Bỏ mặt bằng Hàn Thuyên giá 750 triệu/tháng, Starbucks Reserve chấp nhận giá thuê gần 1 tỷ đồng sau 6 tháng 'trầy trụa' tìm địa điểm mới

Tri Túc,
Chia sẻ

Starbucks Reserve mới ở TP.HCM dự kiến đặt tại toà Bitexco (quận 1), có thể sẽ thuê lại mặt tiền tầng trệt tại chân tháp, thay thế cho Adidas.

Bỏ mặt bằng Hàn Thuyên giá 750 triệu/tháng, Starbucks Reserve chấp nhận giá thuê gần 1 tỷ đồng sau 6 tháng 'trầy trụa' tìm địa điểm mới - Ảnh 1.

Trong chia sẻ mới đây, đại diện Starbucks Việt Nam cho biết đã tìm được mặt bằng mới cho cửa hàng Starbucks Reserve và dự kiến ra mắt vào nửa đầu năm 2025.

Starbucks Reserve mất 6 tháng tìm địa điểm mới và chấp nhận giá thuê hơn 1 tỷ đồng

Starbucks Reserve mới ở Tp.HCM dự kiến đặt tại toà Bitexco (quận 1). Đại diện chưa xác nhận quy mô cửa hàng cao cấp mới tại Bitexco, tuy nhiên diện tích sẽ không dưới 256m2. Trong đó, Starbucks theo một nguồn tin môi giới sẽ thuê lại mặt tiền tầng trệt đắc địa tại chân tháp, thay thế cho Adidas (Adidas đã có thông báo chính thức sẽ rút lui từ ngày 23/12/2024).

Được biết, toàn bộ cửa hàng này có diện tích 256 m2, bao bọc bởi hồ nước. Trong đó, giá thuê trung bình mặt bằng này tại Bitexco thấp nhất là 150 USD/m2/tháng.

Nếu thuê trọn vị trí này, tính theo mức giá nói trên, Starbucks có thể sẽ phải trả gần 980 triệu đồng/tháng, tức cao hơn 63% so với giá thuê cũ và hơn 30% giá chào mới của mặt bằng 11-13 Hàn Thuyên (ước tính 142,8 USD/m2/tháng).

Trong khi, diện tích địa điểm mới chỉ nhỉnh hơn tại 11-13 Hàn Thuyên là 40 m2.

Bỏ mặt bằng Hàn Thuyên giá 750 triệu/tháng, Starbucks Reserve chấp nhận giá thuê gần 1 tỷ đồng sau 6 tháng 'trầy trụa' tìm địa điểm mới - Ảnh 2.

Bỏ mặt bằng Hàn Thuyên giá 750 triệu/tháng, Starbucks Reserve chấp nhận giá thuê gần 1 tỷ đồng sau 6 tháng 'trầy trụa' tìm địa điểm mới - Ảnh 3.

Ảnh: Mặt bằng Adidas tại Bitexco mà Starbucks dự kiến thuê lại.

Được biết, vào ngày 26/8/2024, Starbucks Việt Nam đã bất ngờ phát đi thông báo đóng cửa Starbucks Reserve tại Hàn Thuyên khiến nhiều “tín đồ” cà phê tiếc nuối. Starbucks Reserve được ra mắt từ năm 2017, là cửa hàng Reserve đầu tiên và duy nhất tại Tp.HCM cho đến thời điểm này, cũng là 1 trong 2 cửa hàng Reserve của Starbucks tại Việt Nam (một chi nhánh Reserve khác của Starbucks ở Việt Nam nằm ở phố Nhà Thờ, Hà Nội).

Ngày đóng cửa, Starbucks Reserve vẫn đang hoạt động rất tốt với lưu lượng khách tấp nập, đồng thời là điểm hẹn quen thuộc của rất nhiều “tín đồ” cà phê Sài Gòn. Nguyên nhân Starbucks Reserve quyết định trả mặt bằng do chủ đất tăng giá thuê.

