Bộ GD-ĐT quy định thế nào về lễ phục trong lễ tốt nghiệp?
Do Bộ GD-ĐT không quy định về lễ phục trong các lễ tốt nghiệp nên trang phục, nghi thức của trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội là hoàn toàn hợp pháp, không có cơ sở pháp lý để xác định trường không tuân thủ pháp luật.
Lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết nhận được nhiều ý kiến thể hiện sự không đồng tình với trang phục lễ phục mà Trường ĐH Kinh tế sử dụng trong Lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên và học viên của trường năm 2022.
Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên.
Chính vì vậy, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế phải báo cáo bằng văn bản về công tác tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đang gây tranh cãi.
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi Bộ GD-ĐT quy định thế nào về lễ phục của học sinh, sinh viên được sử dụng trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp?
Hình ảnh trong lễ trao bằng tốt nghiệp 29-7.
Theo Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về đồng phục và lễ phục của học sinh, sinh viên, lễ phục là trang phục được sử dụng cho học sinh, sinh viên của một trường (hoặc một ngành) mặc trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH, trung cấp chuyên nghiệp nhằm tạo sự trang trọng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào của người học, tôn vinh nghề nghiệp, thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Lễ phục bao gồm: Áo, mũ và biểu trưng (logo) của trường (nếu có).
Văn bản này không quy định cụ thể về lễ phục liên quan đến các yếu tố chi tiết như màu sắc, chất liệu, kiểu dáng mà chỉ quy định chung về nguyên tắc mặc đồng phục. Theo đó, bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của học sinh, sinh viên và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đồng thời đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền thống của nhà trường; phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác; bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường.
Hình ảnh trang phục của Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế gây tranh cãi trong lễ trao bằng tốt nghiệp ngày 29-7.
Nguyên tắc mặc lễ phục phải bảo đảm tính thống nhất trong từng trường hoặc từng ngành đào tạo; đảm bảo tính thẩm mỹ, tính giáo dục trong các buổi lễ trao bằng tốt nghiệp; đảm bảo phân biệt người tốt nghiệp các trình độ được đào tạo: Trung cấp, đại học; đảm bảo tính khoa học, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trường hợp được các tổ chức, cá nhân trong hoặc ngoài nước tài trợ kinh phí thì đồng phục, lễ phục phải đảm bảo quy định tại văn bản này, không được lạm dụng việc tài trợ để quảng cáo; khuyến khích học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số sử dụng trang phục dân tộc mình trong ngày lễ, ngày tết, ngày hội và trong những ngày nhà trường không quy định mặc đồng phục.
Bộ nghi lễ dành cho sinh viên nam.
Điều 5 Thông tư 26 quy định tiêu chuẩn lễ phục như sau: Áo khoác ngoài nhẹ, rộng, dài quá đầu gối, chất liệu vải thoáng, mát, trang trí lịch sự, trang trọng thích hợp cho dùng cả mùa hè và mùa đông, thể hiện tính hiện đại và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.
Mũ có màu phù hợp với màu của áo, đảm bảo tính thẩm mỹ, trang trọng. Biểu trưng (logo) của trường được gắn ở ngực áo bên trái.
Khi nhà trường chưa quy định được lễ phục riêng, có thể sử dụng: Bộ comple màu sẫm, áo sơ mi, cravat đối với nam; bộ comple hoặc bộ áo dài truyền thống đối với nữ.
Theo luật sư Trịnh Đức Tiến, văn phòng luật sư Phúc Thọ, Hà Nội, văn bản của Bộ GD-ĐT chỉ quy định chung chung chứ không có chi tiết cụ thể. Bởi vậy, việc sử dụng các trang phục, nghi thức của Trường ĐH Kinh tế là hoàn toàn hợp pháp, không có cơ sở pháp lý để xác định Trường ĐH Kinh tế đã không tuân thủ pháp luật cũng như không có căn cứ để xử phạt.
Bộ nghi lễ dành cho sinh viên nữ.
Theo một số chuyên gia, sở dĩ trang phục của Trường ĐH Kinh tế bị phản đối là do chưa kết hợp hài hòa giá trị truyền thống và hiện đại.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho hay tại các buổi trao bằng, lễ tốt nghiệp, nhiều học sinh, sinh viên, học viên cao học hay tiến sĩ vẫn sử dụng lễ phục này. Trang phục này chỉ gặp ý kiến phản đối khi xa rời những giá trị dân tộc. Nếu trường ĐH Kinh tế có thể kết hợp hài hòa hơn những giá trị truyền thống trong buổi lễ, dư luận có lẽ không ồn ào nhiều như vậy.