Bị mẹ chồng ghét cay ghét đắng vì là “gái hôm rằm”
Chưa bao giờ chị thấy ấm ức như khi bước chân vào nhà chồng. Chị tự hỏi đây là thời đại nào rồi mà mẹ chồng lại đối xử với chị như vậy?
Khác với nhiều “gái hôm rằm” khác, chị Nguyệt (Nguyễn Khuyến, Hà Nội) chẳng bao giờ bị bạn bè trêu chọc vì điều này. Đơn giản vì tính chị rất hiền lành, hòa nhã, cư xử phải phép với mọi người xung quanh.
Chị Nguyệt sinh ra và lớn lên trong một gia đình hạnh phúc. Nhiều người ví chị là người số sướng, mưa chẳng tới đầu, nắng không chạm mặt. Tuy được chiều chuộng từ nhỏ nhưng chị rất khéo léo, chỉn chu, là người phụ nữ của gia đình. Chị biết làm nhiều món ăn ngon, đặc biệt trong những dịp lễ tết, trung thu, một tay chị vào bếp làm bánh trái, đồ ăn cho cả nhà. Vì thế, bố mẹ lúc nào cũng tự hào về chị.
Tình yêu đến nhẹ nhàng cũng như chính tính cách của chị. Anh Thành giống chị, anh sinh ra trong một gia đình có điều kiện, từ nhỏ anh cũng được chiều chuộng. Song anh học giỏi, cũng là người đơn giản, hiền lành, yêu chị tha thiết. Sau khi yêu 3 năm, cả hai đã ra trường và có công ăn việc làm ổn định, anh chị quyết định tiến tới hôn nhân.
Chưa bao giờ chị thấy ấm ức như khi bước chân vào nhà chồng (Ảnh minh họa).
Cuộc sống của chị Nguyệt cứ trôi một cách êm đềm như vậy cho tới ngày chị bước chân về nhà chồng.
Thời gian đầu, mẹ chồng rất quý chị, cưng chị như trứng. Cũng dễ hiểu bởi chị hiền lành, lễ phép lại khéo léo, làm gì cũng đúng ý mẹ chồng. Bà luôn miệng khen “thằng Thành khôn, chọn đúng người”. Nhiều khi chị về nhà kể với mẹ đẻ, mẹ chị mãn nguyện lắm.
Thế nhưng mọi thứ tan tành thành mây khói khi mẹ chồng cầm trên tay tờ giấy chứng nhận kết hôn của hai con. Bà thay đổi hoàn toàn cách đối xử với chị khi biết con dâu mình là “gái hôm rằm”. Đầu tiên, bà tỏ thái độ thờ ơ, khó chịu: “Ơ, thế hóa ra cô là gái hôm rằm à? Sao cô giấu kỹ thế? Nhà tôi chẳng ai biết cả?”. Bà nói bóng nói gió cứ như chị giấu nhẹm việc làm xấu xa nào đó mà mình gây nên vậy.
Rồi chiều ngay hôm đó, chồng chị về, mẹ chồng chạy xăm xăm ra mách: “Sao con không tìm hiểu kỹ, sao lấy cái loại gái khó bảo này về làm dâu mẹ? Con không biết là những người này thường khôn lỏi, quái dị không? Rồi nó sẽ có ngày ngồi lên đầu lên cổ con cho coi”.
Tìm hiểu ra đầu cua tai nheo, anh mới nhún vai cười bảo mẹ: “Ơ, mẹ ơi, ngày mùng 1 hay 15 đều là những ngày tốt, mẹ không biết đấy, đó được coi là ngày khởi đầu (mùng 1), ngày trong lành của nửa chu kỳ tháng (ngày 15). Khó bảo, quái dị phụ thuộc gì vào ngày sinh mẹ ơi”.
