Thi đại học, nam sinh ở Trung Quốc liên tục dùng tẩy xóa đi đáp án đã điền, giám thị liếc nhìn rồi lập tức báo cảnh sát
Thấy hành vi khác lạ của nam sinh này, giám khảo bắt đầu nghi ngờ.
Một sự việc hy hữu xảy ra từ kỳ thi đại học năm 2015 tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) mới đây bất ngờ được cư dân mạng đào lại và lan truyền mạnh mẽ trở lại, khiến cộng đồng mạng không khỏi bàn tán.
01. Hành vi bất thường của một thí sinh
Trong ngày thi hôm ấy, khi tiếng chuông báo hiệu bắt đầu làm bài vang lên, không khí trong phòng thi lập tức trở nên yên ắng, chỉ còn tiếng bút viết sột soạt trên giấy. Các thí sinh đều tập trung cao độ để hoàn thành bài thi.
Giữa không khí căng thẳng ấy, một thí sinh họ Tưởng bất ngờ giơ tay xin phép giám thị ra ngoài đi vệ sinh. Giám thị chấp thuận, nhưng nhắc rõ rằng theo quy định phải đi cùng thí sinh đến nhà vệ sinh. Nam sinh này đồng ý. Tuy nhiên, thay vì đi vệ sinh như bình thường, Tưởng chỉ đứng im gần cửa thông gió rồi quay về phòng thi. Hành động kỳ lạ này khiến giám thị chú ý, nhưng vì chưa có hành vi vi phạm rõ ràng nên chưa thể xử lý.
Chưa dừng lại, chỉ khoảng 30 phút sau, Tưởng lại xin đi vệ sinh lần nữa và lặp lại y hệt hành động trước, đứng yên một lúc rồi quay về phòng thi. Điều khiến giám thị thực sự thấy khó hiểu là sau khi trở lại chỗ ngồi, Tưởng lấy ra một cục tẩy từ hộp bút, bắt đầu cẩn thận xóa toàn bộ đáp án đã điền. Sau đó, cậu vừa chăm chú nhìn vào cục tẩy, vừa điền lại phiếu trả lời.

Nam sinh có hành vi bất thường trong quá trình làm bài thi.
02. Bí mật trong "cục tẩy" bị phát hiện
Thấy hành vi quá bất thường của Tưởng, giám thị tiến lại gần, cầm cục tẩy của Tưởng lên và sững sờ khi phát hiện đó không phải là một cục tẩy thông thường. Thực chất, nó là một thiết bị điện tử ngụy trang, có màn hình nhỏ hiển thị đáp án cuộn liên tục.
Ngay lập tức, giám thị báo cáo ban tổ chức. Cảnh sát được mời tới phòng thi và yêu cầu Tưởng dừng bài làm, rời khỏi địa điểm thi để phục vụ điều tra.
Thông thường, các điểm thi đều có hệ thống phá sóng để ngăn chặn gian lận bằng thiết bị điện tử. Tuy nhiên, Tưởng vẫn có thể mang được "cục tẩy đặc biệt" này vào phòng thi và sử dụng một cách tinh vi, khiến nhiều người đặt câu hỏi về nguồn gốc và cơ chế hoạt động của thiết bị này.
03. Sự thật sau lời khai của Tưởng
Tại cơ quan điều tra, Tưởng khai nhận đã mua thiết bị này qua mạng. Trong lúc lướt web, cậu vô tình thấy một trang bán thiết bị gian lận với nhiều sản phẩm được ngụy trang như đồ dùng học tập. Bị thu hút bởi chiếc "cục tẩy lạ", Tưởng nhắn tin hỏi người bán về tính năng. Người này không trả lời trực tiếp mà yêu cầu Tưởng chứng minh mình là thí sinh thi đại học, rồi mới đồng ý bán.
Sau khi xác minh, Tưởng được hướng dẫn cách sử dụng cụ thể như thiết bị chỉ hoạt động trong nhà vệ sinh và sẽ hiển thị đáp án khi kích hoạt. Đó là lý do vì sao Tưởng liên tục xin đi vệ sinh trong giờ làm bài.
Dựa vào lời khai, cảnh sát đã lần ra người bán và tiến hành bắt giữ. Điều gây bất ngờ là đối tượng này mới chỉ học hết cấp 2 và hoàn toàn không có kiến thức chuyên môn nào.
Khi được hỏi vì sao có thể cung cấp đáp án cho đề thi đại học, người này thản nhiên trả lời: "Tôi đoán bừa thôi!".
Hóa ra, những đáp án mà Tưởng nhìn thấy qua "cục tẩy công nghệ cao" thực chất đều là… bịa đặt.

Cục tẩy của nam sinh hóa ra là thiết bị quay cóp.
04. Bài học đắt giá từ một hành vi gian lận
Dù biết rõ nguồn đáp án không chính thống, Tưởng vẫn vi phạm nghiêm trọng quy chế thi và bị lập biên bản, hủy kết quả thi, đồng thời phải chịu hình phạt theo quy định.
Câu chuyện tưởng chừng hài hước lại chứa đựng bài học lớn rằng không có thiết bị nào thay thế được nỗ lực học tập chân chính. Gian lận không chỉ thể hiện sự thiếu trung thực mà còn có thể làm hỏng tương lai của chính bản thân người vi phạm.
Việc tìm đến những phương pháp gian lận công nghệ cao thể hiện sự đánh mất niềm tin vào bản thân, đồng thời đẩy bản thân vào những rủi ro pháp lý nặng nề.
Hy vọng vụ việc của thí sinh họ Tưởng sẽ là lời cảnh tỉnh cho những ai đang nuôi ý định "đi đường tắt" trong học hành, rằng thành công không bao giờ đến từ sự gian dối.