Bí thư Tỉnh ủy - Cái được và… những hạt sạn
Bộ phim Bí thư Tỉnh ủy đang được chiếu trên sóng truyền hình Trung ương, dù chưa đến tập cuối nhưng đã được dư luận chú ý và có những ý kiến khen chê khác nhau.
Đối với một nước nông nghiệp truyền thống như Việt Nam, những câu chuyện về nông dân, nông nghiệp và nông thôn chưa bao giờ cũ. Trong văn học, mảng đề tài này đã có những thành tựu đáng kể, nhưng ở bộ môn nghệ thuật thứ bảy, nó lại chưa được quan tâm đúng mức. Đây là lần đầu tiên, chúng ta có một bộ phim dài trường thiên (50 tập) về các nhân vật mặc “chiếc áo nâu giản dị”.
Cho đến hôm nay, dù “thời chưa xa, người chưa cũ”, song chúng ta đã có một độ lùi thời gian cần thiết để bình tâm nhìn nhận lại mô hình hợp tác xã nông nghiệp “thời bao cấp”. Từ chỗ đứng của một công dân trong quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hôm nay, ngẫm về một thời cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc… quả cũng có nhiều điều nhiều thú vị.
Phim Bí thư Tỉnh ủy lấy bối cảnh miền Bắc đang trong thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa Xã hội - vừa sản xuất vừa chiến đấu, dồn sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Kim (do Dũng Nhi thủ vai) cơm nắm, xắn quần lội ruộng, đến chiến hào, trăn trở - gắn bó với đồng đất, đời sống người nông dân… đã phần nào gây được thiện cảm với đông đảo khán giả.
Một bức tranh toàn cảnh ở nông thôn Việt Nam ngày nào được phác họa: từ cung cách làm ăn kiểu hợp tác xã, con đường vùng trung du khấp khểnh ổ gà, không ít chiếc xe đạp “cà tàng” được vấn dây cao su, cảnh họp đội sản xuất phân công, bình điểm… không chỉ có ý nghĩa phản ánh hiện thực mà còn giúp cho thế hệ trẻ hôm nay có điều kiện hiểu sâu hơn về nông nghiệp, nông thôn trong một giai đoạn cách mạng gian khổ “tay cày, tay súng” nhưng đầy lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tác giả, đạo diễn cũng như dàn diễn viên là những người ít nhiều đã trải qua, “thấm thía”, có tâm huyết với vai diễn… nên tái hiện khá sinh động những năm tháng “không thể nào quên”. Có thể xem đấy là “cái được” của phim.
Tuy nhiên, già nửa số tập phim được trình chiếu cũng bộc lộ đây đó nhiều “hạt sạn” không đáng có - mà nếu đạo diễn và khâu biên tập sau đó tránh được, bộ phim còn mang sức nặng nghệ thuật hơn nữa.
Như đã nói, phim Bí thư Tỉnh ủy phản ánh một thời kỳ “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ”, - gian khổ, thiếu thốn từ cơm ăn đến áo mặc. Vải vóc giai đoạn này thiếu đến mức phu nhân của một ông Bí thư Tỉnh ủy phải tận dụng cả chiếc bao bì đựng đường là chi tiết khá điển hình, “đắt giá”… Vậy mà lạ thay, các nhân vật trong phim lại được đạo diễn cho vận y phục khá “đẹp”. Người xem gần như không thấy cái sự “khan hiếm” vải vóc qua trang phục của những “người đương thời”. Các nhân vật xuất hiện trên màn ảnh nhỏ từ những người chân lấm, tay bùn lội ruộng cày, bừa, cấy… tới “ai đó” chở phân, dù bên ngoài khoác chiếc áo tơi bằng lá cọ - đặc trưng vùng đất trung du - song quần áo vẫn sạch sẽ, gần như tươi mới, không một vết bùn, càng không có lấy một mảnh vá. Thậm chí, một bà già ăn xin bất đắc chí như bà Quê mà trang phục cũng chỉnh tề, “sạch sẽ”… là điều khó chấp nhận. Đành rằng, người nông dân thời kỳ hợp tác hóa bậc cao không phải là chị Dậu, anh Pha trong “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố), “Bước đường cùng” (Nguyễn Công Hoan), nhưng rõ ràng, trang phục trong phim đã không tương ứng, hay tự mâu thuẫn với bối cảnh lịch sử mà nó phản ánh.
