Bi kịch cuộc đời người thầy đầu tiên của ngôi sao Lê Công Tuấn Anh - nghệ sĩ Mai Trần
Nghệ sĩ Mai Trần là người phát hiện và đào tạo cố nghệ sĩ thần tượng Lê Công Tuấn Anh từ khi anh mới chỉ là một nhân viên giữ xe.
Từ giữa thập niên 1980, Mai Trần là một trong những ngôi sao sáng trong làng kịch phía Nam. Từng đứng trên đỉnh cao danh vọng, nhưng rất nhiều lần trong đời, Mai Trần phải tạm dừng cuộc chơi và mưu sinh bằng nghề bán bánh bao, bắp luộc, mở lò bánh mì..
Giờ đây, sau nhiều thăng trầm của cuộc đời, Mai Trần vẫn không thể dứt khỏi nghiệp diễn. Anh vẫn tiếp tục tham gia nhiều dự án phim điện ảnh và truyền hình. Với khán giả trẻ, có thể cái tên Mai Trần rất xa lạ nhưng với khán giả thế hệ 7X và với anh em nghệ sĩ, Mai Trần có một vị trí đầy trân trọng.
Vừa bán bắp vừa học trường nghệ thuật
Mai Trần tên thật là Mai Văn Thịnh. Anh là con trai duy nhất của một gia đình gốc Hải Phòng nhưng có gia thế tại Sài Gòn trước năm 1975.
Tuy nhiên, do bố anh được điều chuyển công tác ra Quảng Trị nên từ sơ sinh, anh đã sống tại vùng đất này. Đây là nguyên do mà đến giờ, giọng nói của Mai Trần vẫn còn phảng phất âm sắc của vùng đất gió Lào nóng bức.
Lúc Mai Văn Thịnh tầm 7, 8 tuôi, bố mẹ anh trở lại Sài Gòn. Vào tuổi thiếu niên, anh đã sở hữu riêng chiếc xe gắn máy Nhật Bản hiệu Damme màu đỏ rất đắt tiền. Điều này phần nào cho thấy anh thuộc dạng công tử nhà giàu.
Bố mẹ khuyến khích Mai Văn Thịnh phát huy trí tuệ lẫn thể chất nên ngoài học văn hóa, anh được học võ đến trình độ huấn luyện viên trung cấp môn Vovinam.
Nghệ sĩ Mai Trần.
Mai Văn Thịnh có một người bạn thân học khoa diễn viên tại Trường quốc gia âm nhạc Sài Gòn trước 1975. Người bạn nhận thấy ở Mai Văn Thịnh có nét phù hợp với nghệ thuật nên khuyên anh đăng ký học trường này.
Vì sự hiếu động, thích khám phá, chàng trai trẻ vào học và lập tức bị cuốn vào thế giới nghệ thuật. Bạn học cùng trường nhưng sau anh 2 khóa có Thương Tín, Minh Hoàng, Tấn Thành...
Sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, nên chỉ một năm sau, Mai Văn Thịnh được cố nhạc sĩ Bắc Sơn chọn tham gia nhiều vở kịch truyền hình do ông phụ trách. Sau đó, sự kiện lịch sử 1975 khiến cho việc học diễn xuất của Mai Văn Thịnh phải tạm ngưng lại.
Đến năm 1976, nhà nước quy tụ tất cả các cựu sinh viên khoa diễn viên Trường Quốc gia Âm nhạc vào lớp diễn viên của trường Cao đẳng sân khấu và điện ảnh TPHCM để tiếp tục việc học. Vì vậy, Mai Văn Thịnh, Thương Tín, Minh Hoàng, Khánh Hoàng trở thành lứa sinh viên đầu tiên của trường.
Anh nhớ lại: "Sau 1975, gia cảnh nhà tôi thay đổi. Bố mất, mẹ bệnh nặng nên gia đình từ khá giả trở nên vô cùng khó khăn. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều giữa việc chọn công việc mưu sinh kiếm tiền lo cho bản thân và gia đình hay tiếp tục học nghệ thuật.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi nhận ra niềm đam mê diễn xuất trong tôi quá lớn, tôi quyết định tiếp tục việc học. Để có thể duy trì đam mê, sáng sớm tôi ra chợ Cầu Muối mua bắp của các vựa bán lẻ lại cho khách hàng. Tôi bán từ lúc trời còn tinh mơ đến sáng thì tranh thủ chạy vào lớp".
Cũng giống như NSƯT Công Ninh, Mai Trần thường rất có duyên với những vai người cha nghèo hoặc có số phận tội nghiệp.
Trụ cột của đoàn kịch Kim Cương
Dù học hành trong thiếu thốn nhưng Mai Văn Thịnh rất hăng hái. Sau khi tốt nghiệp, anh được điều về Đồng Nai hoạt động nghệ thuật vài năm. Tại đây, anh gây dấu ấn bởi nhiều vai diễn trong các vở kịch kinh điển.
