Bố qua đời, mẹ và bé gái 9 tháng tuổi ở vỉa hè, nhặt ve chai kiếm sống
Gần đây, thỉnh thoảng người Sài Gòn lại thấy cảnh người mẹ trông già yếu, da mặt loang lổ, tay chân trắng vì bị bạch tạng, ẵm theo đứa con gái nhỏ đi nhặt ve chai khắp xóm. Đến tối, hai mẹ con lại ra vỉa hè nằm ngủ...
Cứ đến 9 giờ tối, hai mẹ con người nhặt ve chai lại ngồi trên vỉa hè đường Trần Quốc Toản, Quận 3 để nghỉ ngơi. Người mẹ trông già yếu, bệnh tật nhưng chỉ mới 30 tuổi, tên Thu Hương, quê Cà Mau. Còn bé gái theo mẹ nay mới 9 tháng tuổi, tên Cúc, bé vẫn chưa biết đi nên cứ quấn lấy mẹ suốt. Ban đầu, nhiều người đi đường hơi e dè vì nghĩ đây lại là một chiêu lừa đảo, dùng trẻ con để động lòng trắc ẩn người khác, mong họ cho tiền, nhưng khi tiếp xúc với mẹ con chị Hương, ai cũng nghẹn ngào khi biết câu chuyện buồn của cuộc đời chị.
Chị Hương kể, quê chị ở Cà Mau nhưng lâu nay chị làm dâu cho gia đình chồng ở Tây Ninh. Hạnh phúc không bao lâu thì chồng chị bị nhồi máu cơ tim qua đời. Gia đình bên nội không chấp nhận nuôi hai mẹ con nên bảo chị cùng con về quê đẻ. Từ Tây Ninh, chị ẵm bé Cúc lên Sài Gòn với ý định từ Sài Gòn đón xe về Cà Mau. "Tôi đi không mang theo nhiều tiền, có bao nhiều tiền cũng dành mua sữa, mua tã cho con hết. Lúc ra bến xe tôi xin bác tài cho "đi chui" về Cà Mau nhưng bác ấy bảo không được vì thanh tra sẽ soát vé rất gắt gao. Không đủ tiền mua vé về, tôi và con gái mỗi ngày đi nhặt ve chai kiếm sống", chị Hương tâm sự.
Dù theo mẹ rong ruổi cả ngày nhưng Cúc rất ngoan và ít quấy khóc. Khi có ai đến hỏi thăm và chơi đùa, em còn cười rất tươi với mọi người.
Chị Hương bị bướu cổ và bạch tạng lâu nay nhưng không có tiền chữa trị nên bệnh ngày càng lan nhanh, tay chân chị trắng toát. Chị Hương cũng muốn về quê nhưng cũng còn ngại, phần vì chưa đủ tiền, phần vì sợ về quê lại trút thêm gánh nặng lên gia đình nghèo khó của mình. Chị có một người chị ruột ở quê bị tật đầu gối, mỗi ngày phải bò từ nhà ra biển để mò cua bắt ốc.
Chị Hương kể lại lần kinh khủng nhất mà hai mẹ con phải trải qua là đợt Cúc bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy rất nhiều, cả ngày chị không làm gì được chỉ dành dụm tiền mua thuốc cho bé, cho bé uống thật nhiều nước và liên tục thay quần áo cho bé khỏi bẩn người. "Lúc đó tôi muốn khóc lắm, tủi thân và mệt mỏi, may sao chỉ một, hai hôm thì Cúc lại khỏe, lại cười tươi chứ không gắt khóc như những đợt bệnh", chị nói.
Chị Hương và con gái ngồi một góc vỉa hè mà theo chị chỉ là "ngồi nghỉ mệt" chứ không phải ăn xin nên chị rất ngại khi người đi đường cho tiền mình. Chị nói rằng ai tốt bụng thì mua sữa, mua quần áo cho bé Cúc là chị mừng rồi. Trong thời gian ngồi trò chuyện cùng chị, chúng tôi thấy một thanh niên đưa chị 20.000 đồng nhưng chị bảo ngại, xua tay không dám nhận. Người thanh niên ấy phải nói rằng: "Tiền này cho em bé, chị nhận đi để lo cho nó!" thì chị Hương mới run rẩy cầm tờ tiền và cảm ơn khẽ... Chị nói: "Mọi người đến hỏi thăm, nói chuyện là mẹ con vui lắm rồi, cả ngày không có ai trò chuyện cũng buồn lắm, cần gì tiền bạc. Tôi cũng làm ra tiền mà, nhặt ve chai vầy ngày nào nhặt được nhiều cũng bỏ túi được hơn 30 nghìn đó".
Những chị em cùng nhặt ve chai với chị Hương đều rất thương bé Cúc nên có ngày họ cho chai dầu gội, có ngày thì cho hai mẹ con sữa, đồ ăn... dù họ cũng không mấy dư dả. Có lẽ vì sống trong cái nghèo khó đã lâu, nên họ dễ thông cảm và sẵn sàng chia sẻ gánh nặng giùm chị Hương. Chị Hương còn xúc động kể lại, có một cô thương Cúc nên ban ngày cô ấy cho Cúc vào nhà, pha nước ấm tắm cho Cúc sạch sẽ để em không bị bệnh ngoài da. Nhưng chị Hương cũng nói rằng, mẹ con chị không ở một chỗ cố định nào vì chị đi nhặt ve chai khắp nơi. Mai chỗ này, mốt chỗ khác, khi mệt thì lấy vỉa hè làm nhà, hai mẹ con trải chiếu giữa đường ngủ thật ngon, và lại bắt đầu công việc vào sáng hôm sau...