Bi kịch người mẹ ôm con chạy trốn chồng ngoại quốc
Với mong ước đổi đời, hi vọng sớm báo hiếu bố mẹ, nhiều cô gái Hậu Giang đã đổ xô lấy chồng ngoại quốc. Tuy nhiên nhiều cuộc hôn nhân trong số đó đã đổ vỡ vì không được xây dựng bởi tình yêu.
Bi kịch “hôn nhân ngoại”
Chuyện lấy chồng ngoại, mang theo giấc mơ đổi đời được nhiều chị em phụ nữ theo đuổi, trong đó có nhiều chị em phụ nữ ở xứ Hậu Giang. Tuy nhiên, không ít cuộc hôn nhân trong số này đã đổ vỡ vì nhiều lý do, chủ yếu là vì bất đồng ngôn ngữ, hôn nhân không được xây dựng trên cơ sở tình yêu.
Nhắc đến chuyện này, nhiều người dân Hậu Giang còn nhớ câu chuyện buồn về cuộc đời của Võ Thị Minh Phương (trú tại ấp Hòa Quới, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp). Chị Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn, mấy đời nghèo túng, Không can tâm gắn kết cuộc đời mình với cuộc sống chật vật, năm 27 tuổi, thông qua mai mối, chị Phương đồng ý kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc với người đàn ông hơn mình 29 tuổi, gần bằng tuổi cha chị.
Sau gần 2 năm chung sống, chị Phương sinh được 2 người con, một gái, một trai. Tuy nhiên, cuốc sống vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn, chị thường xuyên bị chồng hành hạ, đánh đập. Trong lúc quẫn trí, tuyệt vọng, chị đã ôm hai con nhảy lầu tự tử. Sự việc xảy ra đã gần hai năm nhưng khi nhìn bạn bè của con gái tại địa phương có chồng con đề huề, bà Võ Thị Ảnh (mẹ đẻ của chị Phương) vẫn chưa hết nghẹn ngào.
“Tội thân con gái tôi, vì cái nghèo đeo bám gia đình mà nó phải khổ như thế. Cứ ngỡ rằng xuất ngoại sẽ có tiền gửi về cho bố mẹ sửa nhà, cuộc sống bớt khổ hơn nên con tôi mới dứt áo ra đi. Ban đầu gia đình cũng ngăn cản, nhưng sau thấy con quyết tâm, lại nghĩ con đã lớn nên có thể quyết định cuộc đời mình nên chúng tôi cũng bằng lòng cho con xuất ngoại. Ngày tiễn con đi, con hồng hào khỏe mạnh mà ngày về thì về thì con chỉ còn là nắm tro tàn. Cuộc đời bất công quá, tôi mất con lại mất cả hai đứa cháu… Bây giờ có hối hận, đau lòng như thế nào thì con và cháu tôi cũng ko thể sống lại nên tôi chỉ biết động viên những đứa con, cháu khác đừng nuôi giấc mộng đổi đời tại xứ người xa xôi”, bà Ảnh nghẹn ngào.
Cũng xuất ngoại, lấy chồng nước ngoài như chị Phương, cuộc đời của chị Nguyễn Ngọc Huyền (trụ tại khu vực 2, phường Ngã Hiếu, thị xã Ngã Bảy) oan nghiệt theo một lối khác. Học xong cấp 3, chị lên thành phố làm công nhân giúp bố mẹ trang trải cuộc sống gia đình, nhưng dường như có làm thêm bao nhiều đi chăng nữa, chị vẫn thấy bố mẹ bị bủa vây trong nợ nần. Chị Như buồn rầu nghĩ cách thay đổi số phận, lại thấy chị em khác xuất ngoại, lấy chồng Tây, được khoản tiền lớn về cho bố mẹ nên chị lấy làm “gương noi theo”. Qua mai mối, chị được giới thiệu gặp và làm vợ của người Đài Loan.
Tưởng cuộc đời bắt đầu rẽ sang “ngã sung sướng”, nhưng nào ngờ, bi kịch hôn nhân của chị Như cũng bắt đầu từ đây. Lấy chồng Đài Loan, chị bị gia đình nhà chồng biên thành công cụ lao động. Chỉ phải lao động quần quật, còn mệt hơn nhiều những ngày làm công nhân tại VN mà tiền thì không được giữ một đồng.
Năm đầu tiên về làm vợ với người đàn ông gần bằng tuổi bố mình, chị chỉ được gọi về quê vỏn vẹn đúng 3 lần, mà lần nào cũng bị giục rối rít vì còn những công việc dở dang đang đợi trước mắt. Bắt đầu tủi cho số phận, chị chỉ biết ôm mặt khóc. “Ngày gia đình tôi có người qua đời, tôi xin phép gia đình chồng cho về nước chịu tang nhưng nhất định họ không cho về với lý do người chết đã chết rồi, về nước sẽ tốn tiên đi lại thăm hỏi rồi họ sợ tôi không trở lại nữa thì nhà họ sẽ mất một “con trâu” tốt. Phẫn uất, tôi làm đơn ly hôn rồi về sống với bố mẹ đẻ”, chị Như thở dài kể.
