Biến con thành vũ khí "hành hạ" chồng

Theo Phunuthudo,
Chia sẻ

Chiến thắng của chị để lại không ít trăn trở cho người khác.

Phiên toà phúc thẩm xử vụ ly hôn của họ diễn ra vào đầu tháng 3/2012. Kết quả không có gì thay đổi so với phiên xử sơ thẩm, người vợ vẫn giành chiến thắng song chiến thắng của chị để lại không ít trăn trở cho người khác.
 
Năm 1998, anh Trần Văn T và chị Lê Hồng A (Hoàng Mai, Hà Nội) kết hôn với nhau. Bốn năm sau đó, hạnh phúc của họ nhân lên gấp bội khi hai đứa con một trai, một gái lần lượt ra đời. Cuộc hôn nhân của anh T và chị A đã từng là niềm mơ ước của không ít người.
Sóng gió bắt đầu nổi lên trong tổ ấm của họ kể từ khi anh T bỏ cơ quan ra ngoài làm ăn cùng bạn. Do phải liên tục ngoại giao để tìm khách hàng nên anh T thường phải ăn uống, nhậu nhẹt. Việc liên tục bỏ cơm nhà ăn cơm hàng, tụ tập bạn bè bất kể thời gian của chồng khiến chị A nhiều lần bức xúc.

Để kéo chồng về nhà, chị A đã đưa con ra bắt chồng phải lựa chọn, vì chị biết rõ chồng yêu con hết mực. Nhưng theo chị A, biện pháp đó cũng chỉ có tác dụng một thời gian ngắn sau đó anh T lại chứng nào tật nấy. Mâu thuẫn của họ cứ thế nảy sinh dần cộng thêm với việc anh T có bồ, đẩy cuộc hôn nhân của họ vào bế tắc. Trong đơn gửi ra toà, chị A mong muốn được toàn quyền nuôi con, về phần tài sản thì chia theo thoả thuận.

Trái với lời của chị A, anh T cho rằng việc mình ra ngoài tiếp khách là do yêu cầu của công việc. Chị A đã không thông cảm còn luôn gây sức ép bắt chồng phải lựa chọn hoặc gia đình hoặc bạn bè. Nếu anh không đáp ứng chị liên tục dùng con làm vũ khí để uy hiếp. Mỗi khi hai vợ chồng có chuyện, chị mang con về nhà mẹ đẻ cả tháng trời không cho bố con gặp nhau.
 

Những lần chồng đang bận tiếp khách, chị hết nhắn tin đến gọi điện "doạ" nếu anh không về thì chị mang con đến ngoài quán nhậu ngồi chờ; hoặc sẽ ngồi đầu ngõ nhà chờ đến lúc nào anh về thì thôi. Tưởng vợ nói đùa, ai ngờ một lần trời mưa rét, nhậu về khuya anh vẫn thấy hai mẹ con quàng áo mưa đứng đợi đầu ngõ.

Thằng bé rét run cầm cập, nhìn bố oà khóc. Đêm đó, con sốt cao phải đưa đi viện cấp cứu, vậy mà chị còn to tiếng bảo lỗi do anh, nếu anh về sớm thì thằng bé đã không phải dầm mưa cùng mẹ. Sau lần đó, mỗi lần ra ngoài mà nhận được tin nhắn đem con ra hành để thách thức chồng của vợ là kiểu gì anh cũng phải bỏ dở công việc để về. Các mối quan hệ làm ăn của anh cũng vì thế mà ảnh hưởng nhưng chị thì coi như không.

Rồi chuyện ghen tuông, chị cũng lôi các con vào. Có lần anh đang ngồi bàn chuyện làm ăn với đối tác nữ, chị lôi cả hai đứa con đến đánh ghen tại trận. Hôm đó, anh xấu hổ vì bẽ mặt với mọi người đã đành lại còn mất điểm trong mắt các con. Nhìn hai đứa con còn nhỏ mà đã bị mẹ hết lần này đến lần khác đưa vào ma trận đánh ghen mù quáng, anh không khỏi đau lòng. Thất vọng về hôn nhân, anh T đã ra ngoài tìm người khác.

Đầu năm 2012, tại phiên toà sơ thẩm, toà đồng ý xử cho họ ly hôn và chị A được toàn quyền nuôi hai con. Trước phán quyết đó, anh T không đồng ý. Anh T cho rằng chị A đòi nuôi cả hai con là nhằm mục đích chia cắt tình cảm cha con để trả thù chồng chứ không hẳn là yêu thương con.

Anh T cũng mong toà xem xét và xử cho mình được nuôi con. Lần này toà phúc thẩm đã cho mời hai đứa trẻ ra toà hỏi ý kiến. Trái với hy vọng của anh T, cả hai đều đòi về sống cùng mẹ.

Cuối cùng thì việc biến con thành vũ khí riêng của chị A cũng đã có tác dụng giúp chị chiến thắng ở cả hai phiên toà. Thế nhưng không biết chị có nghĩ đến những mặt trái của nó. Đó là nó chẳng giúp chị giữ được chồng, mà còn làm tổn thương tình cảm của các con cũng như tước đoạt niềm hạnh phúc được sống trong một gia đình hạnh phúc của chúng.
Chia sẻ