Cố nhịn mẹ chồng ác khẩu mà chẳng xong!

Hồng Lam,
Chia sẻ

Dù rất thương chồng, chị đã có nhẫn nhịn nhưng dường như càng nhẫn nhịn thì bà mẹ chồng ác khẩu càng tỏ ra không biết điều...

Sống với mẹ chồng luôn là địa ngục với chị Nguyệt. Tất cả những gì chị làm đều bị bà chê bai, mắng mỏ, xỉa xói. Bà chê chị từ việc nấu cơm, rửa bát tới chăm con: “Cô chẳng làm được trò trống gì nên hồn cả”. 
 
Ngay từ hồi mới bước chân về nhà chồng, chị đã sống dở chết dở với tính khí, cách ăn nói của mẹ chồng ác khẩu. Bà Ngân - mẹ chồng chị chẳng ưa chị đơn giản vì chị là gái quê một cục. Nhưng vì ngăn chẳng được tình yêu của con trai, bà đành ngậm ngùi chấp nhận theo ý muốn của con mình.
 
Biết thân biết phận không được mẹ chồng ưu ái nên ngay từ đầu, chị đã xác định rõ mình phải cố gắng lấy lòng mẹ chồng. Chị cứ mang niềm tin mong manh “mình tốt thì ắt mẹ sẽ cảm động”. Nưng cảm động đâu chưa thấy, chị chỉ thấy càng ngày bất lực trước mẹ chồng khó tính.
 
Chị kể, khi chị rửa bát, bà thường xuyên đứng cạnh và phàn nàn những câu kiểu như: “Sao cô rửa bẩn thế? Bát phải tráng qua nước sạch rồi mới được dùng nước rửa chén chứ?”, “Rửa bát gì như ăn cắp, rửa thế sao mà sạch được?”.
 
Cố nhịn mẹ chồng ác khẩu mà chẳng xong! 1
Dù rất thương chồng, chị đã cố nhẫn nhịn nhưng dường như càng nhẫn nhịn thì mẹ chồng càng tỏ ra không biết điều... (Ảnh minh họa).
 
Tới khi chị nấu cơm, bà cũng đứng cạnh giáo huấn: “Kho thịt có ai làm như cô đâu cơ chứ. Kho thịt mà cho cả đường vào thế à? Ai mà nuốt nổi, đúng là gái quê mà, làm ăn bừa phứa”.
 
Ban đầu, nghe những lời phàn nàn của mẹ, chị bất bình lắm. Nhưng anh Thành - chồng chị cũng an ủi và ngọt nhẹ bảo “Tính mẹ thế thôi, ác khẩu nhưng tốt tính” nên chị cố bỏ qua. 

Những lời nói, hành động của bà với chị lâu dần thành quen. Chị cố coi như mình bị điếc, một điều nhịn là chín điều lành, không nên chỉ vì một chuyện cỏn con mà suốt ngày cãi vã với mẹ chồng, mất đi hòa khí chung.
 
Nhưng càng ngày, những mâu thuẫn vụn vặt trong gia đình, cụ thể là mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu càng khiến chị ngột thở, có lúc sợ hãi. 
 
Đặc biệt, sau khi cưới 5 tháng chưa thấy con dâu có “động tĩnh” gì, bà bóng gió với chị rằng: “Ăn chơi cho lắm vào để rồi mà ‘tịt’ nhé!”. Thế mà sau khi chị có bầu, bà cũng chẳng vui mừng hơn. Thấy con trai sốt sắng chăm sóc vợ, bà còn chua ngoa bảo: “Đừng mừng sớm làm gì, đầy đứa đẻ ra còn chết luôn ấy”. 
 
Dù giận lắm, sợ lắm nhưng chị cố gắng ngậm đắng nuốt cay để gia đình yên chuyện. Chị tâm sự: “Mình chỉ mong con khỏe, gia đình hạnh phúc. Mình sống với chồng cơ mà, mẹ chồng ác khẩu thì mình cũng có sống cùng cả đời đâu”.
 
Rồi Tũn ra đời, chị hạnh phúc vô cùng khi thấy mẹ chồng vui mừng, cười đùa nhiều hơn. Chị cứ tưởng Tũn sẽ là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình, ấy vậy mà chuyện vẫn chẳng đâu ra đâu...
 
Cứ khi nào con ho hắng, sổ mũi, bà lại lu loa lên bảo: “Tại cô yếu, đẻ dốt nên nó mới thành ra thế này đấy. Người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, suốt ngày phải tới bệnh viện”.
 
Căng thẳng vô cùng nhưng nhìn chồng buồn chán, chị cũng cố giấu nước mắt vào trong. Rồi thời gian cứ thế trôi qua nhưng chị thấy ở cạnh chồng, cạnh con thì thời gian qua nhanh nhưng đứng với mẹ chồng thì thời gian như dừng lại. 
 
