ nhưng khả năng thất bại trong thị trường kinh doanh online là rất cao. (Ảnh minh họa Pinterest)

“Quyết định này mình cũng đắn đo rất lâu. Bạn bè mình đều nghĩ mình dại, vì mức lương cao như thế mà lại từ bỏ để lựa chọn con đường gian nan hơn. Nhưng ai mà chẳng ham kiếm nhiều tiền. Thế là mình gom hết tiền tiết kiệm để đầu tư lại từ đầu. Trước hết là tham gia khóa học về các nền tảng mạng xã hội, kinh doanh bán hàng và marketing. Sau khi nắm bắt được cách mà các nền tảng này hoạt động, mình bắt đầu đổ vốn để nhập hàng và bán. Ngoài làm nội dung về sản phẩm, mình còn quay các video để đăng tải và livestream bán hàng. Nhưng dù có trang bị kỹ năng đầy người vẫn ngã sấp mặt thôi. Bỏ công bỏ sức gấp đôi lúc còn lầm văn phòng mà lợi ích thu lại vẫn mơ hồ. Mình cũng lường trước điều này nên không nản. Vì thị trường bây giờ có quá nhiều nhà bán hàng. Để cạnh tranh được không phải dễ.” 

Nói chung cái giá phải trả rất đắt. Thu Huyền cho biết: "Nó dạy mình cách trưởng thành và biết cách quản lý dòng tiền, rủi ro tốt hơn. Nhiều lần cũng tính phương án dự phòng, là khó lắm lại quay trở về làm thuê. Nhưng cứ nghĩ đến đoạn đường vất vả mình trải qua lại không cam tâm." 

Thu Quỳnh đã cố gắng tìm đủ hướng đi, vì với cô đây không chỉ là chuyện tiền bạc, mà còn là sự nghiệp tương lai: "Hiện tại, công việc kinh doanh buôn bán vẫn chưa ổn định. Phải mất khoảng 1 năm nữa có lẽ mới ổn. Nhưng mình tự hào về sự can đảm, cố gắng của bản thân."

Với kinh nghiệm của mình, Thu Quỳnh chia sẻ thêm: "Đừng chủ quan với những gì mình có. Hãy luôn cân nhắc năng lực, chuẩn bị đầy đủ và không được ảo tưởng vào bản thân!"

Chia sẻ