Bộ phim khiến khán giả rùng mình vì dựa theo vụ án có thật ngoài đời: Khi cha mẹ kiểm soát con quá mức, hậu quả sẽ rất kinh hoàng
Ham muốn kiểm soát quá mức của cha mẹ rất dễ dẫn đến bi kịch ngoài đời.
Lên sóng năm 2022, bộ phim Ranh giới (The bottom line) của Trung Quốc lấy chủ đề về công việc thẩm phán, nội dung xoay quanh quá trình điều tra các vụ án khác nhau. Dàn diễn viên chính bao gồm Cận Đông, Thành Nghị, Thái Văn Tịnh.
Tập phim khiến nhiều khán giả rùng mình vì dựa trên vụ án có thật ngoài đời
Trong bộ phim, có một vụ án khiến nhiều người xem phải lạnh gáy. Nhân vật Đường Hiểu Vân sống trong một gia đình đơn thân; từ nhỏ đã sống dựa vào mẹ. Chính vì vậy, mối quan hệ mẹ con của họ rất sâu sắc. Là một giáo viên trung học, mẹ của Đường Hiểu Vân đặt nhiều hy vọng vào con trai mình. Bản thân Đường Hiểu Vân cũng rất xuất sắc, từ nhỏ đã có thành tích học tập cao và tính tình ngoan ngoãn, nghe lời. Đặc biệt, anh coi lời nói của mẹ như thánh chỉ.
Nhìn bề ngoài, ai cũng thấy đây là một gia đình hạnh phúc: Mẹ yêu con hết mực, con vừa hiếu thảo vừa giỏi. Trên thực tế, Đường Hiểu Vân đã bị hành hạ đến mức suy sụp tâm lý bởi ham muốn kiểm soát gần như bệnh hoạn của mẹ mình.
Trước khi ra tay giết mẹ, Đường Hiểu Vân đã tổ chức tiệc sinh nhật cho mẹ. Những người thân, bạn bè được mời không ngừng khen ngợi anh ta là một đứa con ngoan và hiếu thảo. Mẹ anh nghe xong thì mỉm cười đầy tự hào.
Bà còn chia sẻ với mọi người kinh nghiệm nuôi dạy con của mình. Bà nói, sở dĩ Đường Hiểu Vân xuất sắc là bởi từ nhỏ đã luôn nghe theo những quy tắc mẹ đặt ra. Vậy các quy tắc của bà mẹ này là gì? Chẳng hạn với việc ăn uống, mỗi lần Đường Hiểu Vân đi ăn ngoài, dù trên bàn có món gì thì anh ta cũng phải ăn đủ các món để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Về vấn đề này, em họ của Đường Hiểu Vân nhẹ nhàng phàn nàn: "Nếu anh ấy không thích đồ ăn mà vẫn phải ăn, chẳng phải sẽ như người máy sao?". Sau khi nghe xong, Đường Hiểu Vân vỗ vai em họ: "Ăn không phải vì sở thích của bản thân mà là để hấp thụ chất dinh dưỡng. Hơn nữa, những gì bố mẹ em nói đều đúng".
Sự vâng lời và phục tùng của cậu con trai khiến người mẹ càng vui vẻ hơn. Sau bữa tiệc sinh nhật, mẹ của Đường Hiểu Vân nói đây là sinh nhật hạnh phúc nhất mà bà từng có. Lúc này, bà không bao giờ tưởng tượng được rằng đứa con trai luôn khiến mình tự hào lại lên kế hoạch giết mình!
Khi người mẹ còn đang vui, Đường Hiểu Vân lẳng lặng lướt nhẹ ngón tay trên bức ảnh chụp hai mẹ con, sau đó lấy chiếc cúp bên cạnh bức ảnh đập mạnh vào gáy mẹ...
Trong mắt người ngoài, Đường Hiểu Vân là một đứa con ngoan, nghe lời mẹ, nhưng nhìn hiện trường, cán bộ điều tra phải chết lặng. Thay vì cảm kích, biết ơn thì anh ta hận mẹ nhiều hơn.
Sau khi giết mẹ, Đường Hiểu Vân nhẹ nhàng nói với túi đựng xác "Tạm biệt". Lời tạm biệt không chỉ là lởi chia tay với mẹ mà còn là tạm biệt việc bị mẹ kiểm soát. Cứ ngỡ Đường Hiểu Vân sẽ bỏ trốn nhưng anh ta lại vô tư đi chơi, hưởng thụ cuộc sống, bước vào thế giới đầy sắc màu mà trước đây anh ta không bao giờ dám mơ tới.
