Bi kịch thoát lưỡi hái “tử thần”, nạn nhân Ebola lại bị kỳ thị
Bác sĩ Melvin Korkor, một nạn nhân của Ebola chia sẻ, dù được “tái sinh” sau khi chiến thắng virus "tử thần", song ông đang phải đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng.
Trong cuộc phỏng vấn với Telegraph của Anh mới đây, bác sĩ Melvin Korkor chia sẻ câu chuyện ông sống sót kỳ diệu sau khi bị nhiễm virus Ebola.
Melvin Korkor làm việc tại Bệnh viện Phebe ở Bong County, Liberia, nơi dịch bệnh Ebola bùng phát vào tháng trước. Vị bác sĩ này chia sẻ, virus Ebola lan tới bệnh viện ông làm việc khi một phụ nữ có triệu chứng tiêu chảy tới đây điều trị. Bệnh nhân này tới từ vùng dịch Ebola tại Lofa County nhưng lại giấu các bác sĩ. Sau đó 3 ngày, bệnh nhân qua đời và virus Ebola xâm nhập bệnh viện nơi bác sĩ Melvin Korkor làm việc.
“Sau khi nữ bệnh nhân qua đời, một số y tá chăm sóc cô lên cơn sốt cao. Kết quả xét nghiệm cho thấy họ dương tính với Ebola. Tôi cũng tiếp xúc với bệnh nhân và các y tá bị nhiễm bệnh. Do đó, tôi quyết định gửi mẫu máu của mình đi xét nghiệm”, bác sĩ Melvin Korkor cho biết.
“Rồi tôi cũng bắt đầu có cảm giác bất thường trong người - sốt nhẹ, buồn nôn và chán ăn. Tôi cảm thấy như bị sốt rét”, vị bác sĩ 42 tuổi tiếp tục chia sẻ.
Kết quả xét nghiệm dương tính với virus Ebola biến điều bác sĩ Korkor lo sợ trở thành hiện thực. Ông trở thành nạn nhân của Ebola. Vợ ông đã khóc nức nở. Tuy nhiên, vị bác sĩ đã hứa với vợ sẽ bình an quay về và yêu cầu vợ đưa cho mình một cuốn Kinh Thánh.
Bác sĩ Korkor yêu cầu được chuyển tới bệnh viện Elwa ở thủ đô Monrovia, Liberia. Đội ngũ y bác sĩ ở đây đón ông trong bộ trang phục bảo hộ kín mít với kính bảo hộ và mặt nạ.
Bác sĩ Korkor nằm trên giường của một bệnh nhân vừa qua đời. Trong quá trình điều trị, vị bác sĩ cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng khi chứng kiến các bệnh nhân khác lần lượt tử vong. Lúc này, ông đặt trọn niềm tin vào cuốn Kinh Thánh và giữ tinh thần lạc quan bởi ông biết, dù tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân nhiễm Ebola là 60% - 90% song những người bệnh được phát hiện sớm có thể nâng cao cơ hội sống bằng cách giữ nước cho cơ thể và được chăm sóc tốt.
4 ngày sau, bác sĩ Korkor được xét nghiệm lại một lần nữa. Lần này, may mắn mỉm cười với ông khi kết quả xét nghiệm là âm tính với Ebola. Bác sĩ Korkor cảm thấy mình như được “tái sinh”.
Sau khi sống sót thần kỳ và được xuất viện, bác sĩ Korkor trở về Bong County. Nhưng ông lập tức nhận thấy mọi người đang kỳ thị và lảng tránh các bệnh nhân Ebola trong đó có ông. Vị bác sĩ phải thốt lên rằng: "Ơn Chúa, tôi đã khỏi bệnh. Nhưng bây giờ tôi đối mặt với vấn đề khác, đó là sự kỳ thị của những người xung quanh vì tôi từng là bệnh nhân Ebola”.
Giống như tất cả các nhân viên cứu thương khác đang cố gắng chống lại sự lây lan của dịch bệnh Ebola ở Tây Phi, bác sĩ Melvin Korkor hiểu sõ về sự nguy hiểm của vius Ebola và sự hoảng loạn của người dân trước đại dịch này.
Tỷ lệ tử vong cao tới 90%, chưa có thuốc điều trị và phòng ngừa cũng như trình độ dân trí tại Tây Phi tương đối thấp khiến nhiều người trong vùng dịch tin rằng, đại dịch Ebola là phép tà ma của phù thuỷ.
Họ tránh xa mọi thứ liên quan đến Ebola và kỳ thị những người mắc bệnh. Điều này giảm tỷ lệ sống của các bệnh nhân Ebola. Ebola đã cướp đi mạng sống của hơn 1.000 người ở các nước Tây Phi như Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria.
Bác sĩ Korkor đang tích cực vận động người dân không nên lảng tránh người bệnh Ebola mà hãy giúp đỡ họ. “Lý do duy nhất giúp tôi sống sót là vì tôi đã được giúp đỡ. Tôi muốn nói với cả thế giới rằng, Ebola là một bệnh dịch và nếu bạn bắt đầu cảm thấy bất thường hãy đi xét nghiệm”.