Không chỉ có chị Phương, chị Như mà nhiều chị em phụ nữ khác tại Hậu Giang cũng chịu chung hoàn cảnh. Có người còn không có cơ hội về nước vì không có cách liên hệ với gia đình, bất đồng ngôn ngữ, không biết nhờ ai cứu giúp. Tuy nhiên, những chị em về nước được thì cũng chẳng sung sướng là mấy khi đứa con dứt ruột đẻ ra mang quốc tịch nước ngoài không thể hòa đồng và được đối xử bình đẳng như những đứa trẻ VN khác.
Đứa con khổ sở, thiệt thòi
Không như những đứa con lai có gia đình hạnh phúc, được về quê thăm ông bà, họ hàng trong sự chào đón nồng nhiệt của đại gia đình, ngày hôn nhân đổ vỡ, nhiều chị em mang con về nước trong sự ê chề, đau khổ.
Chị Cao Thế Duy (ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) cũng nằm trong số những trường hợp lấy chồng nước ngoài mà hôn nhân không hạnh phúc, đem con về VN sinh sống. Theo mẹ về VN đã gần hai năm, cháu Jay Chou (tên thường gọi ở nhà là Long) hiện nay vẫn mang quốc tịch Đài Loan, nhưng Jay Chou chưa được học mẫu giáo ngày nào, dù đã lên 4 tuổi. Gặp người lạ, Jay Chou đưa mắt nhìn mọi người một cách e dè, nhút nhát. Ki được hỏi về bố, về nơi mình sinh ra, cháu chỉ lắc đầu ngơ ngác.
Chị Cao Thê Duy chia sẻ: “Do bất đồng văn hóa, ngôn ngữ, tôi hiểu rất ít những gì chồng và gia đình chồng nói. Từ đó, mâu thuẫn vợ chồng liên tục xảy ra, chồng thì luôn nghe lời mẹ đẻ mà hành hạ, đánh đập tôi, không cần nghe tôi giải thích đúng, sai. Tôi thấy cuộc sống quá khổ sở nên bồng con trai trở về VN sinh sống. Về VN, cuộc sống không được như bên đó, nhưng dù sao hai mẹ con tôi cũng được nhận tình yêu thương từ gia đình. Hiện tại, tôi chỉ lo con không có quốc tịch VN, không biết chuyện học hành sẽ ra sao. Con đã thiệt thòi nhiều rồi, tôi không muốn để con khó khăn trong chuyện học hành Mà từ ngày về nước, con trai tôi cũng chưa có bạn nào chơi cùng. Khổ thân cháu chỉ suốt ngày quấn lấy mẹ. Tôi chỉ sợ mấy tuổi nữa đi học, con lại bị kỳ thị vì khác với các bạn”.
Cũng mang thân phận con lai như bé Jay Chou, cháu Hong Dae Jung 7 tuổi, con của chị Từ Thị Muội (trú tại ấp 8, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) cũng chịu nhiều thiệt thòi. Tâm sự với phóng viên, chị Muội cho biết, chị lấy chồng Hàn Quốc từ năm 21 tuổi, năm 2010, sau làm dâu nơi xứ người , chị Muội xin phép gia đình chồng đưa con trai về VN thăm nhà. Sau khi hết thời gian thăm nhà, chị Muội điện thoại để chồng gửi tiền sang mua vé máy bay trở lại Hàn Quốc thì chồng chị không gửi.
Gia đình nghèo, không có tiền mua vé máy bay về Hàn Quốc, chị Muội và con trai ở lại VN cho đến tận bây giờ. Điều đau lòng hơn, sau hơn 3 năm vợ và con trai về VN, chồng và gia đình chồng chị Muội không một lần điện hỏi thăm. Nhiều lần con trai hỏi thăm về bố, chị quay đi lau nước mắt mà không biết trả lời con ra sao. Nay cháu Hong Dae Jung vẫn mang quốc tịch nước ngoài nên không được hưởng quyền lợi đầy đủ như những đứa trẻ VN khác. “Mới đây, tôi nhờ người gửi con vào trường Tiểu học để học chữ, nhưng con khó theo kịp các bạn vì các bạn đã nói sõi tiếng Việt rồi. Thấy con học chậm, nhiều bạn bè trong lớp lại trêu chọc. Con về nhà khóc nức nở, nói không muốn đến trường, chỉ muốn về với bố mà tôi cũng khóc theo con”, chị Muội buồn rầu nói.
Chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ bên xứ người nhưng giấc mộng làm giàu nơi xa xứ vẫn hàng ngày đeo bám trong trí óc chị em phụ nữ xứ Hậu Giang. Có lẽ chỉ có cách tạo cho họ công ăn việc làm ổn định, đủ để trang trải cuộc sống và Hội Phụ nữ cần đi sâu vào đời sống chị em hơn nữa để tuyên truyền vận động, giúp đỡ từng hoàn cảnh mới hi vọng thay đổi thực tế đáng buồn trên.