Ở một khía cạnh nào đó, mọi hành vi vô lý của anh ta đều là một kiểu phản kháng với mẹ mình, đồng thời chúng cũng là bi kịch do nền giáo dục bệnh hoạn, kiểm soát mà anh ta phải chịu đựng.
Khi xem những tập phim về Đường Hiểu Vân, nhiều người giật mình nhận ra, đây thực chất dựa theo nguyên mẫu vụ án "Ngô Tạ Vũ giết mẹ" ngoài đời. Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vụ án Ngô Tạ Vũ vào năm 2015. Ngô Tạ Vũ sinh năm 1994 tại tỉnh Phúc Kiến. Bố của Ngô mất sớm, một mình mẹ nuôi cậu nên người. Mẹ Ngô Tạ Vũ là giáo viên môn Lịch sử tại trường Trung học giáo dục Phúc Châu.
Từ niềm tự hào của gia đình, học giỏi có tiếng và được tuyển thẳng vào Bắc Đại, Ngô Tạ Vũ bỗng trở thành kẻ giết người, giết chính mẹ ruột của mình và giấu xác trong một căn phòng ở nhà.
Thi thể của mẹ Ngô Tạ Vũ được bọc chặt trong hơn 100 lớp màng nhựa. Mỗi lớp được đóng gói cẩn thận bằng than hoạt tính để hút mùi hôi của xác. Ngoài ra, hiện trường gây án cũng được niêm phong cẩn thận. Không chỉ vậy, trong căn phòng cất giấu thi thể còn được lắp đặt camera theo dõi và thiết bị cảnh báo hồng ngoại. Chỉ cần có người bước vào căn phòng ấy, thiết bị sẽ phát tín hiệu cho chủ nhân.
Nguyên nhân Ngô Tạ Vũ giết mẹ là bởi hắn ta phẫn uất, bất mãn với sự giáo dục quá nghiêm khắc, quản thúc quá mức, luôn bắt con phải hoàn hảo của mẹ. Bà Tạ Thiên Cầm, mẹ của Ngô Tạ Vũ không cho phép con trai đi chệch quỹ đạo mà mình đã đặt ra. Đồng thời, Ngô Tạ Vũ không được phép nhắc những từ liên quan đến chuyện tình dục.
Trước khi giết mẹ, Ngô Tạ Vũ từng không ít lần muốn tự tử, không chỉ vậy còn lén lút thử hết những thứ mà mẹ cấm như: cờ bạc, gái mại dâm, có xu hướng nghiện tình dục,...
Cha mẹ thích kiểm soát con, hậu quả khủng khiếp đến mức nào?
Tâm lý của cha mẹ là luôn mong muốn con mình thành công, có thành tựu trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại sai lầm khi chỉ chăm chăm bắt con phải đạt được mục tiêu mình đề ra mà không quan tâm con có hạnh phúc không, có mệt mỏi không. Điều khiến họ thỏa mãn không phải là việc con trưởng thành hạnh phúc mà là điểm số, những lời ngợi khen của người xung quanh, những ánh mắt ghen tị, trầm trồ của các bậc phụ huynh khác,...
Những điều này khiến họ vô tình kiểm soát con cái quá mức, phớt lờ những nhu cầu cá nhân, những quyền cơ bản nhất của con. Dần dần họ tự "kết liễu" mối quan hệ yêu thương giữa mình và con, khiến con nảy sinh tâm lý phản kháng, hận thù.
Thực tế, việc cha mẹ mong con thành công, có kỳ vọng với con là điều bình thường, nhưng phải kỳ vọng sao cho đúng. Nếu cha mẹ có những kỳ vọng dành cho con thực tế và ở mức khuyến khích thì nó vô cùng tốt. Trong trường hợp ngược lại, không chỉ con trẻ mà chính cha mẹ cũng thấy mệt mỏi, áp lực. Nó còn gây ra những tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý bình thường của con.
Hãy để con tự do sáng tạo, theo đuổi mục tiêu và làm những điều mình thích. Như vậy con sẽ thành công, có cuộc sống hạnh phúc trong tương lai.