Bi kịch của người già Nhật Bản: Bị bạo hành bởi chính con cái, stress đến mức muốn vào tù để thoát khỏi sự cô đơn
Vấn nạn bạo hành người già tại Nhật Bản đang khiến không ít người nhức nhối và cảm thấy thất vọng.
"Tôi mất bình tĩnh trước cách mẹ nói chuyện với tôi".
Đây là lời khai của chị Yu Inoue trong bản tự thú giết chính mẹ ruột tại đồn cảnh sát Kita, Sapporo, miền Bắc Nhật Bản.
Dù đáng buồn, song vụ án của Yu không phải ví dụ duy nhất cho thấy tình trạng lạm dụng đáng báo động đối với người cao tuổi tại Nhật Bản. Một khảo sát được Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội công bố hồi tháng 12 cho thấy, trong năm 2020, các trường hợp người cao tuổi bị hành hung bởi chính người thân của mình đã chạm ngưỡng 17.281 – con số kỷ lục nhất từng được ghi nhận với 25 trường hợp tử vong.
Theo giới quan sát, nguyên nhân của sự gia tăng các vụ bạo lực này một phần đến từ những mâu thuẫn nảy sinh trong đại dịch, tương tự như vấn nạn bạo hành gia đình và lạm dụng trẻ em.
Trong năm 2020, các trường hợp người cao tuổi bị hành hung bởi chính người thân của mình đã chạm ngưỡng 17.281 – con số kỷ lục nhất từng được ghi nhận tại Nhật Bản
Bạo lực người già ngày càng gia tăng
Dân số Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2010 với 127,32 triệu người, sau đó giảm dần nhưng với tốc độ rất chậm. Các chuyên gia ước tính đến năm 2100, khoảng 1/3 trong số 83 triệu dân Nhật Bản sẽ thuộc nhóm người trên 65 tuổi. Đây được coi là xu hướng già hóa dân số, ghi nhận tại hầu hết các quốc gia châu Á, trong đó có Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore. Tình trạng bạo lực người cao tuổi theo đó được cho là sẽ tiếp tục gia tăng và ngày càng trở nên phổ biến.
Ngày 22/12, Hiroshi Usui bị bắt do tình nghi dùng dao đâm bố đẻ tại nhà riêng ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki. Anh từ chối trả lời mọi câu hỏi từ phía cảnh sát sau khi biết bố mình, ông Kensuke Usui, không qua khỏi cơn nguy kịch.
Trước đó khoảng 10 ngày, cảnh sát tỉnh Hyogo cũng đã đã bắt giữ một người đàn ông 49 tuổi giết mẹ ruột. Nghi phạm cho biết anh "không nhớ" bất cứ điều gì liên quan đến cái chết của mẹ.
Cách đó ít lâu, một người đàn ông 60 tuổi cũng gọi điện tới đồn cảnh sát phường Ota và cho biết anh ta sẽ tự vẫn sau khi siết cổ mẹ. May mắn, cảnh sát đã tìm được người mẹ, khoảng 90 tuổi, trong tình trạng kiệt sức tại nhà riêng. Thi thể người con trai sau đó được phát hiện ngay gần một tuyến đường sắt.
Bạo lực người già tại Nhật Bản ngày càng gia tăng khi sự khoan dung dần biến mất trong xã hội
Theo ông Vickie Skorji, giám đốc TELL Lifeline và dịch vụ tư vấn có trụ sở tại Tokyo, "Chúng tôi đang chứng kiến ngày càng nhiều các vụ tự tử, bạo lực gia đình và trẻ em. Trước đại dịch, mọi người đã có đủ những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, từ công việc, tiền bạc, xăng xe… Giờ đây, COVID-19 còn khiến họ phải chịu đựng cuộc khủng hoảng sức khỏe trong suốt 2 năm nay. Mọi người dần cảm thấy kiệt sức ", ông Skorji nói.
"Thêm vào đó, sự cô lập trong đại dịch khiến nhiều người không thể làm những việc tưởng chừng như rất bình thường, chẳng hạn như gặp bạn bè, người thân, hay nói chuyện với đồng nghiệp. Sự khoan dung của họ theo đó dần biến mất". Bởi vậy, ông Skorji cho biết công ty đang đẩy mạnh xây dựng năng lực phục hồi và hạn chế căng thẳng cho những ai đang cảm thấy bất lực trong chính các mối quan hệ thường ngày.
Người già không còn được tôn trọng
Makoto Watanabe, Giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo cho biết, làn sóng bạo lực gia tăng đối với những người già yếu và dễ bị tổn thương là chỉ dấu cho thấy những chuyển biến tiêu cực đang tác động mạnh mẽ lên xã hội Nhật Bản những năm gần đây.
"Ngày trước, người già là trung tâm của cộng đồng - đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Họ được tôn trọng vì sự hiểu biết về mùa màng và khu vực mình đang sinh sống. Tuy nhiên, cuộc sống đã thay đổi và bất kỳ ai cũng có thể tra Google để tìm kiếm thông tin. Giá trị của người già theo đó giảm xuống", ông Watanabe cho biết.
Sự lạc lõng và mất dần chỗ đứng trong xã hội khiến người già Nhật Bản chịu tác động lớn về tâm lý. Tình trạng phạm tội ở những đối tượng này theo đó cũng tăng lên sau khi phải chịu quá nhiều cú sốc tinh thần. Nhiều người thậm chí cố tình phạm tội để được vào tù và thoát khỏi sự cô đơn.
“Tôi cảm thấy rất thoải mái. Tôi có quần áo mặc, thực phẩm, chỗ ở và được chăm sóc khi có bệnh. Nhà tù cũng giống như một trung tâm dưỡng lão nghiêm khắc vậy”, tạp chí Fortune dẫn lời một tù nhân 76 tuổi cho biết.
Tại đất nước Đông Á, nơi lòng hiếu thảo và tôn trọng người cao tuổi đã ăn sâu vào nhận thức và văn hoá ứng xử, vấn nạn bạo hành người già đang khiến không ít người nhức nhối và cảm thấy thất vọng. Nhiều câu hỏi theo đó được đặt ra đối với sự phát triển như vũ bão của công nghệ Nhật Bản, rằng đây có thực sự là công cụ khiến cuộc sống ở xứ sở hoa anh đào lành mạnh hơn.
"Những người sống gần cha mẹ ruột lại chính là nguồn gốc của bạo lực. Tôi sợ rằng công nghệ giúp người Nhật có được nhiều thứ, song cũng khiến họ mất đi nhiều thứ, trong đó có sự đồng cảm", ông Watanabe chia sẻ.
Theo: SCMP