Bộ Giáo dục - đào tạo nói gì về 'trường đại học' và 'đại học'?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Hoàng Minh Sơn trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về chuyện "trường đại học" và "đại học" thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trường đại học Bách khoa Hà Nội vừa chuyển đổi mô hình thành Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Việc trở thành đại học chỉ là thay đổi cấu trúc và quản trị cho phù hợp chứ không phải là việc được nâng lên đẳng cấp khác. Đại học chưa chắc đã đẳng cấp hơn trường đại học.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn
Ông Hoàng Minh Sơn nói: Tên gọi "trường đại học" và "đại học" có từ lâu. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, sau đó có các đại học vùng như Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên.
Các cơ sở đại học bao gồm đại học, học viện, trường đại học được quy định trong Luật giáo dục đại học ban hành năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ban hành năm 2018. Trong đó, hai đại học quốc gia và các đại học vùng là mô hình đại học hai cấp, bao gồm nhiều trường đại học thành viên.
Các trường đại học thành viên trong mô hình đại học hai cấp do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có con dấu, tài khoản riêng, có thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp. Các trường này hoạt động giống như một trường đại học độc lập nhưng nằm trong hệ thống của đại học quốc gia và đại học vùng.
Trong luật hiện hành cũng khuyến khích việc thành lập các đại học lớn theo hai hướng: sáp nhập các trường nhỏ hoặc phát triển từ một trường đại học lớn để đào tạo đa lĩnh vực. Định hướng này nhằm hình thành các cơ sở đại học có năng lực mạnh hơn, tự chủ cao hơn, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu của xã hội và người học tốt hơn, đa dạng hơn.
Mô hình Đại học Bách khoa Hà Nội là trường hợp trường đại học chuyển đổi thành đại học. Mô hình đại học này có thể có các trường đại học trực thuộc và đào tạo đa lĩnh vực thay vì chỉ đào tạo một hoặc một vài lĩnh vực.
Việt Nam không khác biệt các nước
* Đại học Bách khoa Hà Nội khi còn là Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập các trường đại học trực thuộc. Vậy các trường này có vị thế, quyền hạn như các trường đại học thành viên của đại học quốc gia hay đại học vùng không, thưa ông?
- Trường đại học hay đại học đều có thể thành lập các trường đại học trực thuộc. Nhưng đó không phải cơ sở đại học độc lập như các trường đại học thành viên của đại học quốc gia hay đại học vùng.
Các trường trực thuộc do hội đồng đại học, hội đồng trường đại học quyết định thành lập. Các trường này không có con dấu riêng, không được tuyển sinh riêng, cũng không cấp bằng riêng mà hoạt động theo cơ chế chung của đại học mà nó trực thuộc.
Ví dụ các sinh viên học các Trường đại học Cơ khí, Trường đại học Điện - điện tử, Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông của Đại học Bách khoa Hà Nội đều do giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cấp bằng.
* Dư luận cho rằng hệ thống đại học của ta quá rắc rối từ tên gọi đến cấu trúc, loại hình. Phải chăng Việt Nam "một mình một kiểu"?
- Điều này không đúng. Hệ thống đại học ở các quốc gia khác cũng rất đa dạng. Mô hình đại học hai cấp như đại học quốc gia ở Pháp cũng có. Pháp sáp nhập nhiều trường đại học thành một tổ hợp/hệ thống đại học.
Nhưng phổ biến ở nhiều quốc gia vẫn là mô hình đại học đào tạo đa lĩnh vực, với cấu trúc có các trường chuyên ngành trực thuộc một đại học, tương tự như Đại học Bách khoa Hà Nội. Họ cũng có những cơ sở đào tạo chuyên ngành đứng độc lập, tương tự như các trường đại học của Việt Nam.
Về tên gọi, một số quốc gia khác cũng có những vướng mắc về tên gọi khác nhau của các cơ sở đại học khác nhau, khi dịch sang tiếng Anh cũng lấy tên chung là "University". Việt Nam không có gì khác biệt so với các nước. Tên gọi: đại học, học viện, trường đại học... khi xây dựng Luật giáo dục đại học đã được bàn thảo và quyết định đưa vào luật.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại một trường đại học trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cấu trúc lại để quản trị tốt hơn
* Thưa ông, tại sao phải chuyển từ trường đại học sang đại học, đây có phải xu thế được khuyến khích trong hệ thống đại học Việt Nam không?
- Thực tế hiện nay các cơ sở đại học có quy mô rất khác nhau. Có trường chỉ có 1.000 sinh viên nhưng có trường có đến 30.000-40.000 sinh viên. Theo cấu trúc truyền thống dưới trường là các khoa, trong khoa có các bộ môn. Nhưng nếu các trường nhỏ, một khoa chỉ đào tạo 1-2 ngành thì ở các trường quy mô lớn có thể có hàng chục ngành với 1.500-2.000 giảng viên.
