Bị mất thị lực sau tai nạn, chàng trai bỏ dở việc học Y Đa khoa: "Muốn ôm cậu 1 cái"
Thế Anh đã từng tuyệt vọng đến mức không dám dùng từ “khiếm thị” hay nhắc đến chữ “mù”...
Đã bao giờ bạn tự hỏi mình sẽ sống thế nào khi đang bình thường thì bỗng dưng không còn nhìn thấy bất cứ điều gì, không còn ngửi thấy bất cứ mùi gì nữa chưa? Có lẽ vài từ như “khó khăn” hay “tuyệt vọng” không đủ để mô tả cảm giác này và càng không ai mong muốn có trải nghiệm này.
Nhưng đó không may lại là câu chuyện của Nguyễn Thế Anh (sinh năm 2002), đang sống ở xã Yên Lãng (ngoại thành Hà Nội). Thời gian gần đây, những chia sẻ của Thế Anh về cuộc sống sau khi mất đi ánh sáng đã viral trên mạng xã hội, nhận về nhiều sự chú ý từ cư dân mạng.
Chia sẻ của Thế Anh (Nguồn: @theanhtichcuc)
Mất thị giác, gác lại ước mơ thành bác sĩ
Thế Anh sinh ra trong một gia đình có 2 anh em, bố mẹ làm công việc lao động chân tay bình thường. Cậu bạn cũng là một chàng trai như bao người trẻ khác với niềm yêu thích công nghệ, thích chơi game, thích trò chuyện, kết nối bạn bè.
Ước mơ từ bé của Thế Anh là trở thành bác sĩ. Năm 2020, Thế Anh trúng tuyển ngành Y Đa khoa Đại học Y dược Thái Bình với tổng điểm 27,25. Ai cũng nghĩ rằng tương lai rộng mở đang chờ đợi chàng trai trẻ. Nhưng chỉ 2 năm sau - mùa hè 2022, biến cố ập đến: Thế Anh bị tai nạn.


Thế Anh trước đây

Và anh chàng hiện tại
Vụ tai nạn khiến thần kinh thị giác của chàng trai bị tổn thương hoàn toàn nên không thể thay giác mạc được nữa dù đã đi khám rất nhiều bệnh viện. Lúc tỉnh dậy, xung quanh Thế Anh chỉ là một màu đen: “Mọi thứ dường như sụp đổ, không chỉ là ánh sáng ngoài đời mà còn là trong lòng mình. Mình từng nghĩ rằng sẽ không thể làm được gì nữa nhưng mình đã chọn sống tiếp…”.
Những ngày đầu tiên sau tai nạn là quãng thời gian bế tắc nhất với Thế Anh, ngay cả việc đơn giản nhất như đi lại, tự pha một cốc nước hay dùng điện thoại đều trở thành thử thách. Chàng trai hay va vào tường, vào cửa vì vẫn quen cách đi đứng tự nhiên mà không kiểm tra kỹ. Thế Anh cũng luôn muốn làm gì đó để đỡ chán nhưng hầu như không làm được gì mà phải học lại mọi thứ từ đầu.
Cũng trong những ngày đó, Thế Anh hay rơi vào cảm giác mệt mỏi, sợ hãi không biết mình sẽ sống ra sao: “Mình sẽ phải sống trong bóng tối mãi mãi ư? Mình không dám nghĩ đến từ ‘khiếm thị’, ‘mù’ vì lòng mình quặn lại, cảm giác sợ hãi và tự ti”.

Thế Anh ở bệnh viện sau vụ tai nạn

Những ngày đầu rất khó khăn với chàng trai trẻ
Nhưng giữa thời gian mù mịt nhất, có một điểm tựa đã dìu Thế Anh vượt qua. Đó là gia đình.
“Có bao giờ mình thấy buồn không? Có chứ. Nhất là những lúc ngồi một mình nghe lại những bài hát cũ từng nghe, nhớ về những kỷ niệm trước kia đã từng làm. Nhưng mình nghĩ lại bên cạnh mình vẫn còn bố mẹ và mọi người xung quanh, người thân. Và đặc biệt là chính bản thân mình. Nên mình chọn bước tiếp, không chịu gục ngã trước số phận. Mình tin rằng mọi thứ có thể thay đổi” - Thế Anh tâm sự.
“Mình hiểu cảm giác bị rơi xuống vực sâu tuyệt vọng, tin mình, bạn sẽ leo lên được thôi”
Chính động lực đó đã giúp Thế Anh dần làm quen với cuộc sống của mình, tự học lại cách rửa bát, lau dọn, phơi quần áo,... Cũng từ lúc này, cậu bạn học được cách sống chậm lại, “quan sát” bằng tai, bằng cảm giác. Những âm thanh từng bị bỏ quên bỗng trở thành cột mốc để Thế Anh định hình cuộc sống:
“Sau tai nạn mình còn mất cả khứu giác nữa nên mình dùng các giác quan còn lại để nhận biết, đặc biệt là đôi tai. Mỗi buổi sáng mình nghe tiếng gà gáy, tiếng sinh hoạt của mọi người; mỗi buổi chiều nghe loa phát thanh là mình biết đã 5h30. Trước kia mình không bao giờ quan tâm đến những thứ đó”.


