Bangladesh:

Bi kịch người vợ bị ép tái hôn với gã chồng tạt axit hại đời

Nguyễn Nguyệt (Theo Dailymail),
Chia sẻ

Những vết sẹo méo mó trên gương mặt của người phụ nữ tội nghiệp lúc nào cũng như gợi lại giây phút kinh hoàng khi bị gã chồng hung hãn hất thẳng cốc axit vào mặt.

Nurbanu đã quyết định ly dị người chồng bạo lực và không chung thủy sau khi bắt gặp anh ta qua lại với một phụ nữ khác.

8 ngày sau, khi cô đang nấu ăn tại nhà ở Bangladesh thì gã chồng vũ phu phóng xe máy đến rồi hất thẳng cả cốc axit vào mặt vợ cũ, khiến cô bị mù hoàn toàn và gương mặt biến dạng không còn nhận ra.

Bi kịch người vợ bị ép tái hôn với gã chồng tạt axit hại đời 1
Đôi mắt mù lòa khiến Nurbanu không thể tự nấu nổi bữa cơm đơn giản.

Thực hiện xong hành vi trả đũa tàn bạo người vợ từng 18 năm chung chăn gối, gã đàn ông đê hèn bỏ trốn nhưng bị bắt 10 tháng sau đó và bị kết án 1 năm tù.

Bi kịch của người phụ nữ 36 tuổi không dừng lại ở đó. Mẹ chồng cô vì muốn con trai được phóng thích khỏi nhà tù đã ép cô ký vào một bản khai tuyên thệ.

“Mẹ của anh ta đã trả tiền bảo lãnh con”, Nurbanu cho biết. “Rồi bà ấy đã bắt tôi ký vào bản khai tuyên thệ để anh ta được thả. Bà ấy đã lợi dụng các con để buộc tôi phải kết hôn lại với anh ta”.

Bi kịch người vợ bị ép tái hôn với gã chồng tạt axit hại đời 2
Con gái của Nurbanu giúp mẹ nấu ăn.

Nhiều người cho rằng vì biết ơn và hối lỗi, chồng Nurbanu sẽ thay đổi và chăm sóc người vợ mù lòa. Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra. Hắn tiếp tục những trận đòn oan nghiệt lên Nurbanu và đe dọa cô. Cuộc sống của người phụ nữ khốn khổ giờ không khác gì địa ngục.

Với đôi mắt mù lòa và thương tật do bị bỏng axit, Nurbanu giờ còn không thể tự chuẩn bị một bữa cơm đơn giản cho chính mình. Cô là một trong số hàng ngàn phụ nữ là nạn nhân của các vụ tạt axit ở Bangladesh những năm gần đây.

Động cơ chính đằng sau các vụ tấn công axit ở quốc gia này thường bắt nguồn từ tranh cãi về vấn đề tài chính, bị từ chối lời cầu hôn và các cuộc cãi vã.

Bi kịch người vợ bị ép tái hôn với gã chồng tạt axit hại đời 3
Nurbanu là một trong số hàng ngàn phụ nữ bị tấn công axit 
ở Bangladesh những năm gần đây.

Monira Rahman, CEO của Tổ chức Những nạn nhân axit sống sót (ASF) ở Bangladesh, đã làm việc với các nạn nhân bị tạt axit và xăng dầu ở quốc gia này trong 14 năm.

Bà cho biết hầu hết các phụ nữ bà từng tiếp xúc đều đã từng khốn khổ vì những gã chồng vũ phu luôn xem họ là “hàng hóa” và “tin rằng mình có quyền hủy hoại và xâm phạm quyền của vợ”.

Theo bà Rahman, số vụ tấn công bằng axit ở Bangladesh đã giảm nhiều nhờ nỗ lực của chính phủ, các tổ chức y tế và tổ chức phát triển quốc tế cùng tham gia giải quyết vấn nạn này. Số vụ tấn công axit ở Bangladesh trong năm 2011 đã giảm xuống 111 vụ so với con số 500 vào năm 2002.

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Hành vi bạo lực tương tự như tạt axit chỉ có thể hoàn toàn được loại bỏ khi phụ nữ ở Bangladesh có quyền bình đẳng.

Cũng theo ASF, các nạn nhân bị tấn công axit có rất ít cơ hội tìm được việc làm. Những phụ nữ chưa kết hôn thì gần như chắc chắn không lấy được chồng trong tương lai. Ngoài bi kịch bị hủy hoại nhan sắc, họ còn phải chịu đựng tổn thương tâm lý nặng nề, đó là chưa kể bị xã hội cô lập và khai trừ.
Chia sẻ