Bị hủy hôn vì đề nghị khám sức khỏe tiền hôn nhân

,
Chia sẻ

Sắp kết hôn Tâm (26 tuổi, Bình Phước) đề nghị bạn trai đi khám sức khỏe. Không ngờ 6 tháng sau anh chủ động nói lời chia tay vì cho rằng cô không tin tưởng anh.

Tâm cho biết, khi cô đề cập đến chuyện khám sức khỏe, gia đình bạn trai liền cho là cô ngỗ ngược, tự cao, sau này sẽ lấn quyền chồng. Ngay cả người yêu cũng cho rằng, cô không tin tưởng anh ấy. Sau đó, hai người ít gặp nhau dần. 6 tháng sau thì anh chủ động chia tay mặc cho cô giải thích đủ kiểu, anh vẫn không nghe.

Còn anh Phùng chỉ vì dám đề nghị vợ chưa cưới đi giám định tâm thần mà bị nhà gái trả lễ. Anh cho biết thấy nhà người yêu có người mắc bệnh tâm thần, một loại bệnh có nhiều khả năng di truyền vì thế mới đề nghị cô đi kiểm tra. Khồng ngờ, bị mẹ vợ tương lai mắng: "Nhà tôi có người mang bệnh thật, nhưng liên can gì đến con gái tôi mà bắt nó phải giám định tâm thần? Đó là sự xúc phạm nặng nề, nhà tôi xin trả lễ".
 
Tuy bị trả lễ như thế, nhưng anh Phùng còn may mắn hơn nhiều so với trường hợp của anh Trà (ở quận Bình Tân, TP HCM).

Cách đây bốn năm, khi ba mẹ anh phát hiện phía gia đình Hạnh, vợ sắp cưới của anh có người anh bị tâm thần nên đã khuyên anh dẫn Hạnh đi khám. Trà lần lữa hẹn để cho qua, rồi họ cưới nhau chưa đầy một năm thì xảy ra chuyện.

Một lần, anh đi liên hoan với bạn cùng cơ quan về muộn, Hạnh chờ cơm tới khuya dù đang mang thai hơn ba tháng. Thế là anh giận cô vì không biết lo cho thai nhi nên đã nặng lời. Trong lúc giằng co, cô bị trượt chân và sẩy thai. Từ đó cô cũng phát bệnh tâm thần.

Theo Giáo sư Trương Đình Kiệt, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Y Dược TP HCM, việc xác định bệnh sử của người chuẩn bị kết hôn rất quan trọng, nhất là với người có tiền sử bị bệnh tâm thần hoặc có người thân mắc bệnh tâm thần. Nếu rơi vào hai trường hợp này, các chuyên gia y tế sẽ tư vấn để hai bạn trẻ sắp kết hôn có cách ứng xử, chăm sóc nhau phù hợp hơn.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cũng khuyên nên khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm máu, khám cơ quan sinh dục ngoài và trong. Ngoài ra, cần tìm hiểu và nắm rõ các tiền căn về rối loạn tâm thần, viêm nhiễm đường sinh dục, bệnh truyền nhiễm, kém phát triển trí tuệ, bệnh tim, gan, thận, bệnh sử gia đình...

Thời gian khám sức khỏe trước khi kết hôn tối thiểu 3-6 sáu tháng, để nếu có bệnh, sẽ chữa trị kịp thời. Thậm chí, bác sĩ có thể đề nghị hoãn kết hôn hay có biện pháp phòng tránh thai.

Ở góc độ tâm lý, chuyên viên Nguyễn Thu Hiên, Trung tâm tư vấn Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết, nhìn chung người Việt Nam không có thói quen đi khám sức khỏe khi chưa thấy bệnh. Nam giới thường e ngại nhiều hơn nữ khi nói đến vấn đề khám sức khỏe tiền hôn.

Lý do thứ nhất là khi chạm đến sức khỏe, họ thường nghĩ rằng "đối phương lo ngại khả năng sinh lý của mình", mà quên rằng sức khỏe là một phạm trù rất rộng. Thứ hai, họ chủ quan nghĩ rằng mình không thể mắc bệnh được. Thứ ba, họ lại cho rằng bạn gái nghi ngờ mình có quan hệ nam nữ trước đó chăng?

"Lọ thuốc nào cũng có câu 'Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng'. Vậy sao, chúng ta không đọc một chút thông tin về sức khỏe của nhau để có thể chăm sóc, yêu thương nhau nhiều hơn?", bà Hiên nói.
 
Theo Phụ nữ
Chia sẻ