Bố gửi hơn 50 triệu đóng học phí, con gái tá hỏa khi ra ATM rút thấy chỉ còn 3.000 đồng: Ngân hàng thông tin "Các giao dịch trừ tiền đều hợp lệ!"
Sự biến mất của số tiền khiến gia đình nữ sinh không khỏi hoang mang.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến và tiện lợi, cho phép chúng ta thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi chỉ với vài thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử. Ngay cả việc phụ huynh gửi tiền hỗ trợ con cái trong quá trình học tập hay sinh sống xa nhà cũng không còn là nỗi lo, sợ con mang tiền mặt lỉnh kỉnh, dễ đánh rơi, dễ bị móc túi… Tuy nhiên, cùng với sự tiện ích là những rủi ro tiềm ẩn, và đôi khi, chúng ta vẫn có thể đối mặt với những sự cố bất ngờ.
Năm 2022, một người đàn ông họ Từ đến từ huyện Gia Thiện, thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã gặp phải chuyện không may như vậy.
Mùa hè năm đó, con gái ông Từ tham gia kỳ thi đại học và đã đậu vào một trường đại học ở tỉnh khác. Cuối tháng 8, khi con gái sắp nhập học, ông Từ bắt đầu chuẩn bị đồ đạc cho con gái. Nói là chuẩn bị chứ thực tế, thứ mà ông Từ phải chạy đôn chạy đáo nhiều nhất chỉ là học phí và sinh hoạt phí của con. Ông tính toán rằng học phí, tiền ăn ở kèm theo chi phí sinh hoạt nửa năm, sẽ mất khoảng chừng 16.000 tệ (khoảng 56 triệu đồng).
Số tiền này là khá lớn, hơn nữa, để con gái cầm ngần đó tiền mặt trong người đi học ở xa cũng không an tâm, chính vì vậy, ông đã lấy ra một chiếc thẻ ngân hàng mà ông đang sử dụng và gửi toàn bộ 16.000 tệ vào thẻ. Vài ngày sau, con gái ông cầm theo chiếc thẻ ngân hàng này và lên đường tới trường đại học.
Nhưng điều mà ông Từ không ngờ tới là, chỉ hai ngày sau khi nhập học, con gái ông đã gọi điện về nhà. Ở đầu kia của điện thoại, nữ sinh vừa khóc vừa kể lại rằng khi đi nộp học phí, nhân viên kế toán của trường đã nói với cô rằng số dư không đủ, nghi ngờ rằng thẻ của cô không có tiền.
Mất mặt trước mặt bạn bè, nữ sinh vội vàng chạy đến máy ATM trong trường để kiểm tra thì phát hiện trong thẻ chỉ còn 0,86 tệ (khoảng 3.000 đồng). Cô vừa xấu hổ vừa tức giận, nghĩ rằng bố mình đã mang cô ra làm trò cười chứ thực chất chẳng hề gửi tiền vào thẻ.
Nghe con gái nói, ông Từ sững sờ tại chỗ. 16.000 tệ đó là ông tự tay đóng cho ngân hàng, làm sao có thể nhầm được? Ông đành chuyển thêm một ít tiền cho con, còn mình thì lập tức đến ngân hàng nơi gửi tiền để hỏi cho ra nhẽ.
Đến ngân hàng, ông mang theo chứng minh nhân dân đến tìm giao dịch viên ở quầy và yêu cầu kiểm tra số dư tài khoản cũng như chi tiết giao dịch của thẻ. Sau một vài thao tác, giao dịch viên bình tĩnh nói với ông: "Đúng vậy, thẻ này thực sự chỉ còn 0,86 tệ".
Ông Từ vô cùng bất ngờ, ông tiếp tục hỏi về sao kê ngân hàng. Giao dịch viên cũng rất hợp tác và in ngay cho ông một bảng sao kê chi tiết. Tuy nhiên, sau khi xem qua bảng sao kê, sắc mặt của giao dịch viên đột nhiên thay đổi, tức giận nói với ông Từ: "Toàn là giao dịch trừ tiền hợp quy định!".
Làm sao có thể là giao dịch trừ tiền bình thường được? Ông Từ đọc lại và càng bối rối hơn. Ông phát hiện, số tiền trong thẻ đều được chuyển tới cùng một tài khoản. Có hơn 300 giao dịch chuyển khoản chỉ trong 2 ngày, mỗi lần 50 tệ, "đều như vắt chanh". Kiểm tra kỹ hơn, hóa ra tài khoản nhận tiền thuộc về trường cấp 3 mà con gái ông Từ từng theo học, số tiền trong thẻ đều được chuyển về canteen của trường. Mỗi thẻ chỉ được chuyển 50 tệ một lần, thẻ của ông Từ có 16.000 tệ nên mất hơn 300 lần chuyển. Vì mỗi lần tài khoản bị trừ tiền đều không có tin nhắn thông báo nên con gái ông Từ không hề hay biết có điều gì bất thường cho đến khi thẻ bị trừ hết tiền.
Hóa ra, trường trung học mà con gái ông Từ theo học là trường bán trú, học sinh ăn cơm trưa ở trường, trường quy định tất cả học sinh phải đăng ký thẻ cơm, phụ huynh có thể ký cam kết liên kết ngân hàng với thẻ cơm của trường, mỗi thẻ sẽ nạp 50 tệ/lần. Hồi đó, ông Từ liên kết thẻ ngân hàng với thẻ cơm của con gái cho tiện, tiền nạp thẻ cơm sẽ được trừ trực tiếp từ thẻ ngân hàng, không cần phải nạp tiền qua lại nhiều lần.
Ngân hàng cho biết, những giao dịch này là giao dịch trừ tiền hợp lệ nên họ không có trách nhiệm phải giải quyết.