Ngôn ngữ trong Bí Thư Tỉnh ủy là ngôn ngữ bình dân, gắn với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân vùng trung du Bắc Bộ. Nhiều tục ngữ, ca dao, lối nói ví von được sử dụng trong lời thoại khá phù hợp với không gian văn hóa của phim, song không phải không có chỗ ngôn ngữ bình dân bị lạm dụng đến quá đà. Người xem có thể chấp nhận lời “đối đáp” có phần “dung tục” giữa một người nông dân với ông đội trưởng đội sản xuất trong cuộc chấm điểm bình công nọ, nhưng khó “thông cảm” với từ “đếch” của một ông Bí thư Tỉnh ủy được sử dụng khắp nơi: từ cơ quan tỉnh ủy đến những nơi mà ông đi qua, rồi “đối thoại” với cán bộ cấp dưới, với dân. Cái từ này dường như chỉ có vị Bí thư Tỉnh ủy “quen miệng” nói, không tạo nên nét riêng của một vùng văn hóa, tính cách của nhân vật, gây cảm giác khó chịu cho người xem.
Chưa hết, câu nói: “Làm thế này thì đến phân cũng không có mà ăn!”, liệu có đúng với khẩu khí, trình độ văn hóa của một vị Bí thư Tỉnh ủy khi “lên tiếng” với nông dân? Giá như đạo diễn cho ông nói cái câu phổ biến ở làng quê: “Làm thế này thì đến cám cũng chẳng có mà ăn”, sẽ chân xác và “dễ nghe” biết mấy, đồng thời, không vô tình hạ thấp trình độ “văn hóa” của vị Bí thư Tỉnh ủy.
Trong phim, đạo diễn còn sử dụng nhiều chi tiết khá sinh động phản ánh về tình hình kinh tế - xã hội đương thời như cảnh chen lấn xếp hàng mua thịt lợn, việc ngăn sông cấm chợ, các cảnh tiêu cực trong xã hội… nhưng người xem không cần tinh ý lắm cũng biết đó là “ung nhọt” của thời quan liêu, bao cấp sau năm 1975 đến “đêm trước” thời Đổi mới, chứ không phải cảnh điển hình của thời kỳ bắt đầu xây dựng hợp tác xã nông nghiệp có quy mô lớn, trước năm 1970.
Một số chi tiết không chính xác được đưa vào phim cần được “biên tập” lại cho chuẩn xác hơn - như chuyện ông Bí thư nói về việc thi vào Đại học. Ai cũng biết, việc thi tuyển vào các trường Đại học trên Miền Bắc chỉ bắt đầu thực hiện từ năm 1970. Ở thời điểm bộ phim đề cập tới, công việc này chưa được triển khai… nhưng ông Bí thư Tỉnh ủy đã cho biết: cháu ông thi vào Đại học.
Nhiều bạn trẻ cũng thắc mắc: sao cái đồng hồ ông Bí thư đeo trên tay trông giống với cái đồng hồ “Seiko” mà… người thủ vai Quang Trung đã “đeo” trong một bộ phim về Tây Sơn đến thế? trong khi ở thời ông Kim, nó phải là loại “Ponjot” mới hợp lẽ.
Có thể nhiều người sẽ lên tiếng bảo chúng tôi là khó tính, “xuy mao cầu tỳ” (bới lông tìm vết), song quả thực, “hạt sạn” vẫn là “sạn”, dù ở trong bát cơm tám. Hy vọng, những thiếu sót kiểu này sẽ không tồn tại trong những bộ phim được phần đông dư luận kỳ vọng.