Ít năm sau, khoảng 1980, anh quay lại Trường cao đẳng sân khấu & điện ảnh học khoa đạo diễn. Trong lúc vẫn còn đang học lớp đạo diễn, Mai Văn Thịnh đứng ra thành lập nhóm kịch hài. Nhóm của anh diễn vở "Xem mắt nàng dâu" có độ dài một 1 tiếng 20 phút.
Thời điểm này tấu hài chưa thịnh hành, nhóm kịch của Mai Văn Thịnh hoạt động theo khuynh hướng hài kịch ngắn có nội dung nên rất ăn khách. Một ngày nhóm có thể chạy show 5, 6 sân khấu.
Anh cho biết: "Lúc ấy, các sân khấu chào đón chúng tôi nồng nhiệt vì mình tiên phong tạo ra hương vị thưởng thức độc đáo cho khán giả. Ngày ấy diễn viên đa phần sống bằng tiền lương nên việc chạy show ngoài vừa có tiếng, vừa có tiền nên đời sống thoải mái phấn khởi.
Vào lúc này, một người phụ trách sân khấu hỏi tôi nghệ danh chính thức của anh là gì? Tự nhiên tôi nảy ra ý định ghép họ Mai của tôi và họ Trần của người vợ đầu tiên nên nghệ danh Mai Trần bắt đầu từ đó".
Hoạt động nghệ thuật sôi nổi của Mai Trần đã thu hút sự chú ý của nhiều đạo diễn truyền hình. Anh được mời đóng vai chính phản diện trong kịch "Đối mặt" cùng với NSƯT Thành Lộc.
Trong vở diễn này, cả Mai Trần và Thành Lộc đều được đánh giá cao về diễn xuất. Anh còn thành công với vai Phê-đô-rốp– ki trong vở "Đêm họa mi", gã Trưởng giả trong "Trưởng giả học làm sang"...
Mai Trần vai người cha nghèo trong MV Tình Cha của ca sĩ Trung Quân.
Hoàn cảnh thập niên 1980 rất khác hiện tại. Lúc ấy, cơ hội làm nghề của nghệ sĩ vô cùng hiếm hoi. Chỉ những diễn viên xuất sắc mới có cơ hội được các đạo diễn để mắt đến. Vậy nên việc Mai Trần liên tục xuất hiện trong các vở kịch truyền hình cho thấy vị trí rất lớn của anh trong nghề .
Vào thời điểm này, đời sống kịch nghệ của đất Sài Gòn rất sôi động. Trong đó, đoàn kịch Kim Cương được xem là một trong những "đại bang" thu hút lượng công chúng lớn.
Chính nghệ sĩ Kim Cương mời Mai Trần về đoàn trong tư cách diễn viên, kiêm thành viên hội đồng nghệ thuật chuyên thẩm định vở diễn và tuyển chọn diễn viên mới.
Lý do anh được chọn vào hội đồng thẩm định nghệ thuật vì ngoài tài năng diễn xuất, anh là người duy nhất có hai bằng cấp chính thức cả khoa diễn viên và đạo diễn.
Đoàn Kim Cương đình đám với nhiều kịch mục hay, với dàn diễn viên chính tài năng xuất sắc như Kim Cương, Huỳnh Thanh Trà, Thẩm Thúy Hằng, Thương Tín.
Trong tư cách diễn viên, Mai Trần ghi một dấu ấn sâu sắc không thể thay thế qua vai diễn Hoàng Tú, gã công tử nhà giàu hư hỏng và đểu cáng trong vở kinh điển "Nhân danh công lý". Tại đây, anh còn thể hiện xuất sắc vai Lỗ Qúy trong "Lôi vũ".
Tình thầy trò cảm động với Lê Công Tuấn Anh
Nhờ vai trò thành viên hội đồng nghệ thuật mà Mai Trần gặp Lê Công Tuấn Anh. Trong một lần tuyển chọn diễn viên cho vở mới, Mai Trần đặt ra tình huống để thí sinh ứng diễn bằng hành động, không cần thoại. Gương mặt hiền và xử lý tình huống của Lê Công Tuấn Anh chinh phục được Mai Trần.
Mai Trần là một trong những nghệ sĩ có vẻ ngoài "vất vả".
Thế nhưng lúc đó, đoàn Kim Cương không có nhu cầu tuyển diễn viên nam. Mai Trần quyết liệt khuyên trưởng đoàn Kim Cương nhận người diễn viên trẻ này.
Để tạo cơ hội cho Lê Công Tuấn Anh, anh đã tạo ra nhiều nhân vật để anh có đất diễn. Anh uốn nắn, chỉnh chu kỹ thuật diễn xuất của Lê Công. Đây chính là nền tảng cơ bản để sau này Lê Công tỏa sáng thành ngôi sao hàng đầu của điện ảnh Việt Nam.
Thế nhưng trước lúc Lê Công thành thần tượng lớn, anh và người thầy Mai Trần của mình đi qua nhiều khó khăn. Vì nhiều lý do, Mai Trần rời đoàn Kim Cương.
