“Bố mẹ ơi, con không xứng đáng” - Khi sự xuất sắc của cha mẹ ảnh hưởng tiêu cực đến con cái
Cha mẹ xuất sắc là điều tốt, nhưng nếu cha mẹ ám ảnh về sự xuất sắc rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến con cái.
Giáo sư Lý Mai Cẩn, một chuyên gia về giáo dục trẻ em ở Trung Quốc, đã kể một câu chuyện về hai người bạn của bà. Đó là một cặp vợ chồng nổi bật, học vấn xuất sắc, công việc thu nhập cao bao nhiêu người mơ ước.
Họ có một cô con gái, từ trước tới nay luôn sát sao việc học hành của con, mong đứa trẻ lớn lên sẽ giỏi giang như bố mẹ mình. Dưới áp lực cực lớn, cô gái chăm chỉ học tập và đạt điểm cao, khi lớn lên được sang Mỹ du học.
Nhưng điều mọi người không ngờ là, trong khoảng thời gian tưởng chừng đầy hứa hẹn đó, nữ sinh lại chọn cách kết thúc cuộc đời mình, đồng thời để lại lời trăng trối: "Bố mẹ tốt như vậy, tại sao ngay từ đầu lại sinh ra con?".
Bà Lý cho rằng, trong trường hợp này, sự ưu tú của cha mẹ không những không giúp ích gì cho con cái mà còn hủy hoại chúng.
Trong mắt cô con gái, cha mẹ luôn là trên hết và không bao giờ có thể với tới được. Dù có làm gì đi chăng nữa, con cũng không thể đạt được thành tích giống như của cha mẹ và đáp ứng yêu cầu của họ. "Tại sao tôi lại ngốc nghếch như vậy; Tôi không thể làm tốt bất cứ điều gì; Tôi không xứng đáng là con của họ"... - Cảm giác tự ti và thất vọng ăn mòn cô gái trẻ ngày qua ngày, khiến cô nghẹt thở.
Thực ra cha mẹ ưu tú không có gì sai, lỗi là do cha mẹ sử dụng sai cách ưu tú của mình.
Nhiều khi vì chúng ta xuất sắc nên đương nhiên sẽ đặt kỳ vọng cao hơn ở con cái. Khi con không đáp ứng được, cha mẹ rất dễ suy sụp và chỉ trích, tạo cho con áp lực vô hình. Cuối cùng, điều đó trở thành gánh nặng không thể chịu nổi trong cuộc đời đứa trẻ.
Cha mẹ "yếu đuối", con cái tốt hơn
Trong bài chia sẻ của mình, một chuyên gia về nuôi dạy con cái có nói: "Nhiều cha mẹ bây giờ cho rằng mình quá có năng lực. Nhưng để con trưởng thành, đôi khi bạn phải học cách thể hiện sự yếu đuối".
Một cô giáo kể, khi con gái còn nhỏ, cô gọi con là "giáo viên nhí", mỗi ngày đi học về, cô không hỏi con đã học kiến thức mới chưa mà nhờ con dạy lại những gì đã học với khuôn mặt háo hức.
Cô con gái rất vui khi được đến trường mỗi ngày, vì cảm thấy mình có thể học được những điều mới để dạy lại cho mẹ. Trong quá trình này, sự tự tin và lòng tự trọng của đứa trẻ đã được thỏa mãn rất nhiều, và sự tương tác hàng ngày cũng tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng cha mẹ phải ra dáng người lớn và phải có quyền hành, nếu không thì làm sao kiểm soát được con cái. Thực ra, biết cách thể hiện sự yếu đuối trước mặt con cái mới là sự khôn ngoan tuyệt vời của bậc làm cha làm mẹ.
Là cha mẹ, chúng ta không cần đóng vai trò toàn năng, và thực tế cũng không ai toàn năng. Ngược lại, thỉnh thoảng hãy nói rằng: Con có thể làm những việc mà cha mẹ không đủ khả năng làm và cha mẹ cần sự giúp đỡ của con. Điều này có thể kích thích sự khao khát kiến thức của trẻ và hướng dẫn chúng nghĩ ra cách tự giải quyết vấn đề, đồng thời cải thiện sự tự tin.
Cha mẹ học cách tỏ ra yếu đuối, con cái càng có ý thức về giá trị. Mọi người đều có nhu cầu tự hoàn thiện và trẻ em cũng vậy. Sự tin tưởng và tôn trọng mà cha mẹ dành cho con cái có thể giúp chúng hướng tới một cuộc sống ý nghĩa hơn.
Buông bỏ ám ảnh xuất sắc và chấp nhận sự bình thường của trẻ
Có câu: "Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột sinh con chuột lại đào hang". Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rằng nếu họ xuất sắc, con cái của họ cũng phải như vậy.
Nhưng một đứa trẻ ngoan ngoãn giỏi giang hay không là do rất nhiều yếu tố tác động. Có thể thấy, cha mẹ tốt chưa chắc con đã giỏi.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trí thông minh không chỉ do di truyền quyết định, mà còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nữa. Cụ thể, chỉ khoảng 40 – 60% trí thông minh là do di truyền, phần còn lại phụ thuộc vào những yếu tố khác... Trong đó, yếu tố môi trường tiếp xúc, sự tương tác với xã hội góp phần đặc biệt quan trọng. Vì thế, việc đứa trẻ có bố và mẹ rất tài giỏi, thông minh, bản thân trẻ được thừa hưởng gene tốt đó nhưng khi đi học lại không phát huy được cũng là chuyện bình thường.
Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chấp nhận sự thật rằng con cái của mình có thể là người thường. Sau đó sử dụng kinh nghiệm và trí tuệ để giúp con phát triển theo năng khiếu và khả năng. Hãy "tưới tẩm" con bằng tình yêu và sự kiên nhẫn, để con là một người bình thường hạnh phúc.