Mặc kệ lời con trai nói, mẹ anh vẫn ra rả đưa ra dẫn chứng con dâu nhà bà Hai đầu ngõ từ khi về làm dâu đã khiến cả gia đình thất điên bát đảo. Rồi con dâu bác cả cũng gái hôm rằm suốt ngày chỉ "cưỡi đầu chồng"... Và bà nằng nặc khẳng định chị Nguyệt cũng thuộc hàng “rách giời rơi xuống”.
Cả nhà ngồi im thin thít, mình chị hiểu bà nói ám chỉ điều gì. Nghĩ chán chê, chị lại lục đục đi chợ nấu cơm. Chị nhỏ nhẹ, ngọt ngào, gặng hỏi ý kiến mẹ nhưng chị thấy cứ khi nào chị muốn xích lại gần thì mẹ càng đẩy chị xa hơn.
Rồi sau vài tháng, chị có tin vui. Anh chị đều vui mừng nhưng mẹ chồng chị lại chẳng tỏ thái độ gì, thậm chí bà còn bảo: “Đẻ cẩn thận lại trai mùng một, gái hôm rằm thì xong”.
Cứ thế, mọi việc chị làm, chẳng việc gì được lòng mẹ chồng. Chị quyết định “nếu đã cố mà không được thì tránh đi cho xong”. Ngày ngày chị ở lại cơ quan tới khi chồng về chị mới về, chị ăn cơm nhanh chóng, thu dọn xong rồi lên luôn phòng, cuối tuần thì anh chị về nhà ngoại chơi.
Thấy thái độ đó, mẹ chồng chị nhiếc mắng cả chị lẫn anh. Bà bảo chị là phường mất dạy, bảo anh là thằng chồng hèn, không biết dạy vợ.
Chị biết dù anh cũng thông cảm với chị nhưng anh cũng buồn, không hài lòng, anh bất ngờ vì mối quan hệ mẹ chồng con dâu trong gia đình quá căng thẳng.
Nhưng chị thực sự chẳng biết làm gì, chị đã cố nhưng bà không chấp nhận. Giọt nước tràn ly khi một ngày chị nhận được tin anh đang nằm trong viện bó bột vì ngã xe. Xót xa cho anh bao nhiêu thì chị căm ghét mẹ chồng bấy nhiêu, bà đổ hết lỗi ngã xe của anh cho chị. Bà bảo: “Tất cả là tại mày, đồ gái hôm rằm. Đây là chiến tích đầu, rồi nếu mày không rời bỏ nó, nó sẽ mất mạng như chơi”.
Từ ngày đó, cuộc sống của chị như địa ngục. Bụng mang dạ chửa, chị hì hục mang đồ vào thăm chồng nhưng bị mẹ chồng đuổi ra. Bà cứ thấy chị là chì chiết, bảo chị là thủ phạm hại chồng.
Ở nhà chồng không xong, sợ bố mẹ đẻ buồn, chị không dám về nhà mà tá túc nhờ nhà của một người bạn. Chưa biết đầu đuôi thế nào nhưng một ngày không thấy chị về, bà gọi điện cho chị, cho cả chồng chị bảo chị là đồ đàn bà mất nết khi “chồng vừa gặp nạn đã đi tìm bồ”.
Chị rất yêu anh nhưng dường như mọi chuyện trở nên quá phức tạp, ngoài tầm kiểm soát của chị. Chị chẳng hiểu phải làm thế nào mới vừa lòng được mẹ chồng nữa.
Chị im lặng trước lời dọa nạt, nhiếc móc của mẹ chồng. Chị chờ ngày chồng bình phục sẽ cùng anh tìm ra cách giải quyết. Với chị lúc này cách duy nhất có thể cứu vãn cuộc hôn nhân của anh chị chỉ có nước dọn ra ở riêng.
Nàng dâu kém nhan sắc thể nào cũng bị mẹ chồng chê bai, "dìm giá", nhưng có những cô chỉ vì đẹp mà bị mẹ chồng ghét đắng ghét cay, nhất là khi bà xấu xí.