Hiện, thông tin từ các trang bất động sản thể hiện, giá cho thuê mới tại Hàn Thuyên là 30.000 USD/tháng (khoảng 757 triệu đồng/tháng), tương đương 9 tỷ đồng/năm (tăng hơn 600 triệu đồng/năm so với giá thuê cũ). Tổng diện tích sàn tại mặt bằng 11-13 Hàn Thuyên là 210 m2.

Sau khi Starbucks Reserve trả mặt bằng, 11-13 Hàn Thuyên nửa năm qua vẫn chưa có bên nào thuê mới lại. Ước tính theo mức giá thuê cũ của Starbucks Reserve, chủ nhà đã “thất thoát” 3,6 tỷ đồng do tăng giá.

Bỏ mặt bằng Hàn Thuyên giá 750 triệu/tháng, Starbucks Reserve chấp nhận giá thuê gần 1 tỷ đồng sau 6 tháng 'trầy trụa' tìm địa điểm mới - Ảnh 4.

Ảnh: Mặt bằng 11-13 Hàn Thuyên vẫn "ế" sau nửa năm Starbucks trả lại.

Về phía Starbucks, việc bỏ mặt bằng Hàn Thuyên theo người đại diện là khá tiếc nuối. Song, giá cả mặt bằng là một trong những áp lực lớn của thương hiệu. “Ở đâu cũng vậy thôi, và doanh nghiệp nào cũng vậy: Starbucks hay những đơn vị kinh doanh nhỏ thì tiền thuê mặt bằng luôn là áp lực lớn với chúng tôi”, đại diện nói thêm.

“Vị trí đắc địa không còn là điểm đến cho nhiều bên kinh doanh nữa”

Và trong chiến lược mới, đại diện Starbucks Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Vị trí đắc địa không còn là điểm đến cho nhiều bên kinh doanh nữa” . Theo vị này, những năm trở lại đây, hành vi tiêu dùng thay đổi rất nhiều. Trong đó, nếu ngày xưa vị trí đắc địa đi cùng với trang trí bắt mắt thu hút khách hàng, thì ngày nay vị trí đắc địa không còn là điểm đến cho nhiều bên kinh doanh nữa.

Starbucks là thương hiệu cà phê đến từ Mỹ, đã có mặt ở Việt Nam 11 năm. Hiện, thương hiệu này đang có 125 cửa hàng (tính đến tháng 12/2024) tại 16 tỉnh thành, với hơn 1.200 nhân viên.

Những ngày đầu, Starbucks ưu tiên mở cửa hàng tại các thành phố lớn hoặc địa điểm du lịch, thì hiện nay Công ty đang có chính sách mở rộng sang nhiều địa phương toàn quốc. Năm qua, thương hiệu đã lần lượt mở cửa hàng mới tại các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Huế, Hạ Long và Đà Lạt

“Chúng tôi thời gian qua đang đi theo chính sách địa phương hoá hơn, đi đến nhiều nơi hơn

và đó là những thay đổi mới của Starbucks Việt Nam. Năm 2025 sẽ là năm công ty phát triển rộng hơn nữa ở những tỉnh thành khác”, đại diện cho hay.

Mở rộng và địa phương hoá, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng Starbucks đang dần đánh mất những giá trị cốt lõi truyền thống của mình – bí quyết xây dựng thành công của thương hiệu. Trên toàn cầu, Starbucks liên tục đối mặt với những ý kiến trái chiều và cho rằng nhãn đang cố gắng tìm lại giá trị ban đầu: đơn cử việc ghi tên khách hàng trên ly nhằm cá nhân hoá sản phẩm…

Trước quan điểm này, phía Starbucks Việt Nam cho rằng đúng là có nhiều quan điểm như vậy, nhưng thực ra thương hiệu không hề rời xa giá trị truyền thống. Mặt khác, do hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi rất nhiều nên Starbucks phải ứng biến cho phù hợp.

Chia sẻ