Bố mẹ chồng lu loa con dâu ăn bám
Chỉ là những mâu thuẫn vụn vặt nhưng cả mẹ chồng lẫn nàng dâu chẳng ai hiểu ai...
Nhìn thấy nồi lẩu hải sản nghi ngút trên mâm, bà Ngọ mặt xầm xì. Suốt bữa, bà chỉ ăn cơm với... nước mắm. Cả bữa, bà nhất quyết không đụng đến món ăn của An, con dâu bà chế biến.
An hiểu ý, ngán ngẩm đến mức chả buồn gắp mời bố mẹ. Còn cánh đàn ông chẳng hiểu tại sao bữa cơm bỗng căng thẳng.
Hồi An và Long chưa lấy nhau, ông bà Ngọ có vẻ quý cô con dâu tương lai vì nghe con trai ca tụng là "tính nó thoáng, biết quan tâm đến mọi người". "Mà quả đúng thế, từ khi hai đứa nó yêu nhau, năm nào sinh nhật ông bà, con bé cũng chu đáo mua quà biếu" - bà nghĩ thầm.
Nhưng sau đám cưới, bà đã bị sốc cũng vì tính thoáng của An. Một buổi đi chơi cùng chị em bà về, thấy đồ đạc trong nhà bị thay đổi, từ khăn trải bàn, bát đũa, cốc chén đến nồi niêu chảo đều mới tinh.
Chỉ là những mâu thuẫn vụn vặt nhưng cả mẹ chồng lẫn nàng dâu chẳng ai hiểu ai... (Ảnh minh họa)
Biết con dâu sắm sửa đồ mới, bà bảo thế đồ cũ thì để cho người ở quê cho đỡ phí. Nhưng An ráo hoảnh: "Con vứt hết rồi, mấy thứ ấy cũ quá, mẹ cho người ta lại bảo mình tặng đồ thừa cho họ. Làm ơn mắc oán đó mẹ".
Rồi bà tá hỏa khi đống linh chi ông mua cho bà khi đi công tác Hàn Quốc về không cánh mà bay. Bà tìm loạn khắp nơi, hỏi con dâu thì cô hí hửng nói: “Hôm nào con mua cho mẹ cái mới nhé. Chứ con thấy mốc meo, uống vào chỉ tổ bệnh”.
Bà thở dài, không nói gì, đi lên phòng.
Hàng tháng, vợ chồng An đưa cho mẹ một số tiền, ngầm coi là đóng tiền ăn uống sinh hoạt. Quen nếp tiết kiệm, bà mua rất ít đồ ăn, hầu như chỉ có thịt lợn rang, đậu phụ, hoặc trứng rán...
Nói về An, cô sinh ra trong một gia đình khá giả, lại được nuông chiều từ nhỏ, chẳng bao giờ phải đụng tay đụng chân làm việc gì. Đi học hay đi làm về thì đã có bố mẹ cơm bưng nước rót đến tận miệng.
Thế mà về nhà chồng, nhìn mâm cơm, cô đã chẳng nuốt được. Cô cũng gợi ý mẹ chồng nấu canh cá chua, canh khoai sườn, bánh mỳ bít tết.
Ừ thì đúng là ngày hôm đó, mẹ chồng có làm thật nhưng nhìn bát canh trong leo lẻo, vớt lên là vài cọng rau, thịt thì “tin ha tin hin”, nếu bữa nào có thịt bò bít tết thì toàn mâm chỉ có bánh mỳ là chủ đạo, thịt bò chỉ bé bằng 2 ngón tay.
Thế là, cứ hết giờ làm cô lại sà vào mua hôm thì thịt quay, hôm thì vịt quay, nem hải sản ở siêu thị về để củng cố bữa cơm. Bà Ngọ khó chịu ra mặt, bà chẳng thèm đụng đũa đến 1 miếng.
Cô cũng mặc kệ, chẳng quan tâm vì "Sao mình phải chịu khổ chứ?"
Rồi ngày cô có bầu, sinh con, anh Long bàn với vợ: “Hay bọn mình hàng tháng đưa bố mẹ ít tiền hơn. Thứ 1, bố mẹ chẳng cần mấy đồng này, thứ 2, bọn mình cũng gần như là ăn riêng rồi còn gì, thứ 3 là chúng mình cần tiết kiệm cho Bống sau này”.
An ầm ừ tùy chồng, thế nào cũng được. Sau khi sinh, mải mê chăm nom con cái khiến An chẳng còn thời gian để ý đến bố mẹ chồng.
Nhưng cô cũng thấy hình như bố mẹ chồng có vấn đề gì đó không bằng lòng về mình. Nhiều lúc cô thắc mắc thì chồng chỉ bảo: “Em chỉ được cái suy nghĩ quá nhiều”.
Một lần, chị dâu An gọi điện bảo: “Hàng tháng nhà cô chú đóng cho ông bà bao nhiêu tiền mà để bà nội đi nói với họ hàng rằng phải bán đồ đạc đi để nuôi cả nhà? Cô chú xem thế nào chứ… thật xấu hổ đấy. Tiêu thế nào mà ông bà thì khổ cực trong khi cô chú sắm hết cái này đến cái kia? Mà tại sao, cô mới về nhà này làm dâu mà vứt hết đồ đạc trong nhà đi?”…
An buồn vô hạn, cô lại khóc lóc kể lể với chồng.
Chuyện xung khắc giữa mẹ chồng nàng dâu đang rất phổ biến. Các bà mẹ đã trải qua thời kinh tế khó khăn nên quen sống tằn tiện, trong khi các cô con dâu lại lớn lên trong thời đại tiêu dùng nên không quen kham khổ.