Bị mẹ chồng quỵt nợ
Đến hạn trả nợ, Liên muốn xin lại 20 triệu đồng mà mẹ chồng “mượn tạm” của chị, vì bà hứa sẽ trả ngay khi chị cần, nhưng bà ráo hoảnh: “Con bảo biếu mẹ số tiền đó cơ mà?”.
Những ngày gần đây, cứ nói đến mẹ chồng là chị Liên (28 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) thấy ức chế, chung quy cũng chỉ vì chuyện bà vay tiền mà không muốn trả.
“Mẹ có vay đâu!”
Cách đây hai tháng, mẹ chồng chị Liên hỏi vay con dâu 20 triệu đồng mà chị đang có để đóng cổ phần cho một công ty. Liên cho biết số tiền này chị đang góp nhằm trả cho một đồng nghiệp mà chị vay để mua đất vào năm ngoái, ngày hẹn cũng gần đến. Mẹ chồng liền cam kết là chỉ mượn tạm, sẽ hoàn lại kịp cho Liên trả nợ. Thấy khó từ chối, chị đành đồng ý, hy vọng mẹ chồng giữ lời.
Mấy hôm trước, Liên nói với mẹ xin lại tiền, nhưng bà làm ngơ không nói gì. Ngại quá, chị bảo chồng “xin” giúp. Nghe con trai hỏi, bà ra vẻ ớ người vì ngạc nhiên: “Sao hai đứa bảo biếu mẹ khoản đó?”.
Khi nàng dâu trình bày lại cuộc nói chuyện trước kia, bà liền khóc lóc, làm ầm lên rằng bà vì ngây thơ mà bị con cái làm cho bẽ bàng: “Tôi chưa từng hỏi vay chị bao giờ, chỉ nói là cần chút vốn đầu tư để sau này có tiền dưỡng già không phải xin con cháu, chị giúp được thì giúp. Chị bảo có 20 triệu, chưa đến hạn trả nợ nên đưa tôi, bây giờ đổi ý đòi lại thì thân già này biết giết ai ra?”. Liên uất ức nhưng không thể cãi nhau đến cùng với mẹ chồng nên đành im lặng.
Ngay cả với người nhà cũng nên rõ ràng chuyện tiền nong |
Chuyên gia tâm lý Hà Vân, tổng đài tư vấn 1900585877, cũng kể lại một trường hợp bị mẹ chồng “xù nợ” cần bà tư vấn: Người phụ nữ này mới biết mình bị buồng trứng đa nang, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém. Một lần, khi chị gom đủ tiền cho đợt kích thích buồng trứng sắp tới thì mẹ chồng thấy, lập tức hỏi vay, hứa 10 ngày sẽ trả.
Rõ ràng tiền có trong tay, không đồng ý cũng khó ăn khó nói trong khi lý do bà viện ra khá quan trọng, chị đành đưa cho mẹ chồng. Nhưng 10 ngày, rồi hai tuần, ba tuần trôi qua, đến ngày đi gặp bác sĩ mà mẹ vẫn không nhắc gì đến, chị đánh bạo hỏi thì bà nói gọn lỏn: “Mẹ không có tiền”, một thời gian dài sau đó cũng không giải thích, hứa hẹn gì thêm.
“Đưa mẹ giữ hộ cho”
Nhiều nàng dâu có tài sản bị “kẹt” ở chỗ mẹ chồng nhưng không phải bị vay mà là “được” giữ hộ, khi họ mới chân ướt chân ráo từ xe hoa bước xuống, như trường hợp của Nguyệt Minh, 24 tuổi, sống ở thành phố Hải Dương.
Cưới xong, sau khi thanh toán hết các khoản, vợ chồng cô còn dư 20 triệu đồng và hơn hai cây vàng do bố mẹ hai bên, các anh chị em, cô dì chú bác tặng. Vừa “tổng kết” với nhau xong, đang định cất đi thì mẹ chồng, không biết chờ sẵn ở cửa từ lúc nào, bước vào bảo: “Chúng mày còn trẻ vô tâm, không làm mất thì cũng tiêu phí hết, để mẹ cất vào két cho, khi nào có việc cần mẹ đưa”.
