Bị sỏi mật vì ăn bẩn và hay cáu giận

,
Chia sẻ

Bác sĩ cảnh báo, những người ăn uống không hợp vệ sinh, sử dụng đồ ăn thức uống lạnh trong thời gian dài, dùng nhiều thực phẩm có chứa cholesterol, hay cáu giận... đều có nguy cơ mắc sỏi mật.

BS chuyên khoa II Trần Thị Minh Phương, Phó trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, sỏi mật gây ra các triệu chứng: đau bụng vùng hạ sườn phải từng cơn lan lên vai phải, sốt cao liên tục có rét run, vàng da, có thể có ngứa ngoài da. Bệnh có thể gây ra các biến chứng như: viêm túi mật cấp, viêm màng bụng do thấm mật, viêm đường mật, túi mật tích nước, rò mật, xơ gan ứ mật...

Tức giận nhiều cũng gây sỏi

Theo BS Phương, sỏi mật hình thành khi bị nhiễm khuẩn đường mật, ứ trệ dịch mật, ký sinh trùng (giun đũa chui lên đường mật), rối loạn chuyển hóa lipit và đặc biệt là khi nồng độ cholesterol cao trong mật không cân bằng với sự tiết axit mật. Những nguyên nhân này chủ yếu là do ăn nhiều thực phẩm có chứa cholesterol như mỡ, trứng... Vì vậy, người bị béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường, gan mãn tính, đường ruột... thường có nguy cơ sỏi mật cao hơn người bình thường.

Ngoài ra, ăn uống không hợp vệ sinh gây rối loạn chuyển hóa hoặc nhiễm ký sinh trùng, trứng giun ... cũng có thể tăng nguy cơ sỏi mật. Các biểu mô, niêm mạc trong quá trình viêm cùng với xác giun, vi khuẩn là sơ sở vật chất hình thành nhân sỏi. Lưu thông đường mật kém không thể đẩy hạt sỏi nhỏ ra ngoài, tạo điều kiện cho cholesterol, sắc tố mật lắng đọng thành sỏi to.

GS TS Dương Trọng Hiếu, nguyên trưởng khoa Tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền, cho rằng, ngoài chế độ ăn uống không hợp vệ sinh, nhiều cholesterol, thói quen ăn uống lạnh, sống trong môi trường lạnh, hay cáu giận... cũng làm tăng nguy cơ bị sỏi mật.

Theo Đông y, sỏi mật hình thành là do khi có uất ở can (nén giận, uất ức...), tỳ chuyển hóa thức ăn không tốt, gặp khí huyết lạnh ngưng kết thành sỏi. Vì vậy, để phòng và trị sỏi, phải ăn uống và sinh hoạt điều độ, sạch sẽ, tránh lo nghĩ, tức giận thái quá, không ăn thức ăn lạnh...

Ăn uống không hợp vệ sinh có thể tăng nguy cơ sỏi mật (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: K.Linh


Có thể điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa

Theo BS Phương, tùy từng căn nguyên gây bệnh, tình trạng của sỏi, có thể tiến hành điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa theo thành phần sỏi và mức độ trầm trọng của bệnh.

Có nhiều cách điều trị sỏi mật như: dùng thuốc, dùng sóng rung động, phẫu thuật, chế độ ăn... Nếu sỏi yên lặng, không triệu chứng thì không điều trị, chỉ điều trị khi sỏi có triệu chứng (riêng sỏi ống mật, phải điều trị bất kể có triệu chứng hay không).

Chỉ có thể điều trị nội khoa khi sỏi không lớn hơn 10 mm, thể tích tất cả sỏi trong túi mật không lớn hơn 1/3 thể tích túi. Với sỏi lớn hơn, có thể lấy ra bằng thủ thuật nội soi, tán sỏi hoặc dùng phương pháp RCP (chụp túi ống mật ngược dòng). Nếu đau dữ dội hoặc tái phát nhiều lần thì cần can thiệp ngoại khoa (cắt bỏ túi mật hoặc mổ ống mật để lấy sỏi).

Tránh tái phát và phòng ngừa sỏi mật

Sau khi điều trị hết sỏi mật, sỏi thường tái hình thành, trong khi chưa có cách ngăn chặn hiệu quả. Các nghiên cứu cho thấy, 30 - 50% bệnh nhân có tái phát sỏi sau điều trị trong vòng 5 năm.

Vì vậy, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng để phòng tránh và ngăn ngừa sỏi  tái phát rất quan trọng. Các chuyên gia y tế khuyên:

- Tránh để tăng cân
- Giảm chế độ ăn nhiều cholesterol
- Chia ra nhiều bữa ăn nhỏ, ăn nhiều lần trong ngày
- Ăn nhiều rau quả, chế độ ăn nhiều chất xơ
- Có lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, tránh cáu giận và không để cơ thể nhiễm lạnh

 
Theo Đất Việt
Chia sẻ