Bố mẹ ép tôi bỏ học, lấy chồng sớm để có tiền nuôi cậu quý tử cứ vài bữa lại về "báo nhà"

Mạn Ngọc,
Chia sẻ

Giả sử nếu năm đó tôi không trốn đi thì giờ cái người phải sống cả đời với xe lăn kia có khi chính là tôi.

Tôi sinh ra trong một gia đình mà ngay từ nhỏ đã hiểu rõ hai chữ "trọng nam khinh nữ" nghĩa là gì. Nó không chỉ là câu nói vu vơ, mà là cả một hệ thống bất công đè nặng lên cuộc đời tôi từ khi mới chập chững biết đi.

Tôi còn nhớ như in cái ngày anh trai tôi vào lớp 1, bố mẹ mua cho anh cặp sách mới, giày mới, quần áo đẹp. Còn tôi, phải mặc lại bộ đồ cũ của hàng xóm, đi đôi dép nhựa đứt quai được buộc lại bằng dây thun. "Con gái mặc gì chả được, cần gì phải mới!" – mẹ tôi nói vậy mỗi khi tôi ngấp nghé nhìn mấy bộ váy trong cửa hàng.

Bữa ăn trong nhà lúc nào cũng chia phần rõ ràng, anh trai được ưu tiên miếng thịt ngon, còn tôi chỉ mấy đoạn xương xẩu với mỡ bì. "Con trai phải ăn nhiều để học giỏi, con gái ăn ít cho thon thả sau này dễ lấy chồng" – bố tôi giảng giải như thể đó là chân lý.

Năm tôi học lớp 8, bố mẹ bắt đầu nhắc đến chuyện nghỉ học. "Học nhiều làm gì? Con gái biết chữ, biết tính tiền là đủ rồi. Ở nhà phụ mẹ làm việc, rồi mai mốt lấy chồng" – mẹ nói mà không một chút do dự.

Tôi khóc lóc, van xin được đi học tiếp. Nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Trong khi anh trai tôi được bố mẹ đầu tư đi học thêm, mua sách vở đắt tiền, thì tôi phải ở nhà nấu cơm, giặt đồ, chăn heo. Có lần tôi trộm tiền mua sách, bố phát hiện và đánh tôi thừa sống thiếu chết: "Đồ ăn cắp! Học hành làm gì cho phí tiền!"

Bố mẹ ép tôi bỏ học, lấy chồng sớm để có tiền nuôi cậu quý tử cứ vài bữa lại về

Sau này vì họ hàng nói quá nhiều, bố mẹ đành phải cho tôi đi học hết cấp 3. Mặc dù tôi học rất giỏi, tôi cố tình chọn thi đại học vào trường Sư Phạm để không mất học phí, thế nhưng ngay kể cả khi tôi đỗ điểm rất cao thì cũng không được bố mẹ cho đi học tiếp.

Năm tôi 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, bố mẹ bắt đầu ngỏ ý gả tôi cho một người đàn ông hơn tôi 12 tuổi, làm nghề buôn bán nhỏ. "Nhà nó khá giả, lại có nhà mặt phố. Con lấy nó rồi giúp bố mẹ nuôi anh trai ăn học" – mẹ tôi nói với ánh mắt đầy tính toán, giọng điệu thản nhiên như thể chuyện "bán con" này chẳng có gì sai trái hết.

Tôi chống đối, nhưng bố tôi chỉ lạnh lùng bảo: "Con gái không lấy chồng thì để làm gì? Ở nhà tốn cơm à?".

Đêm trước ngày hẹn gặp mặt nhà trai, tôi đã bỏ trốn với 500.000 đồng dành dụm được từ việc nhặt ve chai lén lút. Tôi lên thành phố, xin làm công nhân may, ở trọ cùng 5 người trong căn phòng 10m². Cuộc sống khổ cực, nhưng ít nhất tôi được tự do.

Giờ đây, sau 10 năm bôn ba, tôi đã có công việc ổn định, có thể tự lo cho bản thân. Nhưng mỗi lần về quê, bố mẹ vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt đầy trách móc: "Sao không nghe lời bố mẹ, giờ anh mày thất nghiệp là tại mày đấy!".

Trong suốt 10 năm ấy, tôi nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều người không có máu mủ, huyết thống với mình. Từ chị chủ chỗ làm thêm đến bác chủ nhà trọ, từ những người đồng nghiệp cho đến những bạn học. Vì ân huệ đó mà tôi lay lắt sống sót, tìm mọi cách để có thể theo học đại học.

Sau nhiều năm như vậy nhưng họ vân không bao giờ hiểu rằng tôi không phải cha sinh mẹ đẻ ra anh trai tôi, hà cớ gì lại bắt tôi có trách nhiệm nuôi nấng anh trai mình? Tôi không phải món hàng để đổi lấy của hồi môn, người đàn ông năm đó bố mẹ ép tôi cưới đã đánh đập vợ dã man đến mức cô ấy phải chịu thương tật vĩnh viễn, còn hắn ta thì đi tù. Giả sử nếu năm đó tôi không trốn đi thì giờ cái người phải sống cả đời với xe lăn kia có khi chính là tôi.

Thế nhưng trong mắt bố mẹ tôi, tôi vẫn là đứa con gái tội đồ. Giờ đây ông bà có 1 thằng con trai vô tích sự và 1 đứa con gái đang làm công việc có ích cho xã hội. Thế nhưng với họ thì thằng con trai ngày ngày báo cha báo mẹ kia vẫn là nhất! Còn đứa con gái này thì muôn đời vẫn là đồ thừa, đồ vứt đi.

Chia sẻ