Biệt thự tiền tỉ sau mưa lụt
Những tưởng ở nhà cao cửa rộng, biệt thự đắt tiền là không phải lo lắng gì nữa. Nhưng sau đợt mưa ngập vừa rồi mới thấy, biệt thự tiền tỷ có khi còn đem lại phiền toái hơn cho gia chủ khi gặp thiên tai bất ngờ.
Dương xỉ mọc ở… đầu giường
Cuối phố Hàm Long, ngay cạnh đại sứ quán Pháp có một ngôi biệt thự cổ khá đẹp. Chủ nhân biệt thự, anh Nguyễn Chánh khoe: Ngôi nhà này như biết thay đổi biến hoá cho phù hợp với thời tiết vậy.
Thiết kế giếng trời để hút nắng gió thiên nhiên... |
Theo lời kể của anh thì trong nhà gần như có mưa to cũng không hề bị ảnh hưởng nhiều, kể cả âm thanh cũng được giảm đi khi mái nhà có 2 tầng giúp tạo ra lớp đệm không khí, cách nhiệt và âm thanh rất tốt.
“Tôi đang sửa lại đôi chút để làm nhà hàng, nhưng nhất định vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ, ngay cả cửa sổ gỗ kiểu lá sách cổ điển cũng được giữ lại, bởi vừa thoáng khí, lại ngăn được mưa hắt và nắng chói”, anh Chánh vui vẻ cho biết.
Khi bình thường, đúng là ngôi biệt thự có diện tích vài trăm mét vuông này chẳng khác "thiên đường" nhưng mấy hôm mưa ngập, đã có nhiều cảnh khôi hài xảy ra. Anh Nguyễn Chánh thuật lại "chuyện lạ" ở nhà mình : “Sau mấy hôm mưa ẩm, toàn bộ chân tường tầng 1 đã mọc rêu xanh, lại còn có cả một cây dương xỉ ngay đầu giường ấy. Mấy thế hệ gia đình tôi sống ở ngôi nhà này chưa bao giờ gặp chuyện ngộ nghĩnh thế này”.
Vừa chỉ tay vào những chỗ mốc xanh, mốc trắng, và một cây dương xỉ mới bám vào lớp vôi long lở, anh Chánh than thở: “ Tôi đang có ý định chữa lại nhà để mở cửa hàng. Ban đầu nghĩ chỉ cần sơn lại, nhưng thế này buộc phải tróc hết vôi vữa ra làm lại từ đầu mới được”.
Vậy là, chỉ sau một trận ngập, số tiền sửa nhà của anh Chánh dự kiến sẽ đội lên gấp nhiều lần, tới vài trăm triệu, chưa kể thời gian thực hiện sẽ phải kéo dài thêm cả tháng.
Tiếc cũng đành bịt miệng… “giếng trời”
Tiếc cũng đành bịt miệng giếng |
Nhà của chị Hồng Dung đẹp nhất nhì khu phố Vạn Bảo - Ba Đình với kiểu biệt thự có sân vườn. Trên trần ngôi biệt thự 4 tầng có một chiếc giếng trời hình vuông kích thước 1m x 1m. Nhà có bậc thềm cao dẫn lên tầng trệt, rồi đến tầng lửng cũng chính là nơi chứa đáy của “giếng trời”.
Ý tưởng của kiến trúc sư được chị Dung hưởng ứng và đưa vào thi công ngay bởi chị cũng thích ngôi nhà gần gũi với thiên nhiên. Đáy giếng trời là một vườn sinh vật cảnh nhỏ, với hồ cá cảnh và non bộ. Mỗi buổi nắng sớm mai chiếu xuống tạo một khung cảnh thật dễ chịu. Thế nhưng đợt mưa vừa rồi đã biến chiếc giếng trời thơ mộng đó thành … nỗi thống khổ của cả gia đình!
“Ngoài sân nước ngập làm úng hết mấy chậu hoa mai, tầng trệt cũng bị nước tràn, nhưng chưa kinh khủng bằng việc mưa xối xả, ầm ầm giữa lòng nhà. Số là chiếc giếng trời không có mái cơ động để có thể che lại lúc mưa quá to, nên đành mua sẵn mấy cái chậu nhựa để hứng mưa hắt.
