Bi kịch cuộc đời của mẹ em bé "nghìn rưỡi đô không bán"

Q.T,
Chia sẻ

Chồng đi tù, gia đình nhà chồng đuổi ra đường khi đứa con trai chỉ mới 2 tháng tuổi, Mai khi ấy 20 tuổi, một mình ôm con ra nhà vệ sinh công cộng sống lay lắt đến giờ. Những tưởng cuộc sống cứ bình lặng trôi qua thế, bỗng dưng, người chồng được ra tù đã tìm đến Mai...

Cách đây 2 tháng, hình ảnh về cuộc sống của em bé nghìn rưỡi đô không bán nhận được nhiều quan tâm từ dư luận. Em bé tên Nguyễn Văn Sang, còn được gọi là cu Tí. Mẹ của cu Tí là cô gái trẻ trầm lặng, ít nói, chỉ mới 21 tuổi. Từ khi hai mẹ con bị đuổi ra khỏi đường, cu Tí thường trần truồng cả ngày để cùng mẹ đi bán kẹo cao su kiếm sống.

Khi có ai hỏi về hoàn cảnh, người thân thích, Mai đều trả lời: "Chết hết rồi!". Mai chỉ nói qua loa về việc em phải một mình lang thang khắp nơi để kiếm sống từ nhỏ, không nói rõ là làm nghề gì.
Lúc lấy được chồng, những tưởng hạnh phúc sẽ tìm đến nhưng chồng Mai lại quậy phá phạm tội nên bị bắt vào tù. Gia đình chồng không cho Mai ở chung nhà nên cu Tí được 2 tháng tuổi thì cả nhà đuổi mẹ con Mai ra đường.

Bi kịch cuộc đời của mẹ em bé
Hình ảnh Mai và cu Tí cả ngày ngồi ở công viên 23/9 để bán kẹo cao su vào 2 tháng trước.


Khi thấy Mai và cu Tí lúc ấy chỉ 2 tháng tuổi ngồi lê lết trước nhà vệ sinh công cộng, ông Nguyễn Kỳ Nhiên, 55 tuổi, tài xế xe ôm tại công viên 23/9 cùng những bác
xe ôm, các chị bán cafe dạo, chú bảo vệ... mỗi người góp một ít tiền để giúp hai mẹ con Mai sống qua ngày

Mai và cu Tí đã sống trong tình thương của mọi người như thế, đến nay đã gần hai năm.
Dù một người Mỹ ngỏ ý muốn trả số tiền 1.500 USD để nhận nuôi em bé, nhưng những "cha mẹ nuôi" của em nhất quyết từ chối.

Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn ghé thăm hai mẹ con. Cu Tí càng lớn càng thông minh, lanh lẹ, bé đang bập bẹ tập gọi mẹ, tập nói. Những khi có người đến thăm hỏi, Mai không nói nhiều, chỉ cười xuề xòa với mọi người. Hỏi em đã ăn uống gì chưa, Mai nói: "Mọi người có mua quà bánh gì, thì khỏi đi, mua sữa cho con em thôi".

Bi kịch cuộc đời của mẹ em bé
Ông Nhiên, người đã cưu mang hai mẹ con Mai suốt thời gian qua.

Ngày 19/9, chúng tôi cũng đến thăm Mai và cu Tí. Nhưng Mai bỗng trở nên cáu gắt với mọi người, miệng thì lầm bầm. Ông Nhiên và hai bác bảo vệ khác nói: "Nó mới bị thằng chồng đánh bầm mặt, mọi người phải can dữ lắm!". Vừa dứt lời, một thanh niên trẻ, áo thun trắng với gương mặt bặm trợn tiến đến chỉ vào mặt Mai và chửi lớn: "Mày coi chừng tao!".

Mai quay mặt vào trong trạm thông tin xe buýt, nức nở. Ông Nhiên bế cu Tí trên tay, khuyên can người thanh niên này. Rồi ông quay sang kể với chúng tôi: "Thằng đấy là chồng con Mai đó, nó mới được ra tù là về kiếm con Mai, bảo ăn ngủ lại với nó, nó thương. Mai về ở với nó được 2 ngày, rồi hai đứa cãi nhau, nó đánh đập con Mai, cu Tí thì thấy vậy cứ khóc thét lên. Rồi Mai nó... thôi luôn, không chịu về với thằng này nữa. Lại tiếp tục ra đây sinh sống, nhưng thằng này nó không để yên, cứ đến kiếm chuyện chửi hai mẹ con rồi bỏ đi. Chúng tôi cũng chỉ biết khuyên can hai đứa vậy thôi ...".


Bi kịch cuộc đời của mẹ em bé
Từ khi người chồng trở về, thường xuyên hành hạ, đánh đập, Mai lầm lì hơn hẳn và cáu gắt với tất cả mọi người.

Mọi người bảo: "Thằng đấy phải thương con Mai, Mai đã hy sinh vì nó bao nhiêu thứ, sao giờ lại nhận cay đắng như vậy?". Chúng tôi hỏi, thì ông Nhiên cũng thở dài, kể về hoàn cảnh nghiệt ngã của Mai.

Năm 18 tuổi, Mai đã nảy sinh tình cảm với người chồng này nhưng mối quan hệ của cả hai không đến được đâu vì bố Mai khi ấy bị suy tim nặng, không có tiền điều trị sẽ chết. Người cô ruột của Mai đã bán em qua Malaysia làm gái bán dâm để có tiền cho bố điều trị bệnh. Mai qua đó chỉ được vài tháng thì nhớ bố, nhớ người chồng của mình nên quyết định trốn về. 

Về đến Việt Nam, Mai tiếp tục bị ép "tiếp khách" để trả nợ cho cô và để bố có tiền điều trị. Nhưng chỉ sau một thời gian, bố của Mai cũng mất, người chồng cũng không được bao lâu thì bị bắt vào tù. Lúc đó, Mai đã sinh cu Tí và cũng không được ở với gia đình chồng nên lại tiếp tục cảnh lang thang kiếm sống.

Đang trò chuyện thì Mai giục: "Chở con đi bán giùm, ngồi đây rồi thằng đấy nó lại đến kiếm cớ đánh con nữa", ông Nhiên xin phép chúng tôi chở Mai và cu Tí đến phố Tây Bùi Viện để tiếp tục bán kẹo cao su đến khuya.


Mai con trẻ, cu Tí còn nhỏ, ông Nhiên cũng đã già yếu, ba con người họ đèo nhau trên chiếc xe ôm cũ kỹ hướng ra phố Tây. Mai đã chịu nhiều đau khổ, đắng cay trong quá khứ để được ở bên người đàn ông em yêu nhất. Nhưng số phận trêu ngươi em, không ai biết khi nào Mai lại bị người chồng hung ác ấy tìm đến gây sự và đánh đập. Giữa công viên ấy, nhiều người sẽ muốn bảo vệ Mai, nhưng có bảo vệ được em suốt cuộc đời này?!...
Chia sẻ