Bộ trưởng GD&ĐT nói về các biện pháp phòng chống xâm hại tình dục tại trường học

Hà Linh,
Chia sẻ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, một trong những giải pháp phòng ngừa tình trạng xâm hại trẻ em Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường học thường xuyên thông tin hai chiều với gia đình về hoạt động của trường, tình hình học tập, rèn luyện, dấu hiệu bất thường của học sinh để phối hợp các biện pháp giáo dục.

Mới đây, cử tri kiến nghị, hiện nay tình trạng xâm hại trẻ em gây hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh. Cử tri mong muốn cơ quan chức năng tăng cường các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh tại các nhà trường để bảo vệ các em trước nguy cơ xâm hại tình dục.

Bộ trưởng GD&ĐT nói về các biện pháp phòng chống xâm hại tình dục tại trường học - Ảnh 1.

Trên thực tế, đã xảy ra nhiều vụ việc học sinh nhỏ tuổi bị xâm hại tình dục.

Trên thực tế, đã xảy ra nhiều vụ việc học sinh nhỏ tuổi bị xâm hại tình dục. Gần đây nhất là tại huyện Lộc Hà, phụ huynh tố thầy giáo Trường tiểu học Thụ Lộc có hành vi dâm ô với học sinh lớp 5. Kết quả, cơ quan công an đã bắt giữ ông Đ.M.T (52 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Thụ Lộc) để điều tra, làm rõ sự việc. Hay như việc 1 học sinh ở Phú Thọ sinh con khi đang học lớp 5; học sinh lớp 7 ở Bắc Giang sinh con trong nhà tắm…. đều là những sự việc đau lòng.

Trả lời vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng xâm hại trẻ em nói chung, bạo lực học đường nói riêng, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.

Cụ thể, tiếp tục quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả, có kiểm tra, đánh giá các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”; đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025…

Bộ yêu cầu các trường lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới trong các môn như: Giáo dục công dân, Tự nhiên xã hội, Hoạt động trải nghiệm và các môn học khác.

Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở T.Ư và chỉ đạo các Sở GD&ĐT phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật…

Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nền nếp, kỷ cương trường học. Tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh như: kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng, chống xâm hại bạo lực học đường…

Thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, dân toàn, lành mạnh, thân thiện. Xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, bảo đảm các giá trị cốt lõi trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và cả chính mình. Phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích cho các em tham gia.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường học tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình, phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh. Thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình về hoạt động của trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường của học sinh để phối hợp các biện pháp giáo dục học sinh. Nhà trường cung cấp, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.

“Bộ cũng chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà giáo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Chia sẻ