Bi kịch kẻ "đổ vỏ"

,
Chia sẻ

Bất cứ người đàn ông nào cũng thấy bị xúc phạm khi phát hiện đứa con mình lo lắng, thương yêu không phải ruột thịt của mình. Sự khinh bỉ, căm ghét đều đổ dồn cho người đàn bà. Lỗi lầm đâu chỉ thuộc về riêng người phụ nữ?

Quý tử là con… người khác

Chú P. là một người hàng xóm của gia đình tôi trong khu tập thể. Do nhà ngay sát cạnh nhau cộng thêm chú và bố tôi là đồng hương nên hai gia đình rất thân thiết. Vợ chồng chú P đều là công chức. Họ có một con trai duy nhất tên Nam. Khi chú đã gần 40, cô 34 tuổi, họ mới được hưởng hạnh phúc làm cha mẹ nên cậu con trai rất được cưng chiều nhưng không vì vậy mà cậu chàng sinh hư. Trong nhà họ, không lúc nào vắng tiếng cười đùa. Gia đình chú là hình mẫu lý tưởng được người già trong khu tập thể nêu gương cho các cặp vợ chồng trẻ noi theo. Nhưng sự đời vốn không bao giờ như người ta mong muốn.
 
Ảnh minh họa

Biết con trai đậu vào lớp chuyên toán của tỉnh, chú đã đưa Nam đi khám sức khỏe theo yêu cầu trong hồ sơ nhập học của nhà trường. Vốn tính cẩn thận, không chỉ khám những đề mục hồ sơ đã ghi, chú còn cho con xét nghiệm máu, điện tâm đồ, chụp nội soi… coi như một lần kiểm tra sức khỏe toàn diện cho cậu con quý tử.

Kết quả xét nghiệm máu đã khiến chú gần như chết đứng. Thằng Nam nhóm máu B trong khi cả cô và chú nhóm máu A. Là một kĩ sư sinh hóa, chú thừa biết cơ chế di truyền máu của con người là thế nào. Không thể có chuyện cha mẹ nhóm máu A mà con cái lại có thể mang nhóm máu B hoàn toàn khác biệt như thế. Nghĩ là có chuyện nhầm lẫn, chú đã bí mật thử lại, thậm chí còn đi xét nghiệm cả ADN cho chắc chắn. Kết quả lại một lần nữa khiến chú sụp đổ.

Tra hỏi vợ thì chỉ nhận được lời khóc lóc, van xin tha thứ. Chết lặng cả người, chú đã tát cho cô một cái và bỏ đi không cần nghe lời giải thích. Sợ chồng đi xe trong trạng thái không bình thường sẽ nguy hiểm đến tính mạng, cô Lan vợ chú đã sang nhà tôi nhờ giúp đỡ. Câu chuyện bi kịch của gia đình được coi là hình mẫu lý tưởng của cả khu tập thể mới dần dần được hé mở.

Lấy nhau được bảy năm nhưng hai vợ chồng cô chú vẫn không sinh được con dù đã chạy chữa hết thầy này thuốc nọ. Gia đình chú P vốn ba đời độc đinh nên chuyện cô chú mãi vẫn chưa có con đã khiến cho họ nội rất sốt ruột. Bà mẹ chồng nhiều lần còn nói mát con dâu trước mặt mọi người: “cau điếc không biết bao giờ mới mọc nổi mầm” và nhiều lần bóng gió nói chuyện cưới vợ hai cho con trai tìm người nối dõi.

Không ai biết rằng lỗi không phải do cô mà chính là do chú. Cô sợ chồng đau khổ và mặc cảm nên đã giấu chú sự thật và cố công chạy thầy chạy thuốc nhưng không thể cải thiện tình hình. Nếu là thời hiện đại, cô có thể nhờ đến tiến bộ y học như thụ tinh trong ống nghiệm…nhưng đó là những năm cuối của thập kỉ 80. Y học chữa chứng vô sinh trong nước khi đó rất kém phát triển.

Không muốn bị người đời gọi là “cau điếc”, không muốn vợ chồng chia lìa đau đớn, trong một lần nghĩ quẩn, cô đã quyết định bí mật nhờ người bạn cũ “giúp đỡ”. Cu Nam đã được sinh ra trong hoàn cảnh đó.

Chỉ vì cố kiếm “thằng chống gậy”

Câu chuyện của anh K. lại khiến nhiều người bị ám ảnh. Sau khi sinh cô con gái đầu, anh gần như bắt buộc vợ mình phải đẻ được thằng cu nối dõi tông đường. Đọc những tài liệu hướng dẫn sinh con trai, anh bắt vợ làm theo thông tin trong đó. Mọi chuyện ăn uống, sinh hoạt cho đến chế độ nghỉ ngơi, luyện tập đều được anh lên lịch thật chi tiết để hai vợ chồng thực hiện.

Nghe bác sĩ nào có biệt tài soi trứng định ngày “quan hệ” để đẻ con trai, anh đều đưa vợ đến khám. Vậy mà hai lần vợ “dính”, đi siêu âm, bác sĩ đều phán “mặc váy nhé” khiến anh vô cùng thất vọng. Dù thai nhi đã khá lớn nhưng anh vẫn ép chị phải đi phá để hi vọng lần sau có được cậu ấm. Cuối cùng thì anh cũng toại nguyện. Một cu nhóc nặng 3,2kg đã chào đời trong sự vui sướng vô bờ bến của anh.

Những tưởng hoàn thành tâm nguyện thì đời sống vợ chồng anh sẽ vui vẻ và hạnh phúc lắm. Cuộc đời ai biết được chữ ngờ, bất đồng quan điểm ngày càng lớn đã khiến vợ chồng anh phải lôi nhau ra tòa. Anh đòi quyền nuôi con. Chị vợ khi ấy đã nói thẳng: Chỉ có đứa con gái là con chung hai người còn đứa con trai là con riêng của cô ta. Thì ra, quá mệt mỏi và căng thẳng vì suốt ngày phải chạy theo kế hoạch “đẻ bằng được thằng cu” cộng thêm nỗi thất vọng về chồng, vợ anh đã ngã vào vòng tay của một đồng nghiệp nam cùng cơ quan. Và “đứa con vàng con bạc” anh từng ôm ấp ẵm bồng, từng thức thâu đêm chăm sóc là kết quả của mối tình vụng trộm ấy.

Ai đã đẩy người phụ nữ phải “đi hoang”?

Tất nhiên, đã ngoại tình và lừa dối chồng thì người phụ nữ trước tiên là người có lỗi. Tuy nhiên, không phải tất cả những người phụ nữ “đi hoang” đều là những kẻ dâm ô, lăng loàn. Nhiều khi họ bị đẩy vào đường cùng không lối thoát như cô Lan, nhiều khi họ bị chính chồng mình gián tiếp đưa vào con đường ngoại tình. Nếu không vì K. quá khát khao có con trai, nếu không vì anh bất chấp sức khỏe, tâm trạng của vợ để có được thằng cu nối dõi tông đường thì có lẽ vợ anh cũng không tìm đến một bến bờ khác thấu hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh của mình hơn.

Hạnh phúc mong manh dễ vỡ, đừng để những quan niệm lỗi thời cũ kĩ đè nặng lên tâm trí để đến mức khi nó tan đi như bong bóng xà phòng thì lại ngồi hối tiếc, xót xa.

Theo Phununet

Chia sẻ