Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cố gắng tăng phụ cấp cho giáo viên từ 1-7-2023
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ đang trình Thủ tướng trong thẩm quyền của mình cố gắng tại thời điểm 1-7-2023 khi tăng mức lương cơ sở sẽ điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: THÀNH CHUNG
Chiều 17-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu đã tiếp xúc cử tri các quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Thanh Oai (Hà Nội) sau kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ tư, thông qua Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngành giáo dục đã nhận được hơn 100 câu hỏi, ý kiến.
Trong đó gồm cả câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và đều bày tỏ quan tâm rất nhiều vấn đề của lĩnh vực giáo dục.
Cạnh đó, trong thời gian diễn ra phiên họp, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội thì các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan tâm rất nhiều đến tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, bỏ việc hay một số chế độ, chính sách đối với nhà giáo, tăng cường cơ sở vật chất, trường học, điều kiện phục vụ dạy, học, đổi mới chương trình giáo dục...
Ông nói thêm từ ý kiến của cử tri, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu kiến nghị và bộ cũng đã kiến nghị các nội dung liên quan.
Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo bày tỏ "rất vui, phấn khởi" thông báo với cử tri việc Quốc hội đã thống nhất thông qua việc rất quan trọng là nâng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng cho công chức, viên chức từ 1-7-2023.
Hiện nay số viên chức làm việc trong ngành giáo dục chiếm tới hơn 70% số công chức, viên chức trong cả nước.
"Khi số viên chức trong cả nước được tăng lương đồng nghĩa với các giáo viên trong ngành cũng được hưởng sự chăm sóc quyền lợi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ đang trình Thủ tướng trong thẩm quyền của mình cố gắng tại thời điểm 1-7-2023 khi tăng mức lương cơ sở sẽ điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.
Về mức độ cụ thể việc tăng phụ cấp ưu đãi đang được các bộ, ngành trao đổi và chúng tôi sẽ thông tin sớm để cử tri nắm được", ông Sơn nói và nhấn mạnh đây là nội dung thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ với giáo viên.
Ngoài ra, ngành đang tích cực rà soát các chế độ, chính sách, các hoạt động chuyên môn để làm sao nhà giáo có thể yên tâm công tác, chăm lo cho giáo dục, dạy dỗ học sinh tốt nhất.
Đối với vấn đề vị trí môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông, ông Sơn nhắc lại bộ đã tiếp thu, điều chỉnh ngay từ đầu năm học và mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, sự chỉ đạo của Thủ tướng.
Trước đó, trong dự thảo tờ trình Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia phụ cấp thành tám mức.
Theo đó, giáo viên mầm non đang làm việc tại xã khu vực III, thuộc các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới được hưởng 100%, còn lại 70%, gấp đôi mức 50 và 35% được quy định trong quyết định số 255 năm 2005 của Chính phủ về nội dung này.
Với các nhóm giáo viên còn lại, phụ cấp ưu đãi không thay đổi so với mức hiện hành.
Công thức tính như sau: Phụ cấp ưu đãi được hưởng = Lương cơ sở x (hệ số lương hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo + % phụ cấp thâm niên vượt khung theo hệ số) x tỉ lệ % phụ cấp ưu đãi.
Phụ cấp ưu đãi được trả cùng kỳ lương hằng tháng (kể cả nghỉ hè), do trường và ngân sách nhà nước chi trả. Khoản này không dùng để tính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Quốc hội trước đó cũng yêu cầu trong năm 2023 trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương; trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.