Bộ phận trên cơ thể có kích thước càng to, nguy cơ mắc bệnh càng tăng
Chất béo tích tụ trong cơ thể có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Chuyên gia chỉ ra rằng kích thước của một số bộ phận tăng lên do chất béo tích tụ có thể cảnh báo các tình trạng sức khỏe khác nhau.
Mỡ dưới da là chất béo dễ đào thải hơn, trong khi đó mỡ nội tạng lại là chất béo có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ. Chất béo nội tạng thường tích tụ sâu trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến kích thước và hình dáng của các bộ phận.
Bác sĩ đa khoa Sarah Garsed cho biết: “Chất béo nội tạng hoạt động có thể gây ảnh hưởng tới cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính. Lớp mỡ nội tạng tồn tại xung quanh các cơ quan quan trọng trong cơ thể có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan này".
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một lượng nhỏ chất béo nội tạng cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.
1. Cổ
Mỡ thừa tích trữ ở cổ và mặt có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Một nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy kích thước cổ của càng to thì khả năng mức cholesterol “xấu” LDL trong cơ thể càng nhiều.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chu vi cổ lớn hơn 14 inch (khoảng 35,5cm) đối với phụ nữ và 17 inch (khoảng 43cm) đối với nam giới có thể cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đau tim cao hơn.
Bác sĩ Sarah cho biết: “Mỡ ở cổ cũng có thể gây áp lực lên đường hô hấp khiến mọi người khó thở hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Một số trường hợp còn có thể tăng nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ".
Theo Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ, nếu không được điều trị, hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tăng nguy cơ cao huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường loại 2 hoặc trầm cảm, thậm chí tử vong sớm.
2. Ngực
Kích thước vòng ngực tăng lên do chất béo tích trữ trong cơ thể có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc ung thư trong tương lai.
Bác sĩ Sarah cho biêt: “Các tế bào mỡ tích tụ ở ngực có thể gây ra tình trạng viêm và thúc đẩy sản xuất hormone estrogen. Sự gia tăng hormone estrogen ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú”.
3. Cánh tay
Mỡ trên cánh tay là dấu hiệu của tình trạng mỡ thừa tích tụ và là dấu hiệu cho thấy mọi người cần nghiêm túc nghĩ đến việc giảm cân để bảo vệ sức khỏe.
Bác sĩ Sarah nói: “Mỡ thừa trên cánh tay thường cảnh báo nguy cơ béo phì và báo hiệu chỉ số BMI tăng cao. Tình trạng béo phì chủ yếu là do chế độ ăn uống không hợp lý và lối sống kém lành mạnh”.
“Béo phì làm tăng nguy cơ bị trầm cảm, bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, đột quỵ, đau khớp, ung thư. Vì vậy, đây là dấu hiệu cảnh báo đã đến lúc bạn cần thay đổi lối sống lành mạnh kết hợp với chế độ ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng hơn”.
4. Bắp đùi
Các nghiên cứu chỉ ra rằng lượng mỡ thừa tích tụ ở bắp đùi có thể làm tăng 34% nguy cơ mắc bệnh suy tim.
Các nhà nghiên cứu cho rằng mỡ thừa ở phần bắp đùi cũng giống như mỡ bụng và có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm, tăng nguy cơ mắc đau tim và bệnh tiểu đường loại 2.
5. Bụng
Lượng mỡ thừa hoặc chất béo nội tạng tích tụ quá nhiều ở vùng bụng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Bác sĩ Sarah cảnh báo: “Chất béo nội tạng thường gây ảnh hưởng tới gan, nơi nó được chuyển hóa thành cholesterol và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ”.
Khi cholesterol tăng cao, chúng có thể di chuyển vào mạch máu, gây tắc nghẽn các động mạch và làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp, bệnh tim mạch và đột quỵ.
“Mỡ nội tạng ở vùng bụng cũng có thể tác động đến các phản ứng hóa học trong cơ thể và gây tình trạng viêm, từ đó có thể dẫn tới tình trạng kháng insulin và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2”.
Nghiên cứu cũng cũng chỉ ra rằng lượng mỡ thừa tích tụ ở vùng bụng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư vú và ung thư đại trực tràng.
Giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể thế nào?
1 . Tăng cường hoạt động
Tăng cường các hoạt động cơ thể (không bao gồm các hoạt động tập thể dục) chẳng hạn như dọn dẹp nhà cửa, đi lại trong sân vườn,...Việc giảm thời gian ngồi một chỗ và tăng cường vận động có thể giúp bạn tăng khả năng đốt cháy chất béo trong cơ thể và tiêu hao năng lượng nhiều hơn.
2. Ăn đủ chất dinh dưỡng
Tăng cường ăn nhiều trái cây, rau củ, các loại đậu và hấp thụ đủ protein, chúng ta có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Chuyên gia dinh dưỡng Sarah Bockhart cho biết: “Cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể giúp chúng hạn chế nạp các thực phẩm có hàm lượng calo cao vào cơ thể”.
3. Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn
Cắt giảm các loại thực phẩm chế biến sẵn như đồ ăn nhanh, khoai tây chiên giòn, bánh ngọt, bánh quy, xúc xích,... Bởi các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất thấp chứa nhiều đường, muối và dầu mỡ, dễ khiến ăn nhiều hơn, từ đó làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
Các loại thực phẩm chế biến sẵn cũng chứa nhiều calo. Vì vậy, khi ăn các loại thực phẩm này, chúng ta sẽ hấp thụ nhiều năng lượng hơn và làm tăng nguy cơ tích tụ chất béo trong cơ thể.
4. Giảm bớt căng thẳng
Khi căng thẳng, cơ thể tiết ra hormone cortisol, hormone này không những khiến chúng ta thèm ăn hơn mà còn có thể ảnh hưởng đến khả năng phân hủy chất béo trong cơ thể.
Vì vậy, hãy cố gắng dành thời gian ra ngoài tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thư giãn đầu óc, ngủ đủ giấc và hạn chế căng thẳng.
5. Tập thể dục
Bạn có thể tập thêm các bài tập cardio (các bài tập làm tăng nhịp tim) như đi bộ, chạy, đạp xe, tập HIIT, tập thể dục nhịp điệu để đốt cháy thêm lượng calo dư thừa trong cơ thể, từ đó giúp việc giảm cân và giảm mỡ thừa trở nên hiệu quả hơn.