Biết kiềm chế giúp kéo dài tuổi thọ hôn nhân

,
Chia sẻ

Theo nhà xã hội học Nga V.Zasepin, 81% số người đã kết hôn và độc thân mong đợi bạn đời biết kiềm chế bản thân. Đàn ông tự đánh giá khả năng tự chủ tương đương với đánh giá mà họ hy vọng các bà vợ sẽ đưa ra.

Khả năng và nỗ lực kiềm chế bản thân của chúng ta cũng không kém phần quan trọng trong vịêc giải quyết vấn đề tranh cãi.
 
Trong khi đó, những người phụ nữ tự đánh giá khả năng tự chủ của mình tệ nhất thì cũng là “trung bình”, còn những phụ nữ cho là “vô cùng nín nhịn” và “hoàn toàn không kiềm chế” đều có những yêu cầu cao về mặt này đối với chồng hoặc bạn đời tương lai.
 
Các cuộc trưng cầu ý kiến cho thấy: những người nào ít nhường nhịn thường thích một số tính cách mềm mỏng, nhũn nhặn, hiền lành… Ngược lại, những người hay “nín nhịn nhất” thì có thể và thích sống với bạn đời “cứng đầu cứng cổ”. Năng lực tự kiềm chế đi đôi với việc tự nhận thức về mình và ý thức về sự bình đẳng trong gia đình.
 
Tại sao với sếp bạn lại kiềm chế giỏi thế, còn tại sao với vợ (chồng) bạn lại không biết tự kiềm chế, động một tí là nổi khùng lên, động một tí là sẵn sàng “lành làm gáo, vỡ làm muôi”. Đó là do sự ngộ nhận mình, tự đánh giá mình cao quá từ đó hơi xem thường người bạn đời của mình, tự cho mình mạnh hơn và muốn bắt người kia phải phụ thuộc, phải vâng theo.
 
Có những người cá tính như Trương Phi, hay “nổi khùng”, chúng ta cần thực sự thông cảm và quan tâm, không nhìn nhận những “cơn điên” như một tai họa đáng lo ngại. Sau mỗi trận cãi vã trong nhà, những ý nghĩ và tâm trạng của chúng ta không giống nhau.
 
Một số người nhanh chóng hòa giải, bằng cách tự hứa với mình sẽ không bao giờ lại mất trí đến thế, làm cho cuộc sống bị đầu độc chẳng đâu vào đâu. Một số khác tạm thời chịu nhịn vì con cái và hòa bình trong nhà. Nhưng mối thù hận thì vẫn còn lại, để đến một ngày nào đó nó lại “lên men”.

Loại người thứ ba im lặng lạnh nhạt cho tới khi nào người “quá trớn” chịu xin lỗi và tự phê phán. Trong nhiều gia đình vợ chồng đối xử với nhau như những kẻ xa lạ trong một thời gian dài. Nếu trong gia đình có cả bố mẹ của một người nào đó, những đôi vợ chồng này tránh mặt nhau, tránh tiếp xúc trực tiếp, có viết giấy cho nhau cũng không dùng đại từ nhân xưng – “Nếu về sớm, đi mua rau!”…

Những người có nhân cách xung đột như độc đoán gia trưởng, đa nghi thường có hành động rất ngược đời, và những mâu thuẫn điều khiển hành động của họ, chứ không phải họ điều khiển mâu thuẫn. Đáng lẽ giải quyết các mâu thuẫn, thì trong đa số trường hợp họ làm cho chúng sâu sắc hơn. Tuy nhiên, không phải người nào mang tính cách xung đột cũng là bị thần kinh do hôn nhân gây ra.

Ổn định nhất là các gia đình mà đôi vợ chồng sau trận gây lộn không lao vào giải thích hay đòi giải thích một cách vô ích, mà họ chờ thời gian, lương tâm và tình cảm lên tiếng. Đó không phải là biểu hiện của sự nhu nhược, thiếu cá tính. Trong các gia đình như thế thực ra không có xung đột.

Những va chạm lặt vặt do nguyên cớ nào đó không chuyển thành kết luận khái quát, không trở thành nỗi bất bình ở người này đối với người kia, không làm sai lệch thái độ tán đồng đối với cuộc sống gia đình và tương lai của cuộc hôn nhân. Những đôi vợ chồng này không nghiến răng thề sẽ không bao giờ tha thứ cho nhau, mà suy nghĩ nghiêm túc về các nguyên nhân gây va chạm và tự phê phán mình đã “góp phần” vào đó.

Một trong những điều đáng quý nhất và phức tạp nhất trong đời sống vợ chồng là ý thức về chừng mực trong mọi chuyện và mọi lúc. Cãi vã, gây lộn và xung đột có thể điều chỉnh (ý thức về chừng mực), nhưng cũng có thể làm cho nó biến dạng dần dần. 
 
Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô
Chia sẻ