Ông Từ không nghĩ vậy. Ông đặt ra hai câu hỏi ngay tại chỗ:
Đầu tiên, sau khi con gái tốt nghiệp cấp 3, ông cũng lo lắng sẽ xảy ra vấn đề với thẻ nên đã chủ động đến ngân hàng yêu cầu hủy thẻ. Nhưng nhân viên giao dịch khi ấy nói thẻ này có thể sử dụng bình thường và không cần làm thẻ mới. Ông nghe lời nhân viên và gửi 16.000 tệ vào thẻ cũ.
Thứ hai, con gái ông đã tốt nghiệp cấp 3. Thông thường, nhà trường nên loại bỏ cô bé ra khỏi danh sách trừ tiền. Vậy ai là người đã lấy tiền? Hơn nữa, đã có hơn 300 lượt chuyển khoản chỉ trong 2 ngày, đây chắc chắn không thể là giao dịch trừ tiền bình thường. Chẳng lẽ ngân hàng không nhận thấy điều bất thường sao?
Trước câu hỏi của ông Từ, nhân viên ngân hàng ngập ngừng và không nói nên lời hồi lâu. Khi bị hỏi gấp, nhân viên phải né tránh sự việc và nói sẽ báo cáo tình hình của ông Từ với quản lý và đề nghị ông Từ đợi thêm vài ngày nữa.
Thế nhưng chờ đợi suốt một tuần, ông Từ vẫn không nhận được cuộc gọi nào từ ngân hàng. Quá sốt ruột, ông một lần nữa tìm đến ngân hàng nhưng chỉ nhận được thái độ không hợp tác và khá mơ hồ từ phía nhân viên. Không còn cách nào khác, ông Từ liên lạc với giới truyền thông địa phương, mong nhận được sự giúp đỡ.
Nhìn thấy ông Từ cùng các phóng viên đến ngân hàng, vẻ mặt của các nhân viên trở nên rất mất tự nhiên và họ không muốn trả lời phỏng vấn trước ống kính. Nhân viên nhiều lần nhấn mạnh rằng chính ông Từ là người tự đăng ký liên kết thẻ nên hệ thống ngân hàng tự động chuyển tiền cho trường. Về phần trường học xảy ra chuyện gì, ông Từ cần phải qua đó tìm hiểu.
Ông Từ vô cùng thất vọng trước câu trả lời của nhân viên, rõ ràng là chuyển khoản tự động từ ngân hàng nhưng ông thậm chí còn không nhận được một tin nhắn thông báo. Nếu có tin nhắn thông báo, ông chắc chắn sẽ nhận ra điều bất thường và kết quả 16.000 tệ bị trừ sạch chắc chắn không xảy ra.
Khi phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, nhân viên ngân hàng đã gạt phắt và cho biết ngân hàng đã làm việc đúng quy trình.
Xét thấy thái độ của ngân hàng không thể dùng biện pháp đàm phán để làm việc, vì vậy, phóng viên đã đưa ông Từ đến một công ty luật để hỏi xem liệu số tiền này có thể lấy lại được bằng các biện pháp hợp pháp hay không.
Luật sư giải thích rằng canteen trường học là một tổ chức chính thức và đã đạt được thỏa thuận giữ lại của bên thứ ba với ngân hàng, được chính ông Từ chấp thuận. Trong trường hợp này, rất khó để buộc ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nhà trường vẫn trừ tiền dù con gái ông Từ đã tốt nghiệp, đây là hành vi chuyển tiền bất thường. Ngân hàng đã không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của ông Từ với tư cách là người gửi tiền và phải chịu trách nhiệm.
Sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan, ông Từ quyết định khởi kiện ngân hàng này lên Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc. Thấy thái độ của ông Từ không phải đùa, sợ sự việc trở nên nghiêm trọng, cuối cùng ngân hàng đã phải thỏa hiệp. Nhân viên cho biết trong vòng ba ngày, ngân hàng sẽ trả lại toàn bộ số tiền 16.000 tệ cho ông Từ.
Chiều cùng ngày, ông Từ nhận được tiền chuyển từ ngân hàng. Sau khi sự việc được giải quyết, cuối cùng ông cũng có thể gửi được tiền học phí và sinh hoạt cho con gái.
Câu chuyện của ông Từ và con gái ông đã gợi mở cho chúng ta một số bài học quan trọng. Đối với các bậc phụ huynh có con cái đang tuổi đi học, việc quản lý tài chính và giám sát các giao dịch ngân hàng cần được thực hiện cẩn trọng hơn bao giờ hết. Sự tiện lợi của việc liên kết thẻ ngân hàng với các dịch vụ tự động có thể biến thành cạm bẫy nếu không được quản lý chặt chẽ.
Đồng thời, sinh viên cũng cần được trang bị kiến thức về cách quản lý tài chính cá nhân, biết cách kiểm tra thường xuyên số dư tài khoản và thông báo ngay lập tức cho ngân hàng cũng như phụ huynh nếu phát hiện bất kỳ sự bất thường nào.
Bên cạnh việc trang bị kiến thức, cả phụ huynh và sinh viên đều cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như không tiết lộ thông tin cá nhân và thông tin tài khoản, đồng thời cập nhật liên tục các thỏa thuận với ngân hàng và các tổ chức giáo dục để tránh những hiểu lầm không đáng có.
Cuộc sống hiện đại với những tiện ích công nghệ sẽ an toàn và thuận lợi hơn rất nhiều khi mỗi chúng ta đều biết cách bảo vệ bản thân trước những rủi ro tiềm ẩn. Vì vậy, hãy luôn tỉnh táo, quản lý tài chính thông minh để không phải đối mặt với những rắc rối tương tự như trường hợp của ông Từ.
Theo 163.com, kan.china.com