Biến chủng mới tại California tăng nguy cơ tử vong ở người mắc lên 11 lần
Một biến chủng mới được phát hiện đã lan rộng tại bang California của Mỹ và đã có các bằng chứng mới cho thấy nó có thể lây lan nhanh và tăng nguy cơ tử vong ở người mắc.
Biến chủng virus mới tại California được các chuyên gia từ Trung tâm Y tế Cedars-Sinai (CSMC), Los Angeles phát hiện. Nó được đặt tên là CAL.20C hay B1429, tìm thấy trong các mẫu bệnh phẩm ở Los Angeles từ năm 2020. Đến nay, khoảng 30 trường hợp nhiễm biến chủng virus mới này đã xuất hiện ở phía bắc California và 4 bang khác tại Mỹ. Chủng virus này cũng được ghi nhận ở Australia, Đan Mạch, Mexico và Đài Loan (Trung Quốc).
Tiến sĩ Charles Chiu của Đại học Califorinia San Francisco, cho rằng chủng này "cần được quan tâm, cần điều tra khẩn cấp".
Phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Chiu đã phát hiện biến chủng này chứa đột biến L452R, có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng gốc, dù mức độ không nghiêm trọng như chủng B.117 từ Anh. Nghiên cứu trên hồ sơ của 324 bệnh nhân mang biến chủng California cho thấy: Tỷ lệ người phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) cao gấp gần 5 lần và nguy cơ tử vong cao hơn 11 lần so với người mắc biến chủng khác. Ngoài ra, mẫu bệnh phẩm còn có tải lượng virus trong cổ họng hoặc mũi gấp đôi bệnh nhân khác.
Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã tái tạo một virus chỉ mang theo đột biến L452R. Kết quả cho thấy có khả năng xâm nhập vào mô phổi con người mạnh hơn 40%, đồng thời lây lan mạnh gấp 3 lần so với các chủng không mang đột biến. Nó cũng khiến hiệu quả của kháng thể giảm một nửa, xuống ở mức độ "đáng quan ngại".
Những đặc tính nguy hiểm của biến chủng mới khiến các nhà khoa học lo ngại nó sẽ khiến mọi nỗ lực kiểm soát dịch bệnh lây lan khó khăn hơn, đặc biệt nếu nó trao đổi chéo đột biến với các biến chủng nguy hiểm khác.
Để tránh những kịch bản xấu này, các chuyên gia khuyến cáo chính phủ cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, tiếp tục đeo khẩu trang và tuân thủ các biện pháp phòng dịch.