Trong thời gian thất nghiệp, anh học nghề làm bánh mì. Anh lặn lội tìm mối bỏ hàng khắp thành phố. Nhờ làm bánh mì ngon và có duyên nên Mai Trần có được nhiều mối hàng.
Anh và anh em bắt đầu làm từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng mới đủ hàng giao hết các mối. Lúc này, Lê Công Tuấn Anh chưa chứng minh tài năng nên ít vai diễn. Sáng sớm anh sang nhà thầy Mai Trần lấy bánh mì đem giao khắp nơi.
Trong thời gian làm chủ lò bánh mì, Mai Trần kiếm tiền rất nhiều. Tưởng chừng như anh đã đoạn tuyệt với nghệ thuật thì nghệ sĩ Kim Cương kêu anh trở về. Một đêm suy nghĩ, anh bỏ hết sự nghiệp đang trên đà tấn tới, trở lại nghề diễn viên.
Thế nhưng sự trở lại này không thành công. Anh trôi dạt về tận Kiên Giang để hoạt động nghệ thuật. Tiếp tục gặp nhiều trở ngại, anh lại khăn gói về Sài Gòn trong cảnh thất nghiệp.
Để tồn tại, anh bán bánh bao tại đường Phạm Viết Chánh. Nhiều khán giả yêu mến anh thấy một nghệ sĩ Mai Trần tài năng lặng lẽ bán từng chiếc bánh bao qua ngày đã không khỏi cám cảnh, bùi ngùi.
Mai Trần cùng các đồng nghiệp tại đám giỗ Lê Công Tuấn Anh.
Cú sốc thân phận
Một lần nữa, Mai Trần nghĩ rằng mình đã hết duyên nghệ thuật, chấp nhận cuộc đời lặng lẽ bên xe bánh bao. Nhưng tài năng như anh không thể bị uổng phí. Anh em nghệ sĩ động viên khuyến khích anh trở lại. Mai Trần tiếp tục cháy hết mình trong nghệ thuật. Trong vai trò diễn viên, anh vẫn xuất sắc khi đảm nhận những vai có tính cách phản diện.
Trong vai trò đạo diễn, anh thể hiện mình là người có tầm nhìn bao quát. Không chỉ vậy, anh còn là một tác giả xuất sắc. Anh lại kiếm được tiền và được cống hiến cho đam mê nghệ thuật.
Nhưng định mệnh không cho Mai Trần sự bình yên. Vào năm 1990, Mai Trần ly hôn với người vợ đầu tiên. Cú sốc tình cảm này khiến anh lao vào cuộc sống phóng túng vô định.
Anh tiếp tục là chàng nghệ sĩ lãng tử hát ca bồng bềnh. Anh làm việc cật lực, vui chơi hết mình nên chẳng có tiền tích lũy. Rồi anh phát hiện ra một sự thật bẽ bàng, anh không phải là con ruột của bố mẹ mình. Sự thôi thúc tìm lại cội rễ đã khiến Mai Trần đi khắp nơi tìm kiếm.
Cuối cùng anh mới biết được rằng, cha mẹ ruột của anh người gốc Trà Vinh. Cha anh con nhà phú hộ. Mẹ anh là vợ lẽ. Khi sinh ra anh vì không chắc có thể nuôi nấng anh đàng hoàng, bà đã quyết định cho anh vào gia đình giàu có.
Sự nghiệp diễn xuất thăng trầm. Bi kịch hôn nhân. Và nỗi buồn thân phận ảnh hưởng mạnh đến Mai Trần. Bề ngoài của anh hồn nhiên và bất cần nhưng bên trong là cả một nỗi niềm. Anh làm nghề và tồn tại như một sự chấp nhận số phận.
Thế nhưng trong sự chông chênh ấy, anh vẫn đạt được nhiều dấu ấn nghệ thuật. Anh đã đạt được giải vàng Cánh diều vàng cho vai phụ Năm Đực trong phim "Sống trong sợ hãi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Nghệ sĩ Mai Trần có cuộc đời buồn như một thước phim.
Mới đây, vai phản diện Hai Diệp trong phim "Ngậm ngùi" của đạo diễn Trương Dũng cũng chạm vào trái tim khán giả truyền hình.
Giờ đây, Mai Trần thấy lòng mình lắng dịu hơn. Dù vẫn chưa mua được nhà, nhưng anh hạnh phúc giản đơn với người vợ trẻ hơn mình hơn 20 tuổi.
Chị sinh cho anh một trai và một gái. Con trai lớn Mai Xuân Thiên của anh theo học khoa đạo diễn. Chàng trai trẻ này đã đoạt đươc hai giải đạo diễn phim ngắn ở hai cuộc thi nhỏ.
Mai Trần thổ lộ: "Nhìn lại cuộc đời tôi kịch tính hơn cả một bộ phim buồn. Điều mong mỏi lớn nhất của tôi bây giờ là hy vọng các con trưởng thành và sống được với đam mê".