Một hôm chị đưa Tũn đi học, sắp muộn đến nơi mà bà nội chạy ra nằng nặc bắt chị đưa bé quay vào nhà để thay lại quần áo. Bà bảo Tũn mặc áo màu đỏ, quần màu xanh không hợp mệnh của bé mà mặc thế chẳng khác gì đứa nhà quê. Nhưng vì đã quá trễ, chị còn vướng một cuộc họp khẩn ở công ty trong vòng 30 phút nữa nên chị "lờ tịt" mẹ chồng, hai mẹ con cứ đi. 
 
Cố nhịn mẹ chồng ác khẩu mà chẳng xong! 2
Chị khẳng định nếu thời gian có quay trở lại, chị vẫn làm như vậy. Chị không thể để bố mẹ bị xúc phạm thêm lần nào nữa (Ảnh minh họa).
 
Bận rộn, chị bị cuốn cả ngày vào công việc và quên luôn sự vụ buổi sáng. Chiều đón con về, vừa bước vào nhà, bà đã la mắng um sùm. Bà gọi cả chồng và gia đình nhà chồng cô dì chú bác đến để nghe bà nói. Giọng bà oang oang: “Cô là ngữ con dâu hỗn hào, khinh thường chồng, mẹ chồng và cả nhà chồng”. 
 
Chị Nguyệt tâm sự, đó chỉ là những va chạm cực kỳ bình thường trong gia đình. Biết mẹ chồng ác khẩu, trái tính, chị luôn cố gắng kiềm chế để xung đột không nổ ra. Chị không sợ bà nhưng chị thương chồng, chị sợ khi hai mẹ con họ cãi nhau, anh sẽ kẹt ở giữa mà cảnh đứng giữa hai làn đạn có sung sướng bao giờ đâu. Bênh mẹ không ổn, bênh vợ không xong, chắc chắn anh sẽ khổ tâm lắm.
 
Thế nhưng, cuối cùng cũng đến ngày chị phải cãi lại bà và khiến gia đình rối ren như cái chợ. Chuyện thực ra chẳng có gì, thế mà dưới sự suy luận của bà, chị và gia đình chị trở thành những kẻ bất nhân, vô tâm, vô tính.
 
Hôm đó, chị gọi điện cho cô em gái và được tin mẹ đẻ đang đau dạ dày. Biết con gái cũng bận rộn lại không hòa thuận với mẹ chồng nên bố mẹ chị muốn giấu để chị đỡ lo lắng cho gia đình. Em gái chị không biết nên "bô bô" kể với chị. Thương bố mẹ, chị xin nghỉ buổi chiều về quê thăm mẹ.
 
Chiều, thấy con dâu tay xách nách mang túi trứng gà về nhà, bà hỏi, chị thật thà kể mẹ chị bị ốm, chị tranh thủ về quê thăm. Ông bà ngoại lại gửi lên cho Tũn rất nhiều trứng gà, ông bà bảo, trứng gà nhà nuôi, ông bà nhặt từng quả cất đi để dành cho cháu yêu.
 
Chị đang nói thì bà giật đùng đùng, giật ngay túi trứng ném ra giữa nhà khiến trứng vỡ tan tành trước ánh mắt đầy bất ngờ của chị.
 
Bà mắng chửi chị là kẻ bất nhân, thất đức: “Mẹ chồng đau ốm nằm chờ chết ở nhà thì không ngó ngàng tới trong khi bố mẹ đẻ hắt xì hơi cũng phải vội về ngay. Chị là đồ mất dạy, bố mẹ chị cũng thế không biết bảo con, không biết dạy con thương yêu mẹ chồng. Cả nhà bất nhân, bất nghĩa”.
 
Với chị, bà mắng chị bao nhiêu chị cũng cố gắng nhẫn nhịn, chịu đựng. Thế nhưng, đừng có động vào bố mẹ đẻ chị. Chị thương ông bà lắm, ông bà vất vả nuôi nấng chị, chị chưa báo hiếu được ngày nào thế mà lại để ông bà bỗng dưng bị chì chiết một cách vô cớ thế này. 

Quá bực mình, chị cãi lại mẹ chồng. Có lẽ từ khi về nhà chồng cho đến bây giờ, chưa lúc nào chị cãi kịch liệt đến thế. Ngay cả khi được chồng can, chị cũng không thể tiếp tục nín nhịn.
 
Chị khóc rưng rức vì thương chồng, nhưng chị khẳng định nếu thời gian có quay trở lại, chị vẫn làm như vậy. Chị không thể để bố mẹ bị xúc phạm thêm lần nào nữa.



Cứ tưởng lấy được người chồng hiền lành, yêu thương hết mực là đủ, nhưng khi bước chân vào nhà chồng, Thương nhiều lần phải nức nở lại khóc thét vì mẹ chồng quái tính
Cố nhịn mẹ chồng ác khẩu mà chẳng xong! 3
Chia sẻ