Bí quyết giữ nhân tài của các công ty lớn ở Silicon Valley: Cho nhân viên đi làm như đi du lịch!
Đứng ở khía cạnh của những người nhận được đãi ngộ, việc này cũng mang lại không ít hệ lụy.
Phàm là dân văn phòng, ai cũng muốn cống hiến công sức và năng lực của bản thân cho công việc để có thể thăng tiến trong sự nghiệp và chăm chỉ là một trong những yếu tố tiên quyết. Theo lẽ thường là vậy, nhưng đâu đó vẫn tồn tại một số nhân viên đi làm như đi du lịch, đến văn phòng ngồi chơi và rồi nhận được một khoản tiền kha khá vào ngày cuối tháng.
Chuyện nghe có vẻ khó tin tuy nhiên lại có thật, ở thung lũng Silicon, có nhiều kỹ sư công nghệ được trả lương cao mà không phải làm việc nhiều, họ chỉ ngồi chơi và chờ đến lúc nhận lợi tức khủng từ lượng cổ phiếu mình nắm giữ. Do đó, trong khoảng thời gian mà người khác phải cật lực làm việc; họ sẽ đến dự các buổi hội thảo, tạo thêm nhiều mối quan hệ với những chuyên gia trong ngành, gặp mặt bạn bè hoặc lập kế hoạch cho những dự án tiếp theo; cuộc sống chẳng mảy may áp lực.
Trả lương cao để "ngăn chặn cạnh tranh"
Các ông lớn trong ngành công nghệ sẽ tích cực tìm kiếm, săn lùng chuyên gia ở những ngành đang lên như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, khoa học người máy... Manny Medina, CEO của công ty Outreach cho biết Microsoft là công ty sử dụng biện pháp này hết sức hiệu quả. Công ty công nghệ lớn nhất hành tinh trả lương cho các chuyên gia trong khi vẫn để họ giữ công việc giảng dạy hay nghiên cứu tại một trường đại học nào đó.
Medina cho biết, đừng nhìn vào những chi phí trước mắt mà Microsoft phải bỏ ra để vội đánh giá. Đối với những cá nhân xuất sắc, đây đích thị là những đánh đổi xứng đáng, bởi nếu không có biện pháp níu giữ những nhân tài này, chắc chắn họ sẽ bị đối thủ cạnh tranh cướp mất. Việc níu giữ nhân tài là một công tác vô cùng quan trọng đồng thời cũng là một biện pháp phòng ngừa vô cùng hiệu quả.
Những người còn trẻ nhưng có mức lương khủng
Khác với việc Microsoft săn lùng cũng như tạo điều kiện cho những nhân tài của mình có thời gian làm những công việc họ mong muốn, Facebook tạo ra một chương trình tiền thưởng gọi là Discretion Equity (DE). Cụ thể, công ty sẽ thưởng cho các kỹ sư một khoản cổ phiếu lớn vì đã làm tốt một việc gì đó. Việc này cũng giữ cho người đó khỏi chuyển sang công ty khác vì cổ phiếu sẽ cho lợi tức theo thời gian.
Đây thật sự là chính sách vượt trội để níu chân nhân tài của Facebook, bởi thử tưởng tượng, những người rất trẻ nhưng đã có thể nắm trong tay khoản lợi tức triệu đô hàng năm, họ còn muốn đi đâu và làm gì nữa kia chứ!
Những kỹ sư 10x
Bên cạnh chính sách chia lợi tức, Facebook còn sở hữu một lực lượng hùng mạnh những cá nhân nằm trong đội ngũ được mang tên "kỹ sư 10x". Nguyên nhân có thuật ngữ này chẳng phải bởi đội ngũ "kỹ sư 10x" tập trung những con người sinh năm 2000, mà là để mô tả một người làm việc hiệu quả bằng 10 kỹ sư thông thường. Và tất nhiên, những thành viên trong đội ngũ này cũng có cơ hội được làm "việc nhẹ" nhưng với mức "lương cao".
Đa phần những người này vô cùng thông minh, hoặc nếu không thông minh, họ sẽ nắm vững mọi chi tiết trong một hệ thống quan trọng. Do đó, trong 1 tiếng họ có thể làm xong việc mà những người khác cần đến 10 tiếng để làm. Một cựu nhân viên Facebook chia sẻ: "Ở Facebook có một anh chàng khá nhàn nhã, nhưng khi trục trặc xảy ra, anh ta có thể tìm ra những thứ mà người khác không thể tìm được."
Những công thần của Google
Nếu như ở Microsoft, các tài năng được trả lương khủng và phúc lợi vượt trội thì tại Google, những "công thần" có cuộc sống tương đối nhàn nhã. Không cần phải là kỹ sư 10x với bộ óc siêu việt, họ gắn bó rất lâu với công ty và đạt đến những vị trí kỹ sư top đầu, và không cần phải làm việc nhiều để đảm bảo vị trí của mình.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến nhân viên Google "làm ít hơn chơi" đó là bởi công ty công nghệ này sở hữu văn phòng đẹp nhất nhì thế giới khiến cho nhân viên đến làm nhưng dành nhiều giờ chủ yếu để thư giãn và vui chơi.
Cuộc sống nhàn hạ nhưng dễ dẫn đến ngõ cụt
Vừa nghe qua, chắc hẳn không ít người cảm thấy đây là cuộc sống trong mơ mà bản thân mình hằng mong muốn. Tuy nhiên, sự việc nào cũng có hai mặt đối nghịch, cuộc sống nhàn tản này cũng là một yếu tố giết chết sự nghiệp của bạn.
Medina, CEO của Outreach, cũng đồng tình khi cho rằng nếu kéo dài tình trạng này quá lâu có thể nguy hiểm cho sự nghiệp của bạn. "Những kỹ sư này được trả lương rất cao, nhưng không có một công ty nào khác đồng ý nhận họ", ông cho biết. "Cuối cùng, có thể họ sẽ thấy mệt mỏi và muốn đi tìm một công việc thực sự".