Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Học sinh chưa tiêm vắc xin COVID-19 cũng cần đến trường
“Các hoạt động đã bình thường trong tình hình mới, không có lí do gì để trường học không mở cửa. Học sinh dù đã tiêm hay chưa tiêm vắc xin đều cần đến trường”, là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi kiểm tra công tác dạy học tại tỉnh Thanh Hoá.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vừa có chuyến đi kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp, bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục tại huyện Bá Thước và TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Tại đây, ông đã kiểm tra trực tiếp tại 3 cơ sở giáo dục thuộc huyện Bá Thước gồm: Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn, điểm lẻ Trường Mầm non Lũng Cao; điểm lẻ Trường tiểu học Thành Sơn tại Kho Mường và 3 cơ sở giáo dục thuộc TP Thanh Hóa là Trường Mầm non Búp Sen Xanh, Trường THPT Hàm Rồng và Trường ĐH Hồng Đức.
Trường Mầm non Búp Sen Xanh mở cửa trường đón trẻ đi học từ sau Tết Nguyên Đán và tổ chức bán trú trước 14/2. Cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều test COVID-19 trước khi quay lại làm việc.
Tại Trường THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 11/2, nhà trường có 3 giáo viên, 1 nhân viên và 19 học sinh là F0; 8 lớp phải học trực tuyến do liên quan đến dịch. Mặc dù vậy, trường học vẫn chủ động, linh hoạt, sáng tạo kết hợp song song các phương thức dạy học.
Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước, việc học trực tiếp ở các trường trên địa bàn huyện được tổ chức an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Học sinh vào trường đeo khẩu trang, giáo viên đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Các trường cũng đã bố trí phòng cách ly để cách ly, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Nhất quán, cương quyết mở cửa trường học
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị, giáo viên các nhà trường vừa dạy học vừa nâng cao tinh thần cảnh giác với dịch bệnh, không chủ quan lơ là, làm sao duy trì hoạt động dạy học theo hình thức trực tiếp một cách bền vững. Đồng thời tăng cường giáo dục học sinh ý thức phòng chống và tự bảo vệ mình trong dịch bệnh; quan tâm chăm sóc sức khỏe cho học sinh, tuân thủ 5K.
Ông nhấn mạnh, quan điểm chung của ngành Giáo dục là phối hợp với ngành Y tế là nhất quán, cương quyết, kịp thời trong việc mở cửa trường học từ mầm non cho tới ĐH. “Hiện nay, người lớn đã đi làm, các khu công nghiệp đã mở cửa, đường phố đi lại bình thường… Tất cả các hoạt động đã bình thường trong tình hình mới, không có lí do gì để trường học không mở cửa hoạt động. Học sinh dù đã tiêm vắc xin hay chưa đều phải cần đến trường”, ông nói.
Theo Bộ trưởng, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chúng ta xác định phải sống chung với dịch bệnh lâu dài chứ không phải một sớm một chiều. Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần tuyên truyền để phụ huynh hiểu đúng về dịch bệnh và cùng phối hợp trong chuẩn bị, xử lý tình huống phát sinh một cách phù hợp.
Đến nay, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, khối mầm non, tiểu học đã có 63/63 địa phương lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2/2022. Trong đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7 đến ngày 14/2/2022.
Khối THCS đã có 57 địa phương cho học sinh đi học trực tiếp từ 8/2. Các tỉnh còn lại cũng cho học sinh đi học trong tháng 2.
Đặc biệt, khối THPT cả 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp từ hôm nay. 100% cơ sở giáo dục ĐH có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ đầu tuần tới.
Tại Hải Phòng, địa phương này báo cáo, đến nay ngành giáo dục ghi nhận có 22.652 trường hợp F0 (1.288 giáo viên và 21.364 học sinh). Trong đó, 6.104 bệnh nhân chưa tiêm vắc xin. Tuy nhiên, các trường hợp mắc COVID-19 đều có biểu hiện nhẹ. Lãnh đạo Sở GD&ĐT đánh giá, việc trẻ đến trường hay ở nhà đều có nguy cơ nhiễm bệnh như nhau vì vẫn có tiếp xúc với ông bà, bố mẹ, người thân đi làm về. Ngành giáo dục và nhà trường luôn mở cửa, sẵn sàng đón dạy dù chỉ 1 học sinh đến lớp.
Tại Hà Nội, sau khi mở cửa trường học từ ngày 8/2 đối với bậc THCS- THPT; từ ngày 10/2 đối với học sinh tiểu học, lớp 6 của các huyện, thị xã ngoại thành cho thấy, mỗi trường đều lác đác có một số ca mắc COVID-19 sau khi test nhanh sàng lọc và test ngẫu nhiên.