Bi hài “nghề” ông già Noel
Đó là những tình huống dở khóc dở cười hay những ứng biến tài tình của người nhập vai ông già Noel mà chỉ người trong “nghề” mới biết.
Cái duyên đến với “nghề” ông già Noel
“Mọi người đã bao giờ nghĩ ông già Noel phải chơi beat box, nhảy hip hop và đọc Rap chưa? Vậy mà mình phải làm đấy”, đó là một trong những tình huống thành công nhất của nhóm “Ông già Noel sinh viên”.
Chuẩn bị nhập vai ông già Noel
Phải đến lần thứ ba hẹn gặp, chúng tôi mới có cơ hội được gặp hết các thành viên trong nhóm “Ông già Noel sinh viên”, bởi thời gian này các bạn bắt đầu “chạy sô” đi tặng quà cho các cháu học sinh.
Gặp cả nhóm tại một quán cà phê gần cổng trường tiểu học quận Đống Đa. Vừa đi tặng quà cho một bạn học sinh, các thành viên trong nhóm vẫn mặc trên mình bộ quần áo ông già Noel với bộ râu dài trắng mướt.
Hoàng Ngự là người mở đầu câu chuyện bằng những chia sẻ về cái duyên khiến 5 năm nay, các thành viên được mọi người gọi là ông già Noel. Trước khi làm ông già Noel, Ngự đã có kinh nghiệm làm MC đám cưới. Vô tình trong một lần làm MC, cô dâu là cô giáo dạy tại một trường tiểu học ở quận Ba Đình. Sau đám cưới đó, cô dâu đã nhờ Ngự dẫn chương trình MC của trường học cô đang dạy nhưng MC lần này lại trong vai ông già Noel.
“Khi nghe điện thoại, mình hơi ngạc nhiên nhưng chợt nghĩ công việc mới cũng khá thú vị nên mình quyết định nhận lời để thử làm xem sao. Khi đó mình phải gọi thêm ba bạn nam nữa cùng thành lập nhóm “Ông già Noel sinh viên”. Mới đó cũng đã 5 năm nhóm mình làm việc này”, Ngự vui vẻ cho biết.
Tiếp nối câu chuyện, Tùng Anh chia sẻ: “Mỗi năm đến Giáng sinh, nhóm lại tất bật sửa soạn đi tặng quà từ 10-25.12. Khách hàng chủ yếu là khách quen tại các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội và một số các gia đình liên hệ qua số điện thoại trên trang web của nhóm.
“Công việc tặng quà của ông già Noel chỉ gói gọn trong khoảng 10 ngày, chạy từ 6h sáng đến tận 12h đêm. Những nơi cách xa nhau như Thanh Trì, Cầu Giấy có khi chúng mình phải dậy từ lúc 5h sáng. Cả nhóm hầu như cả ngày không gặp mặt nhau, chỉ trao đổi công việc qua điện thoại. Kết thúc Giáng sinh, sau khi trừ xăng xe và tiền ăn, mỗi người cũng được 5-6 triệu đồng. Có năm, nhiều khách có thể được 7-8 triệu đồng”.
Những tình huống “khó đỡ”
Chuẩn bị kỹ đến đâu cũng không thể tránh khỏi những tình huống khách quan xảy ra. Chợt dừng lại câu chuyện, Dương Hùng hỏi chúng tôi: “Mọi người đã bao giờ nghĩ ông già Noel phải chơi beatbox, nhảy hiphop và đọc rap chưa? Vậy mà nhóm mình phải làm đấy”.
"Ông già Noel" lên đường đi phát quà
Dương Hùng kể: “Trong một lần đi tặng quà tại một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm, dù ban tổ chức đã chuẩn bị nhạc để ông già Noel hát mừng Giáng sinh với các cháu nhưng khi đang hát thì đột nhiên mất điện. Tình huống này nếu không xử lý sẽ dễ bị vỡ chương trình. Để lâu ông già Noel cũng sẽ bị lộ và không còn thú vị với các cháu nữa”.
“Lâm Anh bỏ micro xuống, bắt đầu đọc rap và cả nhóm cùng nhảy hiphop luôn, các cháu nhỏ ùa theo hưởng ứng khiến cho không khí vui nhộn hẳn lên. Ngay lúc đó có điện, Lâm Anh hỏi cháu nào nhảy được Gangnam Style lên sân khấu? Rất nhiều cháu đã đồng loạt nhảy lên sân khấu cùng nhảy Gangnam Style với mình. Ngày hôm đó, các thầy cô cũng phải cười nắc nẻ vì có những trẻ nhỏ mới học lớp một nhưng nhảy rất giỏi và ngộ nghĩnh”, Hùng vừa cười vừa thuật lại.
Nhiều khi đi tặng quà cho mọi người các thành viên trong nhóm cũng gặp phải những tình huống dở khóc dở cười. Quần áo của ông già Noel làm ẩu nên việc bị rách, đứt cúc áo hay quần bị tụt, râu bị bay tá lả.
Tùng Anh chia sẻ: “Chuyện quần áo ông già Noel làm ẩu nên việc đứt cúc áo hay bị rách quần là chuyện bình thường. Có lần mình đang tặng quà cho các cháu thì hàng loạt chiếc cúc áo bị đứt, làm bụng giả lộ ra. Các cháu nhỏ phát hiện, mình phải lấy cớ là đi tặng áo cho các bạn nhà nghèo”.
“Một lần đang đi tặng quà tại quận Hoàng Mai, quần ông già Noel mình mặc bị rộng nên tụt xuống đến đầu gối. Mình phải tìm vào nhà vệ sinh lấy dây ở túi quà để buộc lại quần cho chắc chắn mới vào tặng quà. Cũng may mình mặc quần dài ở trong và râu của ông già Noel che gần hết mặt nên đỡ ngại”, Hoàng Ngự hóm hỉnh kể lại.
Diễn tả lại điệu bộ của mình trong một tình huống, Tùng Anh kể tiếp: “Mình cũng có thói quen sờ bụng để pha trò với các cháu, nhiều cháu đã quen với mình nên cũng sờ bụng mình theo. Có lần không kịp trang bị bụng giả, tự nhiên có một bàn tay sờ vào bụng trong khi mình đang chú ý phát quà làm mình giật thót”.
Thời gian cuốn theo những câu chuyện kể của nhóm “Ông già Noel sinh viên” như không muốn ngừng lại. Chợt có chuông điên thoại, cũng là lúc các thành viên trong nhóm phải tiếp tục công việc của mình. Trong bộ quần áo ông già Noel và túi quà, cả nhóm tiếp tục mang đến những lời chúc cho tất cả mọi người.