Biến bố mẹ thành ôsin - lỗi lầm của gia đình trẻ

,
Chia sẻ

Vì sự ích kỷ, thích hưởng thụ, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ đã quá lạm dụng tình yêu thương của bố mẹ dành cho mình mà nghiễm nhiên biến bố mẹ già thành người giúp việc.

Bố - “trong vai” bảo vệ
 
Từ lúc con trai ông Hoàng Thái Quang (Gia Lâm, Hà Nội) lập gia đình là lúc ông trở thành người giúp việc, bảo vệ nhà cho con bất đắc dĩ. Con trai ông giỏi giang thành đạt, khi lấy vợ cũng là lúc sắm ngôi biệt thự ven hồ Tây. Ngôi nhà ấy rộng rãi với đầy đủ tiện nghi hiện đại. Vợ chồng con trai ông hay đi công tác, du lịch liên miên nên ngôi nhà chẳng ai trông coi. Vì không muốn thuê người giúp việc, người bảo vệ bởi không an tâm với người lạ nên anh con trai đã năn nỉ ông bố đến ở cùng mình. Thương con, dù đang ở quen ngôi nhà nhỏ trong ngõ ríu rít xóm giềng, ông đành khăn gói đến ở.
 
Thấy có bố, cô con dâu vội giao việc cho ông: sáng dậy sớm đi chợ, sau đó về dọn dẹp, lau chùi 3 tầng nhà với chục phòng ở, trưa nấu cơm, chiều dọn dẹp vườn tược cây cối, giặt giũ áo quần, tối thì kiểm tra tất cả cửa phòng, chưa kể tới việc ra vào mở cửa mỗi khi nhà có khách.
 
Ban đầu, con trai ông thấy vợ biến bố mình thành người giúp việc liền tỏ thái độ không bằng lòng. Nhưng rồi, cô con dâu nịnh nọt: “Em giao việc thế chẳng qua là muốn bố làm việc cho đỡ buồn lại khỏe người, việc cỏn con ý mà!” Nghe vậy, con trai ông buông xuôi mặc kệ bố với hàng núi việc không tên.

Trong mắt những đứa con, ông chỉ như người giúp việc
 
Thấy có bố trông nhà, con trai và con dâu ông đi công tác, du lịch hàng tuần, bỏ mặc ông một mình trong ngôi nhà trống trải. Vì một mình trông coi ngôi biệt thự với vô số đồ đạc đắt tiền, sợ kẻ trộm đột nhập, cứ đêm đến ông lại lo lắng, căng thẳng đến độ bị bệnh mất ngủ triền miên. Người ông mệt mỏi, gầy rộc…
 
Mẹ - thành người sai vặt
 
Cũng nuốt nước mắt vào trong giống ông Quang là bà Nguyễn Thị May (Lục Ngạn, Bắc Giang). Bà vốn là người phụ nữ làng quê hiền lành, chất phác. Dù đã tuổi lục tuần, sức khỏe có hạn nhưng vì thương con, xót cháu bà vẫn tạm chia tay quê nhà lên thành phố trông con giúp vợ chồng anh con cả.
 
Có bà, lại cậy thế phải kiêng cữ, Lê - con dâu bà không bao giờ mó tay vào việc gì kể cả việc chăm sóc bé. Tất tần tật, công việc nấu nướng, chợ búa, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, thay tã lót, tắm rửa, ẵm bế con, Lê đều đùn đẩy cho mẹ chồng. Cả ngày Lê chỉ biết mỗi việc cho con bú rồi đi…ngủ. Vậy mà, Lê luôn miệng kêu mệt mỏi, kể lể vất vả với tất cả những người cô quen. Buổi đêm, con quấy khóc, Lê cũng bắt chồng và mẹ trông bé vì cô “sợ thâm quầng mắt, ảnh hưởng tới nhan sắc”.
 
Không muốn mẹ chồng có thời gian rỗi, Lê nghĩ ra đủ việc không tên để “sai”: khi thì giặt cái chiếu, lúc lại phơi cái chăn. Đang ở quê, nhà cửa rộng rãi, thoáng mát nay lên thành phố ở được ba tháng mà bà May rộc cả người. Nhà ở thành phố chật chội, nóng nực, bức bí, ra chợ phải băng qua đường xe đông đúc. Bà Thoa bị cao huyết áp, chứng thấp khớp nên thường hoa mắt, thót tim, chân tay rã rời. Sợ cảnh đường phố, bà chỉ dám đi chợ rồi về nhà chôn chân trong bốn bức tường.
 
Người thành phố hình như bận rộn quá nên chẳng có thời gian trò chuyện. Nhiều lúc bà muốn sang hàng xóm giải khuây, chia sẻ nỗi nhớ quê đều gặp những cánh cửa sắt đóng im lìm. Nhiều lúc bà muốn về quê dưỡng bệnh nhưng rồi thấy vợ chồng con trai thuê người giúp việc lơ là việc chăm sóc cháu, quán xuyến nhà cửa lại tốn kém tiền nong, bà quyết định ở lại trông cháu giúp con.
 
Biết “thóp” mẹ chồng, thương con, xót cháu, Lê xử sự ngày càng quá quắt. Cô chẳng coi mẹ chồng ra gì. Trong mắt cô, bà Thoa chỉ là người… để sai vặt không hơn không kém. Nhiều lúc muốn tâm sự với con trai nhưng bà Thoa lại thôi. Bởi bà biết, con trai rất thương mẹ, nếu biết việc này vợ chồng lại cãi vã, căng thẳng, mâu thuẫn. Bà đành nuốt nước mắt…
Chia sẻ