Bây giờ Thế Anh đã làm được 1 số việc cơ bản như nấu cơm, quét nhà,...
Tháng 8/2024, Thế Anh được anh trai (tên là Sơn Nguyễn) cài phần mềm hỗ trợ đọc màn hình trên điện thoại, lần đầu tiên biết rằng người khiếm thị cũng có thể tự đọc, tự thao tác, tự kết nối lại với thế giới. “Mình vui vô cùng” - chàng trai trẻ nhớ lại.
Cũng chính anh trai là người động viên Thế Anh chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội để bầu bạn với mọi người và mong có thêm nhiều cơ hội trong cuộc sống. Sau đó Sơn còn hỗ trợ em trai quay và dựng clip.
Quả thực những clip của Thế Anh đã đem đến một nguồn năng lượng tích cực với nhiều người. Ở phần bình luận, cư dân mạng để lại rất nhiều lời nhắn động viên, thừa nhận rằng chia sẻ của Thế Anh đã khiến mình xúc động và ngưỡng mộ, mong chàng trai tiếp tục vững vàng trước khó khăn trong tương lai.
“Ôm cậu một cái. Mình thấy cậu đẹp vì tâm cậu sáng quá. Mình biết là sẽ có những lúc bản thân tiêu cực, nhưng mong cậu luôn nhớ vẻ đẹp ở bên trong cậu. 23 năm ấy vẫn tỏa sáng trong tâm cậu, nó chẳng mất đi đâu cả” - một netizen viết.
“Cảm ơn vì anh đã lạc quan vì lạc quan nói dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Luôn chúc anh sức khoẻ, bình an”, “Sáng ra thấy video của bạn mà thấy thật nhiều động lực chăm chỉ. Chúc bạn luôn giữ tinh thần lạc quan và sức khỏe tốt nhé”, “Xem video của em mà rưng rưng nước mắt. Tuy chỉ là người ngoài nhưng mình đau xót và tiếc nuối vô cùng cho em. Chúc em phần đời còn lại an yên và hạnh phúc”, “Bạn mất đi ánh sáng nhưng lại trở thành ánh sáng của rất nhiều người bình thường”,... là một số bình luận khác.
Hiện tại, kênh TikTok của Thế Anh cũng đã có hơn 26k người theo dõi và có cả clip triệu view, tương tác ổn định.
Những ngày đầu tháng 7 này, gia đình chính thức liên lạc với trường đại học, xin phép để Thế Anh dừng bảo lưu kết quả học tập sau 3 năm bảo lưu. Khi được hỏi về tương lai, Thế Anh không mơ mộng quá xa xôi. Chàng trai chỉ hy vọng có thể xây dựng kênh video một cách nghiêm túc, đủ để sau này bán hàng, có thêm thu nhập và tiếp tục sống độc lập.
Hiện tại gia đình đã xin phép trường đại học dừng bảo lưu việc học cho Thế Anh (Nguồn: @theanhtichcuc)
Nhắn gửi đến những người đang đối mặt với khủng hoảng - không chỉ là khiếm thị mà là bất kỳ mất mát nào - Thế Anh nói thật bằng trải nghiệm của chính mình: “Mình là một người bình thường nên cũng chẳng biết phải nói câu gì cho hay. Nhưng mình hiểu được cảm giác bị rơi xuống vực sâu tuyệt vọng là như thế nào nên hãy tin mình, bạn sẽ leo lên được. Có thể không phải hôm nay, nhưng chắc chắn sẽ có một ngày bạn nhìn lại và tự hào vì đã không bỏ cuộc”.
Liên hệ riêng với Sơn Nguyễn - anh trai của Thế Anh, Sơn cho biết mình đang vừa đi làm cho một công ty ở Hà Nội, vừa bán hàng online vừa phụ giúp bố mẹ việc gia đình và hỗ trợ em trai.
Kể về biến cố của Thế Anh, Sơn Nguyễn nói: "Thời gian đầu gia đình mình cũng sốc, sốc nhiều lắm và buồn nhiều lắm. Mọi thứ trong nhà thay đổi hết, từ cách sinh hoạt đến kinh tế gia đình. Nhưng rồi mọi người động viên nhau, bố mẹ và bản thân mình cố gắng mạnh mẽ hơn để làm điểm tựa cho Thế Anh. Dần dần cả nhà ổn định lại, học cách chăm sóc và hướng dẫn Thế Anh tìm hiểu các thiết bị, công cụ để em có thể tự lập hơn từng chút một".
Trong tương lai, Sơn Nguyễn và gia đình chỉ mong em trai được khỏe mạnh, tự tin sống cuộc đời của mình. "Nếu có cơ hội, gia đình muốn Thế Anh được học thêm kỹ năng hoặc làm công việc nào đó phù hợp để em có niềm vui và tự lập hơn. Hiện tại, mình cùng làm video để em có thêm niềm vui, để chia sẻ câu chuyện mà em đã trải qua, phần nào tiếp thêm động lực cho những người đang gặp khó khăn đồng thời hy vọng có nhiều cơ hội hơn đến với em" - Sơn Nguyễn nói thêm.