“Nhưng mưa như mấy hôm vừa rồi thì không chậu nào chứa hết nước được, thế là đành chấp nhận để cá cảnh bơi hết lên sàn nhà”- chị Dung khôi hài kể lại.
Không những thế, bức tường từ tầng lửng xuống tầng trệt cũng bị nước chảy xuống để lại những vệt ố loằng ngoằng như tơ nhện.
“Anh nhà tôi vẫn nói vui “nhà mình là công trình hoàn mỹ”, nhưng mấy hôm nữa đi công tác về mà thấy cảnh vườn sinh vật cảnh thế này, chắc anh ấy sẽ phải đặt tên khác cho ngôi nhà thôi. Cũng may xe ôtô được gửi ở bãi xe trên phố Kim Mã, chứ nếu để nó ở nhà thì lại thêm một ác mộng nữa", chị Dung cười như...mếu.
Sau trận mưa to gió lớn này, chắc chắn chiếc giếng trời từng được coi là điểm nhấn kiến trúc của ngôi nhà sẽ bị chủ nhân xoá sổ, hoặc ít nhất cũng có thêm mái che bằng kính chịu lực.
Ngay từ khi thiết kế, nếu các chủ nhân mà không quan tâm tới điều kiện thời tiết thì các công trình biệt thự trị giá tiền tỷ này sẽ xuống cấp nghiêm trọng về cả “nhan sắc” và tính bền vững.
Đấy cũng là lý do vì sao phải có sự quan tâm đầy đủ đến việc phòng và chữa bệnh cho "tổ ấm" trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm, nắng lắm, mưa nhiều.
Đấy là trường hợp nhà anh Tiến Trường trên đường Âu Cơ – Tây Hồ. Ngôi biệt thự của anh được xây dựng theo phong cách hiện đại, bao quanh là kính, vốn là niềm tự hào của gia đình mỗi khi có vị khách nào đó tới chơi và tấm tắc khen. Thế nhưng, chỉ sau một trận ngập, anh Trường đã phải lên kế hoặch trùng tu lại.
Theo anh Trường, ngôi nhà này chỉ tính riêng tiền xây dựng cũng đã lên tới vài tỷ, vậy mà bây giờ ở cũng không yên tâm, thoải mái.
Giếng trời nhìn từ dưới lên |
“Tối muộn thứ 6 hôm đầu tiên bị ngập lụt, tôi mới lội về đến nhà, thấy tá hỏa vì 2 ô kính trên tầng 5 đã vỡ tan. Cũng là do mình bất cẩn, không đóng cửa sổ lại, nên mưa gió mới giật vỡ được, nhưng thế cũng nguy hiểm quá”, anh Trường lắc đầu nói.
“Nói là nếu biết ngập lụt thế này đã không xây nhà cao thì sợ mọi người cười, chứ tôi thực sự tiếc kiến trúc cũ của ngôi nhà cổ trước đây tôi đã phá đi để xây cái “lồng kính” này”, anh Trường tiếc rẻ.
Vẫn trong mạch tâm sự, anh tặc lưỡi: “Các cụ nhà ta giỏi thật, ngày xưa đâu có vật liệu hiện đại, vậy mà nhà cửa bền chắc, lại thuận tiện sinh hoạt, đông ấm hè thoáng. Giờ tiếng là cái gì cũng cao cấp mà con người sống lại phải lo lắng nhiều hơn, nào là dán chống nắng chịu nhiệt, nào là cách âm cách ẩm, vậy mà cũng có ăn thua gì đâu”.
Sau trận mưa ngập, ở trong “nhà cao cửa rộng” mà vẫn ngay ngáy lo, giờ tạnh mưa rồi, anh nhẩm tính cũng phải bỏ ra ít nhất 70 triệu đồng để thay sàn tầng 1 từ gỗ sang đá granit cho đỡ ẩm.