Bi kịch xã hội hiện đại Trung Quốc: Cha mẹ về già bị con cái bỏ rơi, sống cô quạnh, không một lời hỏi thăm, chết không ai biết

Diệp Lục,
Chia sẻ

Nhiều người già sống cô quạnh ở Trung Quốc chỉ mong được chết nhanh hơn để giải thoát khỏi buồn tủi lúc xế chiều.

Trang Xinmin Evening News đưa tin, một cụ ông 67 tuổi ở quận Bảo Sơn, ngoại thành Thượng Hải đã chết trong nhà mà không ai hay biết, chỉ đến khi thi thể ông bắt đầu phân hủy, bốc mùi, hàng xóm mới gọi điện thoại báo cảnh sát cuối tháng 7 vừa qua.

Được biết cụ ông không vợ con, chỉ có một mình, sống trong cô quạnh. Dù không khóa cửa nhà nhưng không một ai phát hiện ông đã chết. Một tháng trước đó, một cụ bà ở độ tuổi 70 chết một mình trong căn hộ ở Nam Kinh. Cụ có hai con, một trai và một gái nhưng chỉ ghé thăm mẹ vài tuần một lần.

Đây chỉ là hai trường hợp tiêu biểu phản ánh thực trạng đáng buồn đang tồn tại trong xã hội Trung Quốc hiện nay, khi những người già phải sống một mình cô độc, không ai chăm sóc. Dân số Trung Quốc đang già đi rất nhanh. Chính quyền Trung ương dự báo vào năm tới, Trung Quốc sẽ có 225 triệu dân ở độ tuổi trên 60, chiếm 17,8% tổng dân số quốc gia. 

Còn theo Uỷ ban Công tác Quốc gia của nước này, đến năm 2050, dự đoán sẽ có hơn 34% dân số Trung Quốc ở độ tuổi trên 60, tương ứng với khoảng 500 triệu người, gần gấp đôi so với con số hiện tại. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, như tuổi thọ của người dân ngày một cao hơn, trong khi chính sách một con và những thay đổi về kinh tế khiến tỷ lệ sinh sụt giảm. 

song-1

Nhiều người già Trung Quốc đang phải sống một mình, không con cái.

Các chuyên gia cho biết gần một nửa số người già Trung Quốc trên 60 tuổi hiện tại không có con cái hoặc không sống cùng các con. "Dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Trung Quốc đang trải qua những gì xảy ra tại Nhật Bản 30 năm trước", Zhu Qin, chuyên gia tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho hay.

"Truyền thống văn hóa của chúng ta là người cao tuổi sống cùng các con cháu và qua đời trong một đại gia đình. Chúng ta đang ở trong thời kỳ tỷ lệ sinh giảm và quy mô gia đình bị thu hẹp, vai trò của gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi bị xem nhẹ, trong khi mạng lưới an sinh xã hội cho lứa tuổi này chưa được quan tâm đúng mức", Zhu Qin cho hay.

Tại khu Yuer ở Thượng Hải, 22% trong tổng số 2.000 cư dân là người trên độ tuổi 60. Một trong số đó có bà Shen Ming, 69 tuổi. Chồng bà Ming qua đời vì ung thư hồi tháng trước. Bà cho biết, hiện nhiều người cao tuổi Trung Quốc chọn cách sống một mình thay vì truyền thống tứ đại đồng đường như trước đây.

"Cha mẹ và con cái có lối sống và thói quen khác nhau. Sống cùng con cái thường dẫn tới xung đột", bà Ming nói. Bà có hai người con cũng đang sống tại Thượng Hải, nhưng họ còn phải đi làm và bận rộn chăm lo cho gia đình, chăm sóc con cái nên vài tuần mới ghé thăm bà một lần.

66a4f026ae6647381e77

Bà Ming có hai người con nhưng phải sống một mình sau khi người chồng qua đời.

Artboard 1 (4)

Giống như nhiều người cao tuổi Trung Quốc khác, bà không muốn sống trong nhà dưỡng lão. Một nguyên nhân là do nhà dưỡng lão gần nhất thu phí hơn 5.000 nhân dân tệ (hơn 16 triệu đồng) một tháng, một con số quá cao so với mức sống của người già hiện nay.

"Hầu hết người già tôi biết trong khu không muốn đến nhà dưỡng lão. Họ bảo như vậy giống như ngồi chờ chết, nhưng tôi thì nghĩ khác. Tôi sẵn sàng đi nếu phí không quá cao", bà Ming nói.

Vì ngày càng nhiều người già sống một mình, nên nơi ở dành cho họ cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Một báo cáo cho thấy, nhà hưu trí ở Bắc Kinh chỉ có sức chứa cho 9.924 người, tương đương với 0,6% dân số trên 60 tuổi. Để phục vụ người già tốt hơn, Bắc Kinh đã áp dụng các quy định khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân đầu tư vào dự án xây dựng "nhà cho người già".