Tuy không hề muốn nhưng là dâu mới, sợ tính ghê gớm của mẹ chồng, lại bị bất ngờ nên Minh không dám từ chối.
Một năm sau, Minh muốn đổi chiếc xe Wave cũ thành xe tay ga nên bàn với chồng lấy lại số tiền, vàng gửi mẹ, nhưng bà bảo vì có việc nên tiêu hết mất rồi, khi nào có sẽ trả. Minh đành chịu, nhưng cô thấy khó mà ngậm bồ hòn bởi sau đó mẹ chồng vẫn mua dây chuyền, máy massage giá hàng chục triệu đồng…
Còn Mai Lan, 25 tuổi, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, luôn trách mình dại vì tự gây khó khăn cho mình. Khi chưa cưới, cô đã biết mẹ chồng là “sếp trưởng” trong nhà, luôn muốn cai quản mọi thành viên “cả phần xác lẫn phần hồn”.
Chồng cô từ khi đi làm đến nay tháng nào cũng phải nộp hết tiền cho mẹ, mẹ phát lại cho bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu. Chuẩn bị lấy nhau, anh bàn với Mai Lan là cưới xong, vợ chồng sẽ tự quản lý tiền. Và để mẹ đỡ “hụt hẫng”, họ thống nhất sẽ nhờ bà giữ tiền vàng có được sau đám cưới.
Nhìn nét mặt hài lòng của mẹ chồng khi cô chủ động đưa tài sản nhờ bà giữ, Mai Lan rất vui. Nhưng cách đây ít lâu, em trai cô bị tai nạn, bố mẹ không đủ tiền điều trị nên Lan định cho vay số vốn nhỏ đó của mình để giúp em, và chồng cô đồng ý ngay.
Thế nhưng khi nói với mẹ chồng, bà dứt khoát không đưa, bảo đàn bà phải thu vén cho gia đình chồng chứ không có trách nhiệm gì với nhà đẻ nữa, rằng Lan mới về nhà chồng đã đòi lấy tài sản chung cho nhà ngoại thì sau này còn tự tung tự tác thế nào. Vừa tức vừa lo lắng cho em, Mai Lan càng giận mẹ chồng khi nghe được bà dặn con trai: “May mà số tiền đó mẹ giữ. Từ giờ con phải để ý nó, có tiền cứ đưa mẹ cất hộ cho thì mới không mất”.
Mất lòng trước, được lòng sau
Theo chuyên gia Hà Vân, việc đưa tiền, vàng cho mẹ chồng giữ khi chưa biết rõ về bà là dại dột. Khi nàng dâu cần đến và mẹ chồng không trả hoặc không trả được, bỏ qua thì ấm ức, mà đòi thì có chuyện. Tác hại không chỉ là thiệt thòi vật chất mà còn là sự ức chế tinh thần, mâu thuẫn trong gia đình, sứt mẻ tình cảm, có thể sẽ kéo dài. Vì thế, trừ khi hiểu rõ mẹ chồng và tin tưởng tuyệt đối, còn thì không nên nhờ bà giữ hộ tiền, nhất là nếu chỉ để lấy lòng bà.
“Là người trưởng thành, nàng dâu đâu phải không giữ được số tài sản đó, vì vậy việc gửi mẹ là không cần thiết, hại nhiều hơn lợi, thậm chí còn gây ấn tượng phụ thuộc, kém tự lập, khiến bạn càng khó có tiếng nói trong nhà”, chuyên gia Hà Vân nói. Ngay cả khi mẹ chồng đề nghị giữ hộ, bạn cũng nên mềm mỏng nhưng thẳng thắn nói rằng mình tự giữ được, bà sẽ không thể ép. Nếu bà giận dữ ra mặt thì cơn giận lúc đó cũng không tệ bằng những rắc rối, phức tạp sau này.