Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất chính sách tiền lương mới cho giáo viên
Mới đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục trả lời băn khoăn của đội ngũ nhà giáo liên quan đến vấn đề lương, phụ cấp. Theo đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất chính sách tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Một trong các vấn đề được nhiều nhà giáo quan tâm đó là lương, phụ cấp của nhà giáo thấp, dẫn đến tình trạng giáo viên không yên tâm công tác, thậm chí hàng chục nghìn giáo viên đã bỏ việc. Bộ GD&ĐT thống kê, từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023 có hơn 40.000 giáo viên mầm non, phổ thông bỏ việc, nguyên nhân chủ yếu là do đồng lương thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Các nhà giáo đề nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp nâng cao thu nhập cho đội ngũ đảm bảo cuộc sống.
Về vấn đề này, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện nay nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được hưởng các chính sách bao gồm: lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và một số chính sách khác.
Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng một số ưu đãi như: phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng, TP. Ngoài ra, nhà giáo còn được hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp khác như: phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép hoặc nghỉ tết hàng năm, phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch; phụ cấp lưu động, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, trong những năm gần đây, mặc dù Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập cho giáo viên tuy nhiên, so với biến động về giá cả hàng hóa và tình hình kinh tế xã hội hiện nay thì thu nhập của đội ngũ vẫn đang ở mức thấp.
Hiện tại, Bộ GD&ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo (Luật Giáo dục 2019). Theo đó, giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sẽ được xếp ở hệ số lương khởi điểm 2,10; giáo viên tiểu học và THCS xếp ở hệ số lương khởi điểm là 2,34. Việc xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo đã giúp cho giáo viên mới ra trường cải thiện một phần thu nhập.
“Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan đề xuất chính sách tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/CP”, Bộ GD&ĐT thông tin.
Giữa tháng 8/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận khoảng 6.500 ý kiến của đội ngũ nhà giáo, trong đó có tới 2.000 câu hỏi về tiền lương, 500 ý kiến kiến nghị tuổi nghỉ hưu của giáo viên… Tại buổi đối thoại, nhiều nội dung, câu hỏi ông Nguyễn Kim Sơn đã trực tiếp trả lời các nhà giáo. Một số vấn đề sẽ được các đơn vị tổng hợp và tiếp tục trả lời.