Một vấn đề khiến tình hình trở nên đáng quan ngại hơn là ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc mất đi đứa con duy nhất của mình từ hệ lụy chính sách một con. Các chuyên gia dự đoán hơn một triệu gia đình Trung Quốc đã lâm vào tình cảnh này và mỗi năm có thêm 76.000 gia đình tương tự.

anh-nguoi-gia-trung-quoc-1481901574257

Nhiều cụ già sống trong cảnh không con cái vì đứa con duy nhất của họ đã qua đời.

Người con duy nhất của bà Li Jufen qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác vào năm 2017. Bà Li cho biết nhiều khả năng bà sẽ chuyển đến sinh sống trong nhà dưỡng lão vào tương lai không xa. 

"Tôi từng nghĩ đến khả năng chết cô độc tại nhà. May mắn là tôi có đủ lương hưu và khoản tiết kiệm để vào viện dưỡng lão. Tôi cũng vẫn còn có thể chăm sóc tốt cho bản thân mình", bà Li nói.

Dù chính sách một con đã được thay đổi, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc gần đây vẫn ở mức thấp. Năm ngoái, nước này có 15,23 triệu ca sinh, thấp nhất kể từ năm 2014. Chuyên gia Zhu cho rằng số người già trong dân số Trung Quốc sẽ tăng tới đỉnh điểm vào năm 2030. "Vậy nên trong thập kỷ tới, điều quan trọng là cung cấp các dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi".

Chính quyền Thượng Hải đã thực hiện các biện pháp kiểm tra người cao tuổi sống một mình qua điện thoại hoặc các chuyến thăm tại nhà định kỳ. Ông Zhu cho rằng các biện pháp này nhằm tránh việc người cao tuổi qua đời trong cô độc. 

"Việc người cao tuổi sống một mình là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là họ cần nhận được hỗ trợ từ xã hội và hành động từ chính quyền", Zhu nói.

gia-1

Người già Trung Quốc rất cần sự quan tâm của xã hội.

Tại những vùng quê xa xôi, những người già ở Trung Quốc vẫn đang phải lao động ở tuổi xế chiều và chỉ có mong ước nhỏ nhoi rằng được gặp các con trong Tết đoàn viên. Vào mùa đông lạnh lẽo, ông Tần, 68 tuổi, thân mang đầy bệnh tật vẫn phải dậy sớm mỗi ngày để đi đến khu rừng lân cận đốn khoảng 50kg củi, vác trên lưng mang về nhà, đến tầm trưa ông lại lên rừng đốn củi một lần nữa.

Sử dụng củi đốt là cách rẻ hơn so với than để vợ chồng ông Tần trải qua được mùa đông lạnh giá ở miền bắc Trung Quốc. Ông Tần và vợ là bà Tôn Xá Dung cùng nhau sống những tháng ngày cuối đời trong cô đơn khi các con của ông đã rời xa quê hương đi tìm việc làm từ nhiều năm trước. 

Trong mấy chục năm gần đây, hàng trăm triệu người dân ở nông thôn di chuyển đến các thành phố lớn ở Trung Quốc làm việc khiến nhiều ngôi làng ở nông thôn trở nên vắng vẻ. Ngày xưa ngôi làng vợ chồng ông Tần sinh sống có khoảng 500 người, bây giờ chỉ còn khoảng 20 người, họ phải dựa vào những đồng tiền kiếm được từ bán bắp ngô để có thể duy trì cuộc sống.

"Để các con chăm sóc chúng tôi thì rất khó khăn. Thu nhập của chúng nó cũng không đáng là bao, chúng tôi không muốn trở thành gánh nặng của tụi nó", bà Tôn Xá Dung nói.

190208111453-01-china-elderly-village-exlarge-169-1549937692399307563218-crop-15499376972231464549298

Ông Tần dù bệnh tật vẫn lên rừng kiếm củi.

Trong xã hội Trung Quốc truyền thống, người già thường sống với một trong những đứa con của họ. Nhưng ngày nay, ngày càng nhiều thanh niên chuyển đi, để lại cha mẹ già của họ. Vì vậy, một trong những điều mà người cao tuổi phải đối mặt ở Trung Quốc tại thế kỷ 21 này là làm thế nào để sống tốt những ngày cuối đời khi họ không có con cái bên cạnh, không một ai chăm sóc.

Tờ RFA đưa tin, vào năm 2013, ngày càng có nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc chọn cách tự tử để kết thúc sự cô đơn, kết thúc sự đau đớn của bệnh tật và không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu. Nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc khi lâm bệnh không có con cháu bên cạnh chăm sóc và họ chỉ mong rằng mình có thể chết sớm hơn.

Một số quan chức tin rằng các vấn đề mà người cao tuổi Trung Quốc phải đối mặt có thể được giải quyết thông qua các nỗ lực kết hợp từ gia đình, cộng đồng địa phương và toàn xã hội. Mục tiêu của Trung Quốc là thiết lập một mạng lưới hỗ trợ cho người già, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và giúp họ tránh sự cô đơn thông qua các hoạt động học tập và giải trí. Mạng lưới cũng sẽ khuyến khích người cao tuổi tiếp tục phục vụ xã hội sau tuổi nghỉ hưu bằng cách sử dụng kiến thức họ có được trong nhiều năm.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