Sự khác biệt này cho thấy các trường không nên có chung một cấu trúc, cách quản trị. Trường đại học lớn tới một mức nào đó nếu giữ cấu trúc cũ sẽ dễ lỏng lẻo, phân tán trong quản lý. Vì thế các trường lớn nên chuyển đổi, thực chất là cấu trúc lại để quản trị tốt hơn.
Cụ thể, khi sát nhập các khoa trong cùng một lĩnh vực thành trường chuyên ngành trực thuộc đại học, sẽ giảm đầu mối phải quản lý, tăng cường phân cấp, phân quyền việc quản lý sẽ hiệu quả, chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy việc hợp tác liên ngành trong mỗi lĩnh vực nhằm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược.
Tương tự, các trường nhỏ có nhu cầu có thể sáp nhập lại để có nguồn lực mạnh hơn, có thể chia sẻ tài nguyên chung nâng chất lượng đào tạo. Điều này trước hết xuất phát từ nhu cầu nội bộ của cơ sở đại học chứ cơ quan quản lý nhà nước không định ra hệ thống phải có bao nhiêu đại học, bao nhiêu trường đại học.
Mô hình đại học với cấu trúc trường trong trường hiện nay thể hiện nhiều ưu điểm và đã có hành lang pháp lý để triển khai thuận lợi.
* Có thể hiểu nếu xếp hạng thì đại học ở cấp cao hơn trường đại học không? Khi trở thành đại học, các cơ sở này được hưởng cơ chế ưu đãi gì hơn so với trường đại học, và người học được thêm quyền lợi gì, thưa ông?
- Việc trở thành đại học chỉ là thay đổi cấu trúc và quản trị cho phù hợp chứ không phải là việc được nâng lên đẳng cấp khác. Đại học chưa chắc đã đẳng cấp hơn trường đại học. Vì uy tín thực sự của một cơ sở đại học lệ thuộc vào chất lượng trong đào tạo và nghiên cứu mà các cơ sở khẳng định, được xã hội và người học thừa nhận.
Ví dụ như Học viện Âm nhạc quốc gia chỉ theo mô hình "trường" nhưng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực âm nhạc. Hay Trường đại học Y Hà Nội cũng đứng đầu trong lĩnh vực y, dược.
Trở thành đại học cũng không phải xu thế mọi cơ sở đào tạo phải hướng tới. Khi đặt mục tiêu đào tạo đa lĩnh vực và có quy mô, điều kiện đáp ứng với quy định thì nên chuyển đổi, như một thân hình lớn khiến cái áo cũ chật chội thì cần thay cái áo rộng hơn để làm tốt nhiệm vụ của mình hơn.
Nhưng với những cơ sở đại học thuộc lĩnh vực chuyên sâu như âm nhạc, như y dược thì việc chuyển thành đại học đa lĩnh vực hay không cần phải cân nhắc.
Trường đại học treo biển "đại học" có phạm luật?
Hiện có nhiều cơ sở đào tạo chỉ là trường đại học nhưng treo biển "đại học". Về việc này, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng nếu trên các văn bản liên quan tới hoạt động của cơ sở đào tạo, con dấu của các đơn vị này ghi sai, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu phải chấn chỉnh.
Nhưng hiện chỉ có Trường đại học Y Dược TP.HCM ghi sai trên văn bản. Một số cơ sở khác biển hiệu thiếu chữ "trường" nhưng trong các văn bản làm việc với Bộ GD-ĐT đều thể hiện đúng tên trường. Việc này cũng thường thấy ở nhiều cơ quan, đơn vị khi không ghi trên biển hiệu đầy đủ tên đăng ký chính thức và ghi tắt.
Không ưu tiên đại học hơn trường đại học
Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ quy định các cơ sở muốn chuyển từ trường đại học thành đại học cần đảm bảo ba điều kiện: Được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000, được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.
Các trường trực thuộc đại học cũng phải đảm bảo có ít nhất 1.000 sinh viên, đào tạo ít nhất năm ngành và có ít nhất ba ngành đào tạo tiến sĩ.
Đây là những tiêu chí cụ thể để trường đại học chuyển đổi thành đại học và trên thực tế không phải cơ sở nào muốn cũng đủ điều kiện. Nên với những cơ sở đã chuyển đổi thành đại học, thực chất đó là sự khẳng định năng lực đã có của họ.
Nhà nước không ưu tiên gì cho đại học hơn trường đại học. Nhưng khi chuyển đổi, các đại học quản trị tốt hơn, tận dụng được tài nguyên, nguồn lực hiệu quả hơn, có năng lực tự chủ cao hơn, đó là lợi thế để các cơ sở